Khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 8

  • 23:48 | Thứ Tư, 13/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 12-10-2021, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về việc khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 8 (Kompasu). 
 
Nội dung công điện như sau:
 
Hồi 10 giờ ngày 12-10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720km về phía ĐôngĐông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350km tính từ tâm bão. Đến 10 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là vùng áp thấp trên khu vực biên giới Lào-Thái Lan.
 
 
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão số 8 tại huyện Bố Trạch. Ảnh: Anh Tuấn.
Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão số 8 tại huyện Bố Trạch. Ảnh: Anh Tuấn.
 
Do ảnh hưởng của bão từ chiều 13-10 đến ngày 14-10, khu vực tỉnh Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Từ ngày 16-10, ở tỉnh Quảng Bình có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.
 
Để chủ động triển khai ứng phó với bão số 8 và mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trưởng ban Chỉ huy (BCH) Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ triển khai ngay một số nhiệm vụ sau:
 
1. Thực hiện nghiêm Công điện số 1323/CĐ-TTg, ngày 10-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 13/CĐ-UBND, ngày 5-9-2021 của UBND tỉnh về sẵn sàng ứng phó với thiên tại trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; Công điện số 156/CĐ-UBND, ngày 10-10-2021 về việc sẵn sàng ứng phó với bão và mưa lũ. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão số 8 để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” gắn chặt với công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương chủ động tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão.
 
2. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện ven biển, TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm (lưu ý cả các tàu du lịch, tàu vận tải); tạo điều kiện cho tàu thuyền của các địa phương khác vào tránh trú trên địa bàn. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu; gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản. Không cho tàu thuyền ra khơi kể từ 16 giờ ngày 13-10-2021 cho đến khi bão tan, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia.
 
3. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Triển khai ngay các phương án ứng phó với bão, mưa lũ sát với tình hình thực tế của địa phương, phân công thành viên BCH về cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó, phòng chống thiên tai.
 
- Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị khẩn trương rà soát các địa điểm sơ tán, gia cố, chằng chống đảm bảo an toàn để tổ chức di dời người dân trước khi bão, lũ xảy ra, hoàn thành trước 22 giờ ngày 13-10-2021; kiên quyết sơ tán người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản và trên tàu thuyền trước khi bão đổ bộ, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời; sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở.
 
- Đối với khu vực miền núi, trung du, tiếp tục rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nhất là các khu vực có taluy âm, taluy dương, chủ động sơ tán, di dời người dân, cán bộ, chiến sỹ, nhân viên, người lao động đến nơi an toàn; nắm chắc thông tin người đi rừng, thông báo yêu cầu người dân ra khỏi rừng trước 18 giờ ngày 13-10-2021 hoặc tìm nơi tránh trú an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
 
- Triển khai các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cột, tháp cao, chặt tỉa cành cây... Ở những khu vực có nguy cơ ngập sâu, chủ động kê cao, di dời tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn, hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão, mưa lũ; Khuyến cáo người dân không di chuyển trên đường khi bão đổ bộ (khoảng từ 8 giờ 00 ngày 14-10-2021) cho đến khi bão tan, trừ những trường hợp cấp thiết và lực lượng thi hành công vụ, phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai. Tuyệt đối không để người dẫn đánh bắt hải sản, vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ.
 
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn dọc Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh có phương án đảm bảo an toàn (lưu ý đến việc tạo điều kiện tránh trú) cho người dân từ các tỉnh từ phía Nam về quê lưu thông qua địa bàn trong thời gian xảy ra thiên tai, đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
 
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương theo chức năng nhiệm vụ, hướng dẫn, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi, UBND các huyện, thành phố, thị xã, chủ hồ chứa thủy điện vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn. Việc xả nước đón lũ ở các hồ chứa phải căn cứ vào tình hình mưa lũ từng lưu vực hồ chứa và mực nước lũ vùng hạ du để vận hành, tuyệt đối không để ngập lụt vùng hạ du do vận hành xả lũ. Triển khai lực lượng ứng trực bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công sửa chữa.
 
5. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thường trực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; chủ động sơ tán, di dời cán bộ, chiến sỹ, nhân viên, người lao động ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần (bao gồm cả lực lượng dân quân tự vệ, an ninh cơ sở, các đội xung kích phòng chống thiên tai...) về các địa bàn xung yếu sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.
 
6. Sở Công Thương sẵn sàng dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, nước uống phục vụ nhân dân khi khả năng mưa lũ, ngập úng, chia cắt kéo dài, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
 
7. Sở Giao thông vận tải kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
 
8. Sở Y tế chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các khu vực sơ tán tập trung, khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến.
 
9. Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Bình tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão số 8, hình thế gây mưa, dự báo và cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo; phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình và các phương tiện thông tin đại chúng khác để thông tin kịp thời diễn biến của thiên tại để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
 
10. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân, chính quyền cơ sở biết, chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ.
 
(Lưu ý: khi triển khai thực hiện cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định).
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương thực hiện.
 
 

tin liên quan

Gần 2.400 công dân yếu thế đã về quê an toàn

(QBĐT) - Trong 2 ngày 9 và 10-10, 4 chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn đã đưa gần 2.400 công dân Quảng Bình yếu thế (người già, phụ nữ mang thai, trẻ em...) lưu trú tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về đến Quảng Bình an toàn.

Sẵn sàng ứng phó với bão Kompasu và mưa lũ

(QBĐT) - Ngày 10-10, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công điện số 156/CĐ-BCH về việc sẵn sàng ứng phó với bão Kompasu và mưa lũ.

Bão số 7 và không khí lạnh khiến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 10-10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ.