"Sài Gòn và đại dịch: Những mảnh ký ức"

  • 07:39 | Thứ Sáu, 18/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày chia tay Tuấn lên đường vào Nam chống dịch, nhiều người đã ôm lấy cậu, chỉ mong Tuấn và những đồng nghiệp của mình bình an trở về. Hôm đó, nơi quảng trường đầy nắng và gió, bao lo lắng và cả niềm hy vọng rưng rưng nơi khóe mắt chỉ chực chờ trào ra.
 
Sau hai tháng chống dịch, bác sỹ Dương Minh Tuấn bình an trở về, mang theo cả ký ức của nụ cười và giọt nước mắt trong những ngày tháng không thể quên. Những ngày tháng ấy đã được Tuấn ghi chép chân thực trong cuốn sách vừa xuất bản: “Sài Gòn và đại dịch: Những mảnh ký ức”.
 
“Hẹn gặp lại vào ngày mai”
 
Một ngày tháng 7/2021, bác sỹ Dương Minh Tuấn, Bệnh viện đa khoa Minh Hóa cùng những đồng nghiệp Sở Y tế Quảng Bình lên đường vào hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19. 60 ngày lăn lộn nơi tâm dịch, Tuấn và các đồng nghiệp của mình đã chứng kiến tất thảy những đau thương, mất mát “hơn tất cả mất mát mà cả cuộc đời hành nghề của một nhân viên y tế có thể chứng kiến”. Để rồi, mỗi ngày trôi qua, Tuấn đã gói ghém lại những ký ức không thể quên ấy trong hành trình trở về của mình. Cuốn sách như một cuốn phim tài liệu chân thực, xúc động đến xót xa về cuộc chiến chống dịch khốc liệt nơi các bệnh viện dã chiến, về những ca bệnh nặng.
 Cuốn sách “Sài Gòn và đại dịch: Những mảnh ký ức”.
Cuốn sách “Sài Gòn và đại dịch: Những mảnh ký ức”.

Ngày trở lại TP. Hồ Chí Minh, Tuấn không thể ngờ thành phố của thanh âm và rực rỡ sắc màu này lại trở nên buồn thương, vắng lặng đến vậy. “Tôi nhận nhiệm vụ, nhận chỗ nghỉ của mình và nhận cả những hoang mang vào lại trong tim. Một đại dịch mới diễn ra trên khắp hành tinh và giờ đây nó thực sự xuất hiện nơi thành phố tôi yêu thương rất nhiều”.

Đọc “Sài Gòn và đại dịch: Những mảnh ký ức”, người đọc sẽ cảm nhận được những mất mát, tổn thương mà đại dịch đã gây ra cho thành phố này hiển hiện trong từng câu, từng chữ, từng dòng tự sự của Tuấn. Những đứa trẻ bỗng một ngày mồ côi, chơ vơ giữa cuộc đời, những người vợ lặng lẽ ra đi giữa lạnh lẽo, không bàn tay nắm chặt trong phút cuối đời và những người cha, người mẹ chẳng kịp trăn trối lại bất cứ điều gì với những đứa con thơ của mình. Họ ra đi trong vội vã, đau đớn và trong cô độc.

Trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, những y bác sỹ đã có lúc tưởng chừng ngã gục, có người “vừa bỏ được bộ đồ bảo hộ ra là òa khóc vì chứng kiến quá nhiều bệnh nhân ra đi” nhưng họ “chưa bao giờ bỏ cuộc, vẫn nỗ lực cho đến hơi thở cuối cùng còn được giữ lại cho người bệnh”. Tuấn viết: “Một bệnh nhân vừa ngừng tuần hoàn, cả ekip trực còn đang tập trung cấp cứu thì một bệnh nhân khác lại cũng ngừng tuần hoàn. Chuyện cứ liên tục diễn ra như vậy và có những ekip trực đến cả chục bệnh nhân chúng tôi đều không cứu được. Nước mắt muốn trào ra, nhưng ngay lúc đó chúng tôi chỉ biết nuốt vội vào trong để còn lo cho rất nhiều bệnh nhân khác cũng đang thoi thóp giữa ranh giới đặt ống nội khí quản-không đặt ống nội khí quản”.

Cuộc sống bên trong các bệnh viện dã chiến thiếu thốn đủ bề và hiểm nguy luôn rình rập mỗi ngày. Thực tại ấy quá khắc nghiệt nhưng đội ngũ y bác sỹ vẫn phải đối mặt bằng thần kinh và bản lĩnh thép. Trong những ghi chép của Tuấn, người đọc sẽ thấy được những mong manh trong ranh giới giữa sự sống và cái chết. Có những người bệnh chỉ mới đây thôi còn tỉnh táo chuyện trò, bỗng trở nặng và rồi vội vã ra đi.
 
Vậy nhưng, dù có lúc cảm xúc như bị ghìm chặt trong từng câu chữ, chỉ chực chờ trào ra thì bằng lối kể chuyện hóm hỉnh, “Sài Gòn và đại dịch: Những mảnh ký ức” vẫn tràn đầy niềm tin và lạc quan vào ngày mai. Lạc quan như chính con người Tuấn mà tôi đã biết: “Dù lời tạm biệt có ý nghĩa với họ nhiều như thế nào thì tôi vẫn tiếp tục giữ niềm tin như ngày hôm qua, rằng các bệnh nhân của mình đều đã đang ở một nơi bình yên. “Tạm biệt” chỉ đơn giản là “hẹn gặp lại vào ngày mai”. Dù là hồi ức, là kỷ niệm, là câu chuyện qua lời kể của mọi người hay là một kiếp sống mới với hình hài mới, nhất định sẽ còn gặp lại”.
 
“Hoa giấy vẫn nở”
 

Theo dõi trang cá nhân của Tuấn từ những ngày Tuấn ra mắt cuốn sách đầu tiên, tôi thấy được ở bác sỹ trẻ đầy nhiệt huyết này sự lạc quan và luôn tràn đầy hy vọng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Là bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tình nguyện vào công tác tại Bệnh viện đa khoa Minh Hóa, Dương Minh Tuấn sẵn sàng đi đến với đồng bào trên những bản làng biên giới xa xôi. Và cậu, không chút chần chừ đã tình nguyện lên đường vào Nam chống dịch. Khó khăn, chán nản và có lúc tưởng như ngã gục bởi những gì đã trải qua, nhưng đọc sách của Tuấn, đều thấy rõ sự lạc quan và niềm tin về cuộc chiến chống Covid-19: “Đêm nay, tôi nằm nghỉ giữa mông lung đời mình, chợt thấy sự sống vụt lên, là tiếng xe cấp cứu liên tục ngoài kia…”.

Bác sỹ Dương Minh Tuấn (ngồi ngoài cùng, bên phải) cùng các y, bác sỹ của Sở Y tế trong những ngày tình nguyện vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch.
Bác sỹ Dương Minh Tuấn (ngồi ngoài cùng, bên phải) cùng các y, bác sỹ của Sở Y tế trong những ngày tình nguyện vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch.

Trong những ngày nơi tâm dịch nóng bỏng, không ít lần Tuấn nghĩ đến chuyện bản thân có thể sẽ trở về dưới hình hài của một hũ tro cốt lạnh lẽo, có khi đã đặt bút viết di chúc cho chính mình. Nhưng, thực tại có khó khăn, tâm hồn có khi hoang hoải thì cũng như bao chiến sỹ áo trắng trong cuộc chiến khốc liệt ấy, Tuấn vẫn tìm thấy niềm tin, thấy “cầu vồng sau những cơn mưa”, như “cây hoa giấy trên sân thượng đã ra đợt hoa mới dù bao mùa không quẩn quanh hơi người”. Tuấn viết: “Tôi tự đặt trong đầu mình những biến cố khó lường nhất, thậm chí tiêu cực nhất, để nhìn vào đó mà hít thở thật sâu và sống sao cho thật tích cực trong thực tại khắc nghiệt này”.

Trong “Sài Gòn và đại dịch: Những mảnh ký ức” còn là những câu chuyện buồn vui về những con người bình dị. Họ là cậu tình nguyện viên, là anh bác sỹ, là cô hộ lý, là bác bảo vệ… mỗi người, mỗi công việc nhưng họ đang thầm lặng đóng góp, thầm lặng hy sinh cho cuộc chiến chống dịch khốc liệt này. Đọc sách của Tuấn, là một lần cảm thấy mình may mắn khi còn được sống, được khỏe mạnh, là một lần được hiểu và tri ân những con người thầm lặng ấy.

Bác sỹ Dương Minh Tuấn, sinh năm 1991, tại Hà Nội, đến với Bệnh viện đa khoa Minh Hóa theo dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn” của Bộ Y tế.

Trước đó, Dương Minh Tuấn đã xuất bản hai cuốn sách: “Lạc Quan gặp Niềm Vui ở Quán Nỗi Buồn và những chuyện chưa kể” (2016) và “Những đứa trẻ không bao giờ lớn” (2018).  

Diệu Hương

 
 
 
 

tin liên quan

Tiếp nhận tư liệu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - Sáng 17/2, Thường trực Huyện ủy Lệ Thủy tổ chức buổi tiếp nhận tư liệu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội trao tặng.

 

Tưng bừng lễ hội Đập trống của người Ma Coong

(QBĐT) - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại xã Thượng Trạch (Bố Trạch), tối 16/2 (tức ngày 16 tháng Giêng), đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham dự lễ hội Đập trống của người Ma Coong. Cùng dự có đồng chí Lê Văn Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, Văn phòng Tỉnh ủy và huyện Bố Trạch.

Khánh thành đền thờ cá Ông Ngư ở xã Thanh Trạch

(QBĐT) - Ngày 16/2, UBND xã Thanh Trạch (Bố Trạch) đã tổ chức lễ khánh thành đền thờ cá Ông Ngư và ra quân khai thác, đánh bắt thủy hải sản năm 2022. Tham dự có đại diện lãnh đạo huyện Bố Trạch, một số ngành, đơn vị có liên quan…