"Những bông hoa" giáo dục nghề nghiệp

  • 08:04 | Thứ Hai, 21/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù nghề cao quý ấy vẫn còn lắm khó khăn, nhiều trăn trở nhưng họ vẫn miệt mài trên bục giảng, lăn lộn trên các xưởng trường. Họ-những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã làm nghề bằng tất cả tình yêu và đam mê. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng một đội ngũ nhà giáo “thực tâm, thực tài, thực nghề” sẽ là chìa khóa để đào tạo nên thế hệ trẻ giỏi kỹ năng, vững tay nghề.
 
Nhà giáo Hoàng Quang Hiệu: “Nghề đã chọn tôi”
 
Sinh năm 1986, thầy giáo Hoàng Quang Hiệu hiện là Trưởng khoa Kinh tế-Du lịch, Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9, cũng là thầy giáo chuyên giảng dạy bộ môn Kỹ thuật chế biến món ăn.
 
Những năm tháng gắn bó cùng nghề giáo, anh đã được công nhận là giáo viên (GV) dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen, nhiều giải thưởng. Duyên nghề nghiệp đến với anh khá tình cờ nên sau 12 năm đứng lớp, mỗi khi nghĩ lại, anh coi đó như bước ngoặt ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình.
 
Anh chia sẻ: “Ban đầu, tôi làm đầu bếp cho một nhà hàng lớn tại Hà Nội. Trong một lần được mời về giảng dạy tại Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9, bản thân tôi tự nhiên cảm thấy thích thú với công việc mới mẻ này. Vậy là quyết định gắn bó với nghề dạy học cho đến bây giờ”. Dù là nghề đã chọn anh như lời anh vẫn nói nhưng tình yêu với nghề giáo cứ thế lớn dần lên theo từng ngày đến lớp, chứng kiến từng lứa học viên lần lượt trưởng thành, đóng góp cho xã hội chính bằng nghề nghiệp đã được học.
Thầy giáo Hoàng Quang Hiệu (ở giữa) giảng dạy bộ môn Kỹ thuật chế biến món ăn.
Thầy giáo Hoàng Quang Hiệu (ở giữa) giảng dạy bộ môn Kỹ thuật chế biến món ăn.
Với bộ môn Kỹ thuật chế biến món ăn, ngoài việc giỏi trong việc truyền đạt lý thuyết, nắm vững kỹ năng thực hành, GV đứng lớp còn phải biết cân đong, chuẩn bị thực phẩm sao cho hợp lý trước mỗi giờ lên lớp. Thực phẩm được chọn vừa đủ dùng, tiết kiệm, vừa phải bảo đảm độ tươi ngon. Với nam giới như anh Hiệu, điều này thực sự không hề dễ dàng. Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 còn đảm nhận việc giảng dạy cho học viên ngoại tỉnh. Vì vậy, với các lớp trung cấp, sơ cấp tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, GV cũng phải chuẩn bị đầy đủ thực phẩm để mang đi, phục vụ cho tất cả các tiết dạy. Nhưng, đó chỉ là một trong rất nhiều những khó khăn mà một GV GDNN như anh phải trải qua.
 
Đảm nhận vị trí trưởng khoa của một khoa có số học viên theo học đông nhất trường, thầy giáo Hoàng Quang Hiệu luôn trăn trở để nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút tuyển sinh, gắn việc đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, với sự phát triển của ngành Du lịch.
 
Khoa Kinh tế-Du lịch hiện đang đào tạo, giảng dạy 1 nghề trọng điểm cấp quốc tế, 1 nghề trọng điểm cấp ASEAN trong tổng số 3 nghề trọng điểm của trường. Đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai cán bộ quản lý, đồng thời là GV giảng dạy trực tiếp như anh. “Phần lớn các em học sinh (HS) của trường đang trong độ tuổi THPT, chưa có nhận thức sâu sắc về việc học nghề và chọn nghề, phụ huynh cũng thế. Vì vậy, điều làm khó chúng tôi nhất là làm sao để phụ huynh, HS của mình nhận thức về ngành nghề đào tạo. Có như thế, công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT mới thực sự chất lượng”, anh Hiệu chia sẻ.
 
Nhà giáo Nguyễn Xuân Thắng: “Là GV, phải bắt kịp với sự đổi mới của công nghệ”
 
Khác với việc đào tạo GV nói chung, đào tạo đội ngũ nhà giáo GDNN cần đặc biệt chú trọng đến kỹ năng, phát triển năng lực bắt kịp với sự đổi mới của công nghệ. Và nhà giáo các cơ sở GDNN vừa phải là người vững lý thuyết nhưng cũng đồng thời phải nắm chắc kỹ năng thực hành. Trưởng thành từ chính mái trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, thầy giáo Nguyễn Xuân Thắng hiểu rằng, dạy nghề phải là một quá trình đòi hỏi sự chuyên tâm, nhẫn nại và đam mê thực sự. Là giảng viên khoa Cơ khí-Động lực, đồng thời là Bí thư Đoàn trường, anh Nguyễn Xuân Thắng đã chứng tỏ được năng lực, tinh thần đổi mới sáng tạo của một người trẻ.
 
Từ ngày còn là SV của trường, anh Thắng đã bị thu hút bởi những giờ lên xưởng thực hành, được khám phá, tìm hiểu và sửa chữa thiết bị. Được giữ lại trường giảng dạy bộ môn Công nghệ ô tô, anh càng gắn bó với nghề nghiệp đặc biệt này. Sau những giờ lên lớp, Thắng lại cùng đến xưởng, lăn lộn với SV trong những giờ thực hành, mày mò bên hàng tá thiết bị.
 
“Công nghệ ô tô là ngành không ngừng đổi mới về kỹ thuật, ngày càng hiện đại hơn. Điều này đòi hỏi người dạy lẫn người học phải cập nhật công nghệ thường xuyên. Nếu không nắm bắt được sẽ dẫn đến việc đào tạo học viên sai định hướng và tất nhiên, không thể giải quyết tốt vấn đề việc làm đối với người học. Vì vậy, chúng tôi luôn tạo cho SV nhiều cơ hội được tiếp cận với những công nghệ mới bằng việc liên kết với các doanh nghiệp để đưa SV đi thực tập”, anh Thắng chia sẻ.
 
Để làm mới những giờ lên lớp, đáp ứng nhu cầu dạy học nhiều mô đun khác nhau trong chương trình đào tạo nghề Công nghệ ô tô, anh Nguyễn Xuân Thắng cùng những động nghiệp của mình thiết kế và xây dựng“Mô hình dàn trải hệ thống điện trên xe ô tô con”. Với mô hình này, người học sẽ dễ dàng quan sát từ tổng thể đến chi tiết các bộ phận của hệ thống điện trên ô tô. Mô hình đã xuất sắc giành giải nhì cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm năm 2022.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Thắng hiện đang giảng dạy bộ môn Công nghệ ô tô, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Thắng hiện đang giảng dạy bộ môn Công nghệ ô tô, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình.
Ngoài công tác chuyên môn, anh Nguyễn Xuân Thắng là một Bí thư Đoàn trường năng nổ, đầy trách nhiệm và luôn sáng tạo, làm mới những hoạt động, phong trào. Cá nhân anh đã được Tỉnh đoàn tuyên dương là GV trẻ tiêu biểu năm 2021. Nhiều năm liền, Đoàn Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình luôn được đánh giá cao trong các phong trào thanh niên, giành được nhiều bằng khen, giấy khen của Tỉnh đoàn, Trung ương đoàn.
 
Nhà giáo Trần Thị Phương Thảo: “GV vừa truyền đạt kiến thức nhưng vừa phải luôn bên cạnh động viên các em”
 
Là Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo, Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình, cô giáo Trần Thị Phương Thảo luôn chủ động sáng tạo, tìm tòi nhu cầu và kết nối với các cơ sở để tuyển sinh, mở các lớp đào tạo. Trọng trách nhiều, áp lực cũng không ít, với một người phụ nữ như chị, áp lực ấy càng nặng nề. Nhưng bằng sự mạnh mẽ, quyết đoán, tư duy độc lập, chị đã luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác tuyển sinh. Nhiều năm liền, kết quả tuyển sinh của cá nhân chị luôn đạt 180% chỉ tiêu khoán, đồng thời, chỉ đạo bộ phận tuyển sinh đạt trên 100% chỉ tiêu. Trung tâm Liên kết đào tạo cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch giao khoán của nhà trường.
 
Là thạc sĩ Lâm học, ngoài công việc tại trung tâm, chị đang giảng dạy các học phần: Kỹ thuật khai thác rừng trồng và quản lý tài nguyên rừng. Đây được coi là những môn học đặc thù, đòi hỏi GV phải thường xuyên đi cơ sở, thâm nhập thực tế ở những địa hình khó khăn, hiểm trở. Những chuyến cùng học sinh, sinh viên (HSSV) đi ngược vào rừng đã cho chị nhiều trải nghiệm quý giá bởi ở đó có vất vả, khó nhọc và cả những hiểm nguy nhưng chưa bao giờ dập tắt trong chị ngọn lửa nghề và tình yêu với những cánh rừng già. Và hơn ai hết, mỗi ngày được đứng trên bục giảng, đồng hành cùng các em trong những chuyến ngược rừng, chị lại tiếp tục truyền ngọn lửa ấy sang những HSSV của mình.
 
Chị Thảo cho biết: “Khi các em chọn nghề lâm nghiệp, nhiều em vẫn chưa hiểu được những khó khăn, vất vả của nghề này. Nhưng sau những chuyến đi như thế, các em đã bắt đầu thấy yêu hơn và quyết định gắn bó cùng nghề. Để có được điều đó, chúng tôi đã phải ở bên cạnh động viên, khuyến khích các em rất nhiều, giúp các em hiểu được nghề mà các em chọn học có ý nghĩa đặc biệt như thế nào”.
 
Trong số HSSV của chị, đã có người ra trường, trở thành những cán bộ lâm nghiệp, những người giữ rừng lặng lẽ. Có người lại chọn đi trên con đường khác nhưng trong họ cũng đã có một tình yêu rừng được nhen nhóm lên từ chính những ngày trên ghế nhà trường. Với chị Thảo, đó là phần thưởng quý giá nhất, giá trị hơn tất thảy những giấy khen, bằng khen và giải thưởng đã nhận được trong suốt nhiều năm gắn bó cùng nghề.
Diệu Hương

tin liên quan

Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng giáo dục

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Ngọc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo.

Người "đưa đò" tận tụy

(QBĐT) - Suốt hơn 30 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hường (SN 1972), Trường tiểu học số 1 Đồng Lê (Tuyên Hóa) không chỉ được biết đến là một giáo viên dạy giỏi, mà còn được ví như người "đưa đò" tận tụy, giàu tình thương yêu với lớp lớp các thế hệ học sinh nơi đây.
 

Ngôi trường của niềm tin

(QBĐT) - Trường mầm non Trường Thủy (Lệ Thủy) trở thành địa chỉ giáo dục đáng tin cậy của người dân trên địa bàn, là một trong những điểm sáng của bậc học MN toàn tỉnh.