Thanh âm hạnh phúc của những cô giáo đặc biệt

  • 08:24 | Thứ Sáu, 07/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không mưu cầu năng khiếu đặc biệt từ các em học sinh, những cô giáo tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm (TP. Đồng Hới) lại có niềm hạnh phúc giản dị đến kỳ lạ, đã vội rơi nước mắt khi nghe thấy học trò nói những từ đầu tiên, đủ ý, trong trẻo, sau vài ngày nhập học. 
 
Thanh âm hạnh phúc 
 
Chúng tôi đến Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm trong một ngày thu nắng vàng. Các em nhỏ rộn ràng khi thấy có người lạ vào lớp. Không gian phòng học gọn gàng với các thiết bị giáo dục rực rỡ nhiều màu sắc và rộn vang tiếng trẻ tinh nghịch như ở bao trường học khác. Ngôi trường tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp tự kỷ, trẻ chậm nói, khó khăn ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển… đến từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. 
 
Tại đây, mỗi em có một câu chuyện phát triển riêng, được cô giáo ghi nhớ tường tận bằng giáo án và cả kinh nghiệm. Có lẽ bởi mỗi một thanh âm của các em lại là cột mốc cảm xúc riêng với các cô, từ những câu nói đầu tiên của học sinh tại trường...
 
“Em N. được ba mẹ đưa đến trung tâm khi ở nhà em chưa từng nói một câu nào. Vậy nhưng khi đến đây, chúng tôi cũng rất bất ngờ khi vỏn vẹn trong ngày đầu tiên, em đã có thể gọi tiếng 'ba' và nói sành sỏi nhiều từ, khiến cả gia đình không tin vào tai mình”, cô giáo Nguyễn Thị Búp (SN 1989) kể lại, vẫn không giấu nổi cảm xúc về cậu học trò đã “tốt nghiệp”. 
 
Đó cũng là giây phút người cha bật khóc, rơi giọt nước mắt ngay tại trường khi con có thể phát âm từ đầu tiên trong những năm tháng đầu đời. Gia đình vẫn luôn thắc mắc tìm lời giải, “vì đúng thời điểm, đúng người, đúng cách hay thế nào mà con có thể nói ngay trong ngày đầu tiên đi học?”.
 
Câu hỏi không có lời giải thích cụ thể, nhưng khoảnh khắc em nhỏ nói được sau nhiều năm băn khoăn của ba mẹ đã khiến cả gia đình lẫn cô giáo đều mừng rỡ. Cậu bé N. nay đã là học sinh lớp 1 và hòa nhập tốt cùng các bạn đồng trang lứa tại một ngôi trường tiểu học, nhưng ba mẹ vẫn thường chụp ảnh con và gửi lời cảm ơn đến cô giáo ở trung tâm đã kiên nhẫn hỗ trợ. 
 
Hạnh phúc của những cô giáo có học sinh chuyên biệt chỉ đơn giản như vậy. Hành trình “lớn lên” của trẻ đơn giản là nói sõi, tự vệ sinh cá nhân, ý thức hành động và thành công là khi trẻ dễ dàng hòa nhập, vui chơi cùng bạn bè đồng trang lứa. 
Cô giáo hướng dẫn học sinh tại lớp học cá nhân.
Cô giáo hướng dẫn học sinh tại lớp học cá nhân.
Nhưng để có thể vạch được lộ trình từng ngày và cùng học sinh chuyên biệt phát triển, đòi hỏi ở các cô giáo không chỉ kỹ năng, kiến thức, tinh thần chịu khó mà cao hơn cả là cần một tình yêu lớn dành cho nghề và cho học sinh.
 
Mỗi học sinh sẽ có riêng một giáo án cá nhân, được Ban Giám đốc quản lý và cập nhật thường xuyên mỗi ngày. Nghề giáo vốn có những khó khăn riêng và đặc biệt với trẻ chuyên biệt, khó khăn đối với các cô lại tăng thêm bội phần khi các em nhỏ có những khác biệt về tâm sinh lý, khó tiếp thu.
 
Vượt qua những rào cản vô hình  
 
Khi được hỏi về một kỷ niệm khó quên, cô giáo Nguyễn Thị Trang Nhung (SN 1991) lần lữa tâm sự, không thể chọn được một câu chuyện cụ thể vì ngày nào cũng là ngày không quên đối với mỗi giáo viên của trẻ chuyên biệt. Gần đây nhất, em học sinh H. được mẹ đưa đến gửi gắm tại trường. Khi đang học trong lớp cô Nhung, ông nội của em lại đến và bế em về trong sự ngỡ ngàng của cả lớp.
 
"Không ít phụ huynh ái ngại khi đưa con mình đến học tại trung tâm. Họ sợ con "bị lây" và chưa thể chấp nhận được tình trạng của con nên có thái độ khá gay gắt và cực đoan. Người thân của bé H. cũng giống như vậy. Ông của H. đã quyết liệt bế em về khi đang học trong lớp khiến tôi thực sự rất sốc", cô Trang Nhung kể. Tuy vậy, 2 tháng sau, gia đình tiếp tục đưa em H. trở lại trung tâm để em có điều kiện phát triển phù hợp nhất. 
 
Theo các cô giáo, những rào cản vô hình đến từ nhận thức của phụ huynh, gia đình và xã hội là thách thức lớn nhất đối với nghề này. "Không sợ đường dài, không sợ trẻ khó, chỉ sợ phụ huynh không đồng hành. Đó là điều chúng tôi luôn lo lắng. Khi tôi bắt đầu với việc quan tâm và hỗ trợ trẻ chuyên biệt, nhiều người cứ e ngại thay rằng sẽ bị ảnh hưởng“lây”.
 
Rào cản từ tâm lý gia đình là thách thức lớn nhất. Bởi nếu chính mình còn không chấp nhận được con mình, thì làm sao xã hội và trung tâm có thể hỗ trợ được?”, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm chia sẻ.
 
Cũng chính vì vậy, các cô giáo không chỉ hỗ trợ cho trẻ, mà còn là người đồng hành với phụ huynh, giúp các bậc cha mẹ hiểu được sự cần thiết trong việc can thiệp giáo dục cho trẻ từ thời điểm vàng.
 
Được biết, ngoài các lớp học sử dụng chương trình giáo dục phổ thông và chương trình giáo dục chuyên biệt, được phê duyệt bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em học sinh còn được trị liệu, bấm huyệt, xoa bóp và tập yoga. Các chương trình được thiết kế phù hợp với khả năng tiếp nhận của trẻ.
 
Hiện trung tâm đang giảng dạy, chăm sóc cho 100 học sinh là trẻ tự kỷ, chậm nói, khó khăn ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, mắc hội chứng down và chậm phát triển đến từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
 
Thông điệp “Hội chứng tự kỷ không thể chữa khỏi, yêu thương và giáo dục đúng cách sẽ giúp trẻ tiến bộ” là mục tiêu mà trung tâm hướng tới nhằm lan tỏa phương pháp giáo dục tích cực, giúp các em hòa nhập thuận lợi hơn, đồng hành với các gia đình trong hành trình khác biệt này.
An Đồng

tin liên quan

Kết nối những ước mơ

(QBĐT) - Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã đứng ra vận động, kết nối các nhà hảo tâm trong cả nước, chung tay hỗ trợ cho trẻ em nghèo. 

Tăng cường thực hiện Đề án ''Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025''

(QBĐT) - Ngày 28/9, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1781/UBND-NCVX về việc tăng cường thực hiện Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025" theo Quyết định số 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Xét tuyển Đại học 2022: Ngày cuối để thí sinh xác nhận nhập học đợt 1

30/9 là ngày cuối để thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn.