Phụ nữ Bru-Vân Kiều làm kinh tế giỏi

  • 08:26 | Thứ Năm, 06/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ở xã miền núi Trường Sơn (Quảng Ninh), đời sống của đồng bào Bru-Vân Kiều còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, bằng sự cần cù, chịu khó lao động, nhiều chị em phụ nữ đã vươn lên khẳng định mình, không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn động viên, giúp đỡ mọi người cùng phát triển kinh tế, giảm nghèo.
 
Cũng như nhiều hộ gia đình Bru-Vân Kiều ở bản Cây Cà, nhiều năm trước cuộc sống của gia đình chị Hồ Thị Xăm thuộc vào diện đói nghèo, quanh năm chỉ biết đốt nương làm rẫy và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Với mong muốn thoát nghèo, chị Xăm không ngừng tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của những người đi trước để tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù vùng đồi núi Trường Sơn.
 
Nhận thấy, nhu cầu tiêu thụ lợn rừng ngày càng cao, đặc biệt là lợn rừng do người dân bản địa nuôi, chị đã mạnh dạn vay vốn xây dựng mô hình nuôi lợn rừng lai F1. Khởi nghiệp với vốn liếng ít và chưa có kinh nghiệm, chị Xăm chỉ dám mua 3 con lợn giống về nuôi thử nghiệm. Để có thể tiết kiệm tối đa chi phí, vợ chồng chị tự tay làm chuồng trại, tận dụng các loại rau, lá cây quanh nhà để làm thức ăn cho lợn.
 
Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của gia đình chị gặp không ít khó khăn. Không nản lòng, chị đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do các cấp hội tổ chức; học hỏi những người có kinh nghiệm ở địa phương để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình mình.
Mô hình chăn nuôi lợn rừng lai đem lại thu nhập ổn định cho chị Hồ Thị Xăm, bản Cây Cà, xã Trường Sơn.
Mô hình chăn nuôi lợn rừng lai đem lại thu nhập ổn định cho chị Hồ Thị Xăm, bản Cây Cà, xã Trường Sơn.
Không chỉ chăm sóc đàn lợn rừng, chị Xăm còn mở rộng quy mô nuôi lợn sinh sản và bán giống cho người dân trên địa bàn. Từ 3 con lợn giống ban đầu, đến nay, chị đã mở rộng quy mô chuồng trại lên 60 con. Mỗi năm, gia đình chị xuất bán 10-15 con lợn thịt (giá bán 4,5-5 triệu đồng/con), 10-15 con lợn giống (giá bán 2,5 triệu đồng/con) cho thu nhập ổn định hơn 70 triệu đồng/năm.
 
Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, chị Xăm cho biết, lợn rừng lai vẫn mang đặc tính hoang dã nên dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, có sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh. Điều kiện sống tốt nhất của lợn rừng lai là nuôi thả tự nhiên, chỉ cần có khoảng vườn rộng cho lợn đào xới, cây cối thoáng mát thì lợn sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài thức ăn là cám, gạo, người nuôi có thể tận dụng tối đa các nguồn thức ăn từ tự nhiên sẵn có ở địa phương như các loại rau củ, thân cây chuối… để tiết kiệm chi phí.
 
Tận dụng nguồn đất vườn sẵn có, chị Xăm còn nuôi thêm 100 con gà kiến, 8 con trâu, bò và trồng hơn 1.000 cây gỗ sưa. Hầu như quanh năm, gia đình chị đều có nguồn thu nhập từ chăn nuôi. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, gia định chị Xăm trở thành một trong những hộ điển hình thoát nghèo bền vững của xã. Cuộc sống của gia đình chị ngày càng ổn định, con cái có điều kiện học hành đến nơi, đến chốn.
 
Nhìn vào cơ nghiệp của chị Hồ Thị Quế, bản Chân Trôộng hôm nay, ít ai nghĩ chị đã từng trải qua bao gian nan, vất vả. Những ngày tháng tất tả mưu sinh đã giúp chị nuôi ý chí vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
 
Chị Quế cho biết, chị sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con, lớn lên lấy chồng, sinh con, cuộc sống lại càng khó khăn, túng thiếu. Nhiều đêm chị trăn trở, suy tính làm sao để cái đói, cái nghèo không còn đeo bám, để có tiền nuôi các con ăn học nên người. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Bru-Vân Kiều, chị đã bàn với chồng mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế. Những ngày đầu bắt tay vào làm, gia đình chị đã gặp phải muôn vàn khó khăn. Đồng vốn ít ỏi, không đủ để thuê nhân công nên ngày này qua tháng khác, hai vợ chồng chị cần mẫn cuốc đất khai hoang để trồng keo và sắn.
 
Vừa trồng trọt, chị vừa dành thời gian tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, vừa học hỏi kinh nghiệm của chị em trong xã. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chú ý chăm sóc nên diện tích keo, sắn của gia đình chị phát triển rất nhanh. Đến nay, chị Quế đã có 3ha keo đang đến tuổi khai thác và 1ha sắn. “Cây sắn cho thu nhập ổn định 30 triệu đồng/năm, riêng cây keo vụ vừa rồi tôi bán được 55 triệu đồng”, chị Quế cho hay.
 
Không chỉ thành công với mô hình trồng keo, sắn, chị Quế còn nuôi thêm 13 con trâu, trồng lúa nước và rau màu các loại. Thời gian tới, chị dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại để nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu. Tổng thu nhập của gia đình chị Quế hơn 60 triệu đồng/năm, với người dân ở các địa phương khác thì thu nhập như vậy là bình thường nhưng đối với bà con dân tộc thiểu số thì đó là một số tiền rất lớn và là niềm mơ ước của rất nhiều người. Nhờ có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, trồng trọt, gia đình chị Quế có điều kiện mua sắm các tiện nghi sinh hoạt, chăm lo cho các con đến trường.
 
Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, chị Quế còn là chi hội trưởng phụ nữ nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Chị luôn tranh thủ thời gian gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó động viên chị em cùng nhau vượt qua những rào cản về trình độ, tập tục lạc hậu để mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, từng bước xây dựng chi hội ngày càng vững mạnh.
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn Nguyễn Thị Mỹ Duyên chia sẻ: “Chị Hồ Thị Xăm và Hồ Thị Quế là những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của phụ nữ Bru-Vân Kiều. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, từ những hộ nghèo của địa phương, các chị đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Mô hình kinh tế của các chị không những mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn là tấm gương cho những hội viên khác noi theo”.
 
L.Chi

tin liên quan

Thăm, tặng quà người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 31 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (NCT) và hưởng ứng "Tháng hành động vì NCT Việt Nam", ngày 30/9, huyện Quảng Ninh đã tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà NCT có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ sinh kế cho người mù

(QBĐT) - Hội Người mù huyện Bố Trạch đã thực hiện chương trình "đàn bò trao tay" giúp nhiều hội viên vươn lên ổn định cuộc sống...

Đại hội đại biểu Hội Người mù tỉnh Quảng Bình lần thứ V, nhiệm kỳ 2022-2027

(QBĐT) - Sáng 30/9, Hội Người mù tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2022-2027 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.