Minh Hóa: Bức tranh sáng về xuất khẩu lao động

  • 14:55 | Thứ Tư, 26/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bức tranh xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có những gam màu sáng. Nếu như trong các năm 2018 và 2019, bình quân mỗi năm huyện Minh Hóa chỉ có khoảng 55 người tham gia XKLĐ, thì nay, chỉ tính riêng trong năm 2022, con số này đã tăng lên 150 người và đang phấn đấu có 210 người XKLĐ trong năm 2023. So với các địa phương trong tỉnh, con số này tuy không lớn nhưng đối với huyện miền núi rẻo cao còn lắm khó khăn như Minh Hóa, đây là một sự "đột phá" mới.
 
Hơn 10 năm trước (giai đoạn 2009-2010), với hình thức ưu tiên cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, 100 lao động (LĐ) ở một số xã của huyện Minh Hóa đã vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, mức vay bình quân khoảng 25 triệu đồng/người, tham gia XKLĐ qua tuyển dụng của Công ty CP dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa (chi nhánh Hà Tĩnh).
 
Điều đáng nói, sau khi thực hiện vay vốn, nộp tiền cho công ty, do bất đồng về mức lương ghi trong hợp đồng không đúng như công ty đã hứa khi về tuyển dụng tại xã nên một số trường hợp người LĐ không chịu đi XKLĐ. Số khác, sau khi được công ty đưa sang Malaysia thì gặp phải các lý do, như: Công việc không phù hợp, mắc bệnh tật, vi phạm luật LĐ, không có việc làm nên đã bị trục xuất về nước. Mong muốn thoát nghèo từ XKLĐ, nhưng nhiều người dân lại nghèo hơn vì khoản nợ ngân hàng nhiều năm không trả được.
 
Từ sự việc nói trên, nhiều người dân ở huyện Minh Hóa mất lòng tin vào việc đi LĐ có thời hạn tại nước ngoài trong nhiều năm ròng. Mặt khác, do điều kiện kinh tế của nhiều LĐ ở huyện Minh Hóa còn lắm khó khăn, thiếu nguồn vốn tích lũy, trình độ tay nghề, ngoại ngữ và am hiểu về thị trường XKLĐ còn hạn chế... nên các LĐ "ngại" đi làm việc ở nước ngoài vì sợ ôm nợ, không hiệu quả. 
 Lao động ở huyện Minh Hóa tích cực học nghề để tìm kiếm cơ hội tham gia xuất khẩu lao động.
Lao động ở huyện Minh Hóa tích cực học nghề để tìm kiếm cơ hội tham gia xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, đó là chuyện của nhiều năm trước. Bây giờ, đến xã miền núi rẻo cao Hóa Sơn, chúng tôi được biết việc XKLĐ tại địa phương này đang có sự khởi sắc, rất khả quan. Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn xã có 9 trường hợp tham gia XKLĐ, nâng tổng số LĐ ở xã tham gia XKLĐ thành công tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đến thời điểm này là 15 người.
 
Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn Đinh Hồng Tuyên phấn khởi cho biết: "Nhờ sự mạnh dạn của người dân khi tham gia XKLĐ, toàn bộ các trường hợp nói trên đều gửi về bình quân từ 18-40 triệu đồng/người/tháng. Đây quả là con số thu nhập "vượt sức tưởng tượng" của người dân bản địa từ trước tới nay. Đơn cử như các trường hợp Đinh Minh Hòa (SN 1992) và Đinh Xuân Nhì (SN 1986) đều trú tại thôn Thuận Hóa...
 
Nhờ số tiền thu được từ XKLĐ, nhiều gia đình ở xã đến nay đã trả hết nợ, thậm chí tích lũy để nuôi con ăn học, làm nhà ở kiên cố, mua sắm vật dụng đắt tiền. Nhận thấy hiệu quả tích cực từ XKLĐ, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, toàn xã có khoảng 15 trường hợp đến UBND xã đăng ký để được tham gia đi làm việc ở nước ngoài".
 
Năm 2023, UBND huyện Minh Hóa đặt ra mục tiêu phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 3.000 LĐ; trong đó, số LĐ thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội 1.500 người trở lên; vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm 400 người; LĐ tự tạo việc làm 1.100 người trở lên, trong đó đi làm việc ở nước ngoài 210 người.
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi vui mừng khoe: "Trong năm 2022, xã có 9 trường hợp người Khùa (thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều) được tham gia XKLĐ tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Bước đầu, toàn bộ các trường hợp này đều gửi về cho gia đình hơn 25 triệu đồng/người/tháng. Việc lần đầu tiên người Khùa tham gia XKLĐ thành công đã mở ra một hướng mới, góp phần đắc lực vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Sắp tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về XKLĐ để người dân được biết, từ đó mạnh dạn hưởng ứng, tham gia...".
 
Tại xã Trung Hoá, Chủ tịch UBND xã Cao Xuân Dương cho biết, tính đến thời điểm này, toàn xã có trên 60 trường hợp đi XKLĐ ở các thị trường: Nhật Bản, Hungari, Hàn Quốc, Đài Loan. Bình quân mỗi người dân khi tham gia XKLĐ gửi về cho gia đình từ 20-30 triệu đồng/tháng. Để có được kết quả này, thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả từ XKLĐ, thực hiện kết nối với các đơn vị tuyển dụng có uy tín, hợp pháp để giúp người dân an tâm, tin tưởng tiếp cận với thị trường LĐ ở nước ngoài. Đặc biệt, xã Trung Hóa còn tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia học nghề, vay các kênh vốn ưu đãi phục vụ cho việc XKLĐ.
 
Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Bùi Anh Tuấn cho biết, trong điều kiện nền kinh tế của huyện còn lắm khó khăn, việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tham gia XKLĐ sẽ góp phần tích cực vào vấn đề giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Thời gian tới, huyện Minh Hóa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn được tham gia XKLĐ bằng con đường hợp pháp, hiệu quả. Huyện cũng xem đây là một trong những mũi nhọn về phát triển kinh tế, giải quyết việc làm một cách hiệu quả để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo...
 
Văn Minh

tin liên quan

Thực hiện chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) -  Ngày 24/4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 761/KH-UBND về thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Ấm lòng người có công

(QBĐT) - Sau hơn một năm triển khai trên toàn tỉnh, việc chi trả trợ cấp cho đối tượng người có công (NCC) với cách mạng thông qua hệ thống bưu điện (BĐ) đã nhận được những phản hồi tích cực.

Nông dân tích cực bảo vệ môi trường

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Quảng Trạch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, ND tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều hoạt động thiết thực, trở thành thói quen trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân…