Chuyển đổi số trong giáo dục: Hướng tới thay đổi diện mạo toàn ngành

  • 13:53 | Thứ Bảy, 01/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã tập trung đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy học, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT. Toàn ngành đã và đang tập trung nguồn lực nhằm thực hiện lộ trình chuyển đổi số (CĐS), đẩy mạnh các hoạt động áp dụng công nghệ để thúc đẩy việc đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý giáo dục.
 
Thay đổi để thích nghi
 
Với quan điểm xây dựng trường học thông minh từ nền tảng lớp học, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện lộ trình CĐS trong giáo dục. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, giáo viên (CB, GV) về sự cần thiết của CĐS trong đổi mới giáo dục. Hầu hết trường học, cơ sở giáo dục (CSGD) đều chú trọng đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), hạ tầng để phát triển CNTT. Đội ngũ GV đã khai thác các tiện ích của CNTT vào giảng dạy.
 
Đặc biệt, trong năm học 2021-2022, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành GD-ĐT đã biến khó khăn thành cơ hội từng bước thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm thiết lập phương thức học tập mới.
 
Để bắt kịp xu thế, đội ngũ GV đã có nhiều nỗ lực trong việc tự học, tự nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT trong thực tiễn dạy học. Ngoài việc tìm tòi, sáng tạo trong thiết kế bài giảng điện tử, khai thác các thông tin hữu ích trên trên mạng internet để tham khảo, xây dựng tiết dạy linh hoạt, sáng tạo, thu hút sự hưởng ứng của học sinh (HS), GV còn được tham gia các lớp tập huấn cập nhật những kiến thức mới, từng bước làm chủ công nghệ phục vụ cho công việc chuyên môn.
 
Cô giáo Phạm Thị Thúy Hằng, Trường THCS Quảng Thuận (TX. Ba Đồn) cho hay: Việc ứng dụng CNTT, phục vụ nhiệm vụ CĐS đã mang lại nhiều thuận lợi cho GV và HS. Trước đây, GV phải mất rất nhiều thời gian, công sức để ghi chép vào sổ điểm, học bạ… cho HS nhưng hiện nay nhờ ứng dụng phần mềm VN Education nên việc theo dõi, đánh giá cập nhật bảng điểm kết quả học tập của HS nhanh và tiện lợi hơn rất nhiều, đồng thời giúp kết nối thông tin giữa gia đình, GV và nhà trường, tạo sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động theo dõi, quản lý việc học tập của HS.
 
Đặc biệt, CB, GV đã được tập huấn và triển khai chữ kỹ số để thực hiện trên nhiều loại văn bản, như: Học bạ, sổ điểm chính, nhận xét xếp loại HS… tiết kiệm rất nhiều thời gian so với phương pháp thủ công như trước đây và nâng cao hiệu suất công việc. Ngoài ra, GV còn ứng dụng phần mềm Quizizz dạy học qua trò chơi, tạo hứng thú cho HS trong học tập và sử dụng phần mềm Azota để giao bài tập về nhà, chấm điểm, nhận xét HS, nhất là trong thời gian dạy học trực tuyến… 
Nhiều trường học đã đầu tư về CSVC, trang thiết bị để tổ chức tốt việc dạy bộ môn Tin học.
Nhiều trường học đã đầu tư về CSVC, trang thiết bị để tổ chức tốt việc dạy bộ môn Tin học.
Năm học 2021-2022 cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT triển khai hệ thống đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Theo cô giáo Võ Thị Hiệp, Trường THPT Quang Trung (Quảng Trạch) thì hình thức này mang lại rất nhiều tiện ích cho cả GV và HS. HS có thể đăng ký trực tuyến tại bất cứ nơi nào trên thiết bị điện thoại di động hoặc máy tính có kết nối mạng internet thay cho việc đăng ký trực tiếp vào phiếu như mọi năm. GV cũng dễ dàng cập nhật, quản lý các thông tin, tiết kiệm rất nhiều thời gian và hạn chế sai sót.
 
“Việc khai thác, làm chủ công nghệ là không dễ với không ít GV nhưng để đáp ứng nhu cầu công việc, mỗi GV chúng tôi đều nỗ lực học hỏi với quyết tâm thay đổi để thích nghi”, cô giáo Võ Thị Hiệp chia sẻ.
 
Thúc đẩy lộ trình CĐS
 
Những năm gần đây, ngành GD-ĐT rất quan tâm đến các hoạt động ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, giảng dạy, từng bước làm thay đổi phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động.
 
Điều đáng mừng là cơ sở hạ tầng CNTT tại các CSGD trong toàn tỉnh được tăng cường đầu tư, nâng cấp. 100% trường học trên địa bàn tỉnh có kết nối internet băng thông rộng và hệ thống Lan, wifi phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Mỗi trường được lắp đặt từ 1-4 đường truyền FTTH hoặc Leased Line. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính được thực hiện tại tất cả các CSGD.
 
Theo thống kê, toàn tỉnh có 466 phòng học tin học tại các CSGD mầm non và phổ thông với trên 11.800 máy vi tính. Có 232 trường với 2.374 phòng học thông thường được lắp đặt tích hợp hệ thống học trực tuyến để có thể tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến và có 351 trường học được lắp đặt phòng họp, hội nghị trực tuyến (tỷ lệ 61,5%), 417 phòng học ngoại ngữ thông dụng hoặc chuyên dụng, 5 phòng Lab mô phỏng thực tế ảo và 1 phòng Lab mô phỏng thực tế tăng cường.
 
Tại CSGD đại học còn có 1 trung tâm học liệu hiện đại và đã triển khai ứng dụng 2 phần mềm mã nguồn mở, gồm: Phần mềm quản trị thư viện tích hợp Koha và phần mềm xây dựng, quản lý bộ sưu tập số Dspace… Sở GD-ĐT đã có hệ thống máy chủ riêng phục vụ công tác công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, lưu trữ dữ liệu phần mềm số hóa, có đầy đủ thiết bị hỗ trợ cho việc họp, hội nghị trực tuyến.
 
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, về cơ bản, hạ tầng kỹ thuật của các CSGD trong tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu triển khai ứng dụng, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm phục vụ quản lý, dạy và học trong ngành. 100% hệ thống mạng nội bộ của các CSGD được xây dựng; trên 90% CSGD có hệ thống mạng wifi...
 
Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai tại Sở GD-ĐT. Ngành GD-ĐT đã xây dựng chuyên mục CĐS trên cổng thông tin điện tử của ngành, trang thông tin điện tử của các đơn vị để tuyên truyền về kế hoạch, kinh nghiệm, kết quả thực hiện CĐS.
 
Qua đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai, ứng dụng các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, phần mềm chuyên ngành phục vụ chuyên môn, quản lý nhà nước, gồm: CSDL ngành và các phần mềm: Ngân hàng đề thi, hỗ trợ nhập dữ liệu tuyển sinh vào lớp 10, hỗ trợ thi HS giỏi quốc gia, số hóa hồ sơ tốt nghiệp THPT, quản lý thi THPT, kiểm định chất lượng giáo dục, số hóa dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THCS, THPT… Ngành cũng đang triển khai thực hiện số hóa tài liệu hồ sơ tốt nghiệp THPT từ năm 1989 trở về trước và các năm: 2019, 2020, 2021, 2022...
 
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan quản lý giáo dục và các CSGD gắn kết với cải cách hành chính nhằm hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp về lĩnh vực GD-ĐT, ngành GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, HS trong toàn ngành về vai trò, lợi ích của CĐS trong lĩnh vực GD-ĐT.
 
Toàn ngành đang phát triển, hoàn thiện các CSDL ngành có tính kế thừa, liên thông giữa các cấp học; tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực; đồng thời bảo đảm các điều kiện về hạ tầng, trang thiết bị để triển khai hiệu quả hoạt động CĐS…
 
Năm 2022, ngành GD-ĐT tập trung triển khai các hoạt động để có trên 50% CSDL tạo nền tảng phát triển chính quyền số; trên 30% hoạt động kiểm tra của cơ quan, đơn vị quản lý giáo dục được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị quản lý; 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành được phổ biến, quán triệt về trách nhiệm, kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin; 100% cán bộ phụ trách CNTT của các đơn vị, CSGD được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin; 50% trường học, CSGD lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…
 
Nh. V

tin liên quan

Xét tuyển Đại học 2022: Ngày cuối để thí sinh xác nhận nhập học đợt 1

30/9 là ngày cuối để thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn. 

Tăng cường thực hiện Đề án ''Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025''

(QBĐT) - Ngày 28/9, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1781/UBND-NCVX về việc tăng cường thực hiện Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025" theo Quyết định số 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Kết nối những ước mơ

(QBĐT) - Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã đứng ra vận động, kết nối các nhà hảo tâm trong cả nước, chung tay hỗ trợ cho trẻ em nghèo.