"Điểm tựa" cho nông dân

  • 08:06 | Thứ Sáu, 15/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh không chỉ là nơi phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn là “điểm tựa” vững chắc cho nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.
 
Thời điểm 2 trong số 3 con bò lai bị chết vì dịch viêm da nổi cục, ông Hoàng Văn Hạnh (62 tuổi) ở thôn Xuân Sơn, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) cũng phát ốm. Không bệnh sao được, khi nó vốn là tài sản rất lớn của gia đình ông. Đau hơn nữa, khi 2 con bò bị chết cũng là 2 con bò lai sinh sản. Mỗi năm, 2 con bò ấy sinh được 2 con bê, mang về cho gia đình ông khoản thu nhập hơn 30 triệu đồng. Đàn bò là sinh kế của ông bà.
 
Suốt nhiều năm chăn nuôi bò, không có năm nào gia đình ông bị thiệt hại lớn đến thế. Ông Hạnh cho biết: “Nhà chỉ có 2 ông bà già. Tuổi tác cũng đã cao, không còn sức khỏe để làm việc nặng nhọc. Ngoài mấy sào ruộng trồng lúa, trồng màu, thì chỉ trông cậy cả vào đàn bò. Thế nhưng tháng 2-2021, dịch viêm da nổi cục đã “cướp” mất 2 con”.
 
Ông Hạnh chia sẻ, sau khi bò bị chết, ông tính chuyện vay mượn tiền của anh em, hàng xóm để mua lại bò tái đàn. Nếu mua bò nhỏ thì phải nhiều năm sau bò mới sinh sản. Còn mua bò đã sinh sản để nhanh có tiền trả nợ, thì cần số tiền lớn lên đến 50-60 triệu đồng. Biết vay mượn ai cùng lúc mấy chục triệu đồng bây giờ? Đang loay hoay với việc mượn tiền, tháng 9-2021, ông được Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay 50 triệu đồng để mua bò tái đàn. Sau khi nhận được tiền, ông liền mua 2 con bò lai sinh sản với giá gần 50 triệu đồng.
 
“Những lúc khó khăn như thế này, mà được xét cho vay là mừng lắm. Giờ chỉ mong đàn bò không bị dịch bệnh, suôn sẻ”, ông Hoàng Văn Hạnh phấn khởi cho biết. Ông tính, nếu không dịch bệnh, thì trong vòng 3 năm ông sẽ trả được nợ. Bởi 2 con bò lai ông mới mua đã sinh sản 3, 4 lứa, nên năm sau ông sẽ có bê con. Mỗi năm, 2 con bò sinh sản  2 con bê (mỗi con bán được khoảng 15 triệu đồng). 3 năm sau, ông sẽ trả được nợ.
Nhiều hộ nông dân hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất.
Nhiều hộ nông dân hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất.
Với phương châm bám sát thực tế đời sống, sản xuất của người nông dân để giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh không chỉ triển khai các khoản vay vốn giúp nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mà còn đồng hành, hỗ trợ những hộ nông dân nghèo, khó khăn vượt qua nghịch cảnh.
 
Từ khi chồng chị Võ Thị Tuyến ở thôn 4, xã Ngư Hóa (Tuyên Hóa) phát hiện bị ung thư, tất cả tài sản có giá trị trong gia đình chị đều “đội nón ra đi”. 3 con trâu to mộng cũng bị bán để theo tiền thuốc thang chữa bệnh cho chồng chị. Thế nhưng, của cải cứ ra đi nhưng người thì không thể cứu vãn. Đầu năm 2021, chồng chị mất. Kể từ đó, tất cả khó khăn dồn lên đôi vai của chị. Một mình chị phải vất vả nuôi 3 con nhỏ, trong đó, đứa út chỉ mới 1 tuổi. Gia đình chị trở thành hộ nghèo từ đó.
 
Trong lúc khó khăn bủa vây, cuối tháng 9-2021, chị được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò lai chăn nuôi, phát triển kinh tế. Chị Võ Thị Tuyến cho biết: “Gặp lúc khó khăn thì cái khó lại càng dồn thêm khó. Trong năm, hễ cứ bắt con lợn nào về nuôi là nó bị chết hết cả. Cả 3 lần đều tay trắng. May mà Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò về nuôi, chứ chỉ một mình tôi là lao động chính không biết đến lúc nào mới kiếm đủ tiền mua được 1 con bò về nuôi. Bởi chỉ riêng việc kiếm cái ăn cho cả 3 đứa con đã hết sức khó khăn. Sau khi nhận tiền hỗ trợ, tôi cố gắng vay mượn thêm 5 triệu đồng nữa để mua 1 con bê lai về chăn nuôi”. 
 
Ông Thái Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Hóa (Tuyên Hóa) cho biết, trong đợt hỗ trợ, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ 10 triệu đồng cho 6 hộ nghèo và 8 triệu đồng cho 5 hộ cận nghèo trên địa bàn xã mua bò lai để phát triển chăn nuôi. Sự hỗ trợ thiết thực đó đã giúp những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm sinh kế để vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.
 
Ông Trần Tiến Sỹ,Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong suốt hơn 1 năm vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống, thu nhập của nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo cấp hội cơ sở thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình sản xuất, đời sống của hội viên, nông dân trên địa bàn, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất để kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ và giải quyết; đồng thời, vận động hội viên khắc phục khó khăn về thời tiết, dịch bệnh để duy trì, phát triển sản xuất; triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
 
Hội cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo, những đối tượng dễ “tổn thương” do dịch bệnh gây ra. Bên cạnh đó, các hoạt động, tư vấn, hỗ trợ nhằm “tiếp sức” nông dân về nguồn vốn sản xuất, kinh doanh và tiếp cận khoa học kỹ thuật cũng được đẩy mạnh. Để chia sẻ khó khăn với người nông dân, hội cũng giảm 10% lãi phí, quỹ hội.
9 tháng năm 2021, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân 44 dự án cho 257 hộ vay, với hơn 12,5 tỷ đồng, trong đó gia hạn cho 2 dự án (số tiền 900 triệu đồng) gặp khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm, hỗ trợ cho 31 hộ nghèo với số tiền 350 triệu đồng. Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã giải ngân 19 dự án (chủ yếu là các mô hình chăn nuôi bò, lợn) với số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Các cấp hội đã vận động thành lập 56 tổ hỗ trợ, 42 điểm tiêu thụ, 6 gian hàng tiêu thụ nông sản cho nông dân, số lượng tiêu thụ gần 150 tấn các loại tôm, cá, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả...
Dương Công Hợp

tin liên quan

Phát huy sức trẻ, phẩm chất, trí tuệ của thanh niên trong thời đại mới

(QBĐT) - Kế thừa truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, tròn 65 năm qua, lớp lớp thế hệ thanh niên cả nước nói chung và thanh niên Quảng Bình nói riêng đã xung kích đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Vì sao phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2022 kéo dài 9 ngày?

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang lấy ý kiến các bộ, ngành và cơ quan ngang bộ về dự thảo đề xuất lịch nghỉ Tết âm lịch Nhâm Dần năm 2022. Số ngày nghỉ liên tục đề xuất do hoán đổi là 9 ngày. Như vậy, so với vài năm gần đây, thời gian nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán 2022 sẽ dài hơn 2 ngày.

Khảo sát việc thực hiện chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

(QBĐT) - Thực hiện chương trình công tác quý IV, sáng nay, 14-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã khảo sát tình hình thực hiện công tác giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB và XH).