Mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn

  • 08:13 | Thứ Hai, 10/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là mô hình “Công trình vệ sinh vì cộng đồng” ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh). Không chỉ đứng ra kết nối, kêu gọi hỗ trợ, Đồn Biên phòng (BP) Làng Mô và chính quyền địa phương đã đóng góp ngày công xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh cho đồng bào Bru-Vân Kiều. Việc làm này đã góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của người dân.
 
Trường Sơn là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Ninh. Toàn xã có 1.240 hộ dân sinh sống rải rác ở 19 thôn, bản; trong đó có hơn 60% là người Bru-Vân Kiều. Những năm qua, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã tích cực tuyên truyền về vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường nhưng do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, rất ít đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Hiện nay, có hơn 80% dân số không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh tạm bợ không bảo đảm vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, người dân còn giữ thói quen sinh hoạt lạc hậu, không bảo đảm vệ sinh; đa số chưa có thói quen rửa tay với xà phòng, việc phóng uế bừa bãi còn phổ biến gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
Với mong muốn xóa bỏ các nhà vệ sinh tạm bợ, nâng cao đời sống, thay đổi thói quen sinh hoạt lạc hậu của bà con, Đồn BP Làng Mô đã phối hợp với Hội LHPN và Đoàn Thanh niên xã Trường Sơn đứng ra kết nối, kêu gọi hỗ trợ và trực tiếp đóng góp ngày công xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân. Sau khi khảo sát thực tế tại các thôn, bản trên địa bàn xã, “Công trình vệ sinh vì cộng đồng” được khởi công đầu tiên vào tháng 3/2022 tại bản Cổ Tràng.
Các đơn vị thi công “Công trình vệ sinh vì cộng đồng” cho bà con xã Trường Sơn.
Các đơn vị thi công “Công trình vệ sinh vì cộng đồng” cho bà con xã Trường Sơn.
Để tiết kiệm chi phí nhưng vẫn bảo đảm công trình được xây dựng đúng kỹ thuật, đạt chất lượng, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Làng Mô chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng công trình. Hệ thống hầm tự hủy được sử dụng bằng các thùng nhựa nguyên sinh HDPE, là loại nhựa có sức dẻo dai và bền bỉ, chịu va đập tốt, không bị ăn mòn, oxy hóa, bền với thời gian nắng mưa ngoài trời. Chi phí để triển khai xây dựng mỗi công trình chỉ 2,5 triệu đồng.
 
Đại úy Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn BP Làng Mô chia sẻ: “Số lượng người dân cần hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh rất lớn nhưng kinh phí thì có hạn. Bình thường để làm một công trình vệ sinh phải chi phí từ 5-10 triệu đồng. Bằng cách làm mới, chúng tôi hạ thấp chi phí bằng cách chú trọng đầu tư làm phía dưới và hệ thống hầm tự hủy bảo đảm chắc chắn; còn phía trên tùy điều kiện của người dân để hoàn thiện theo nhiều hình thức khác nhau, có thể xây hoặc che chắn bằng các loại vật liệu sẵn có”.
 
Là hộ gia đình đầu tiên ở bản Cây Sú được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, anh Hồ Văn Mạnh phấn khởi chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc mình có thể có một nhà vệ sinh tự hủy, vì chi phí phải bỏ ra rất lớn. Nhờ có Đồn BP Làng Mô và các đoàn thể trong xã giúp đỡ, tôi đã có nhà vệ sinh sạch, đẹp để sử dụng. Từ nay, việc sinh hoạt của gia đình, đặc biệt là các con tôi đã thuận lợi hơn rất nhiều”.
 
Hiện tại, Đồn BP Làng Mô và chính quyền địa phương đang tiến hành khảo sát để tiếp tục thực hiện 5 “Công trình vệ sinh vì cộng đồng” tại các thôn, bản trên địa bàn xã Trường Sơn.

Chính trị viên Đồn BP Làng Mô, thượng tá Lê Văn Sỹ cho hay, mặc dù ở địa bàn xa trung tâm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, việc vận chuyển nguyên vật liệu và triển khai thi công gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự chung tay, góp sức của cộng đồng, đơn vị đã xây dựng thành công 12 “Công trình vệ sinh vì cộng đồng” để trao tặng cho bà con đưa vào sử dụng hiệu quả.

Thời gian tới, bằng các nguồn lực, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình. Hiện nay, số hộ dân tại các bản chưa có nhà vệ sinh còn rất lớn, đơn vị mong muốn các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cùng đồng hành với đơn vị để ngày càng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn cho biết, đời sống của người dân trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn, việc triển khai xây dựng các “Công trình vệ sinh vì cộng đồng” mang lại ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào Bru-Vân Kiều. Thông qua việc hỗ trợ các công trình vệ sinh tự hủy đã giúp nâng cao đời sống cho bà con, từng bước thay đổi thói quen, nếp sống sinh hoạt lạc hậu, giữ gìn vệ sinh môi trường. Thời gian tới, cùng với kêu gọi, vận động hỗ trợ, hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, sinh động, như: Lồng ghép vào các buổi sinh hoạt hội, sinh hoạt CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh về giữ gìn và bảo vệ môi trường trong cộng đồng...

 
Lan Chi

tin liên quan

Làm gì để chống lạm thu?

(QBĐT) - Lạm thu là câu chuyện chưa bao giờ hết "nóng", nhất là vào dịp năm học mới. Những năm qua, mặc dù ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình trạng lạm thu chưa được giải quyết triệt để. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn "căn bệnh" lạm thu trong trường học?

Khu vực Bắc Bộ sẽ đón gió mùa Đông Bắc từ ngày 9/10

Từ sáng sớm 9/10, trời chuyển lạnh bởi bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ...

Không làm gương làm sao dạy con?

(QBĐT) - Đi làm cả ngày, tối về thấy anh K. cứ chăm chăm cái điện thoại, chị V. tỏ ra khó chịu: