Về xuôi nhớ Eo Bù-Chút Mút

  • 07:50 | Thứ Tư, 09/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Len qua những mỏm đá và các dốc núi lưng chừng trời mây, chúng tôi đến với bản Eo Bù-Chút Mút (xã Lâm Thủy, Lệ Thủy). Bản làng chìm trong sương, bỗng vang lên tiếng suối róc rách như rủ rê, mời gọi. Tôi men theo lặng lẽ. Con đường ngả bóng cây dài ra, loang loáng câu hát của cô gái người Bru-Vân Kiều bên suối: “Không có anh đêm mỏng như lời hứa/Lối em đi chật kín lá rừng/Đêm lượn vòng đổi chỗ/Em lê nỗi nhớ về nhà/Thắt lưng ngủ trên nương/Nụ cười của anh còn trên váy em…”.
 
Hình như, lời bài hát dụ mê những ai từng đến mảnh đất này. Eo Bù-Chút Mút chìm sâu theo con gió vi vút làm tôi thổn thức cả khi đã về xuôi với gia đình. Những cơn mưa bất chợt đổ trên đỉnh đồi tắm mát kỷ niệm nắm tay em vượt dốc trên con đường nhão nhoẹt bùn lầy. Không còn nhớ hết các đêm trăng sáng đi vận động học sinh đến trường nữa. Tôi nghe tiếng suối róc rách nhỏ lên đầu môi của rừng. Âm thanh mê say, huyền hoặc gõ lên từng phiến đá. Cho đến bây giờ, nghe nỗi niềm chống chếnh, rạo rực và bàn chân muốn lên với Eo Bù-Chút Mút.
 
Già làng Hồ Mưa cho biết, tên gọi Eo Bù-Chút Mút xuất phát từ tiếng đồng bào Bru-Vân Kiều, nghĩa là nơi xa lắm, nơi hun hút tiếp giáp giữa trời và đất. Mà đúng vậy, bản Eo Bù-Chút Mút là điểm cực Tây của huyện Lệ Thủy, nơi đây tiếng gà gáy nghe hai đầu đất nước. Miền đất này nằm bên vực sâu và suối xa, đường lên bản ngoằn ngoèo như hình con rắn uốn lượn.
 
Trước đây, giáo viên muốn lên bản phải đi bộ hơn nửa ngày trời tính từ điểm trường trung tâm. Đường sá sạt lở vào mùa mưa, bùn đất nhão nhoẹt như dầu mỡ tràn ra từ vách núi. Thế nhưng bù lại, bản làng đẹp như tranh vẽ. Mỗi độ xuân về cả bản ngợp màu trắng tinh khôi của hoa lau bung nở. Những ngọn gió lên đèo như cuộn lại không muốn đi đâu nữa, phân vân chan vào ánh nắng tạo nên vũ khúc làm say lòng bao trái tim trót yêu, trót nhớ vùng đất này.
Bộ đội Biên phòng cùng dân bản đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Bộ đội Biên phòng cùng dân bản đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Vào những ngày xuân, đường vào lên bản mờ ảo bởi màn sương sáng như những dải lụa ôm choàng lấy dãy núi chạy dài. Hoa lau bung nở, mềm mại uốn lượn theo con đường như vòng eo của cô thiếu nữ.

Thi thoảng, gặp những nhóm học sinh tíu ta tíu tít đi bộ đến điểm lẻ của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy để học với bộ cặp mới. Bất chợt nghe tiếng xe máy ù ù lên dốc là biết ngay các cô giáo dưới xuôi đang "cõng chữ" lên miền đất này.

Lâu lâu bắt gặp các cô thiếu nữ người Bru-Vân Kiều mặc váy đỏ chuẩn bị về xuôi đi chợ Tết. Tôi hỏi, đi chợ làm sao mặc đẹp thế. Họ cười lanh lảnh, mặc đẹp vì cái rừng, con suối nó đẹp, mình phải đẹp, mặc đẹp để cho người dưới xuôi biết cái bụng của mình đẹp như cái nương, cái rẫy.

Hơn một lần lên với bản Eo Bù-Chút Mút, tôi bần thần trước màu trắng của hoa lau cùng tiếng róc rách của con suối. Cô gái đi cùng đoàn cất lên lời hát làm xao động núi rừng: “Đồi nương đã có lũ làng chúng em chung tay đảm đang sớm chiều/Rừng chia người thương/Đây vòng tay em tặng anh/Dù anh đi cách mấy núi/Rừng hoa kia thay lá nhiều lần/Bản làng vẫn trong chờ/Khi đói nghèo vẫn chưa bỏ rừng, người ơi, không quên bản buồn/Đừng để gió núi thổi hoang, con khe đợi nữa”.
 
Là thế, người Bru-Vân Kiều sáng trong như ánh mắt thiếu nữ, chân thật như núi. Dẫu cuộc sống còn vô vàn khó khăn nhưng họ luôn lạc quan, vô tư, hồn nhiên. Có thể nghèo vật chất nhưng họ không bao giờ nghèo tinh thần, nghèo văn nghệ, nghèo tình thương. Tấm lòng của họ cao như núi và rộng như bạt ngàn cánh rừng xanh thẳm.
 
Đêm ở bản huyền hoặc như trong câu chuyện cổ tích. Thi thoảng, tiếng vượn hú nghe rờn rợn. Âm thanh chuyền lên các lá rừng chạy mãi miết như từng đợt sóng dợn lên làn sương mỏng mảnh. Dưới mái nhà sàn, bếp lửa được khơi lên ủ ấm người đường xa đến.
 
Trưởng bản và già làng Hồ Mưa rót bát rượu sắn còn nóng hổi mời thực khách. Rượu lừng thơm mùi nương rẫy, nước trong veo như suối rừng. Những chung rượu được bà con gói kỹ trong từng chiếc vò nhỏ xinh. Người dân ở đây xem rượu là tinh chất của đất đai, từng giọt rượu nhỏ xuống chén gợi bao sự nâng niu hạnh phúc của người lao động.
 
Rượu được mời chào như câu hát, dịu dàng, mê say, bừng thơm mùi sắn nướng. Phía bên trong bức màn của chái nhà, tiếng bà chủ gia đình đang ngân nga điệu hát ru của người Bru-Vân Kiều: “Đôi tay ủ nhọc nhằn/Ai mang đêm về/Ai đưa nụ cười vào ánh mắt/Bát rượu người uống/Em say núi rừng/Nhớ về bản/Đừng quên con suối/Đừng quên mùa trăng.”
 
Tiềm ẩn sau vẻ đẹp kỳ bí của bản Eo Bù-Chút Mút là vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa vùng cao Lệ Thủy. Ở đây, vừa có sự nguyên thủy của thiên nhiên, vừa có cái trong sáng, tinh khiết của hồn người. Hình như, ai lên đây cũng có cảm nhận như thế.
 
Bản làng chìm trong núi rừng, hòa với vẻ đẹp của con suối, ngọn đồi, đỉnh núi và con đường giăng mắc hoa lau ngút ngàn. Eo Bù-Chút Mút vừa mênh mông bất tận, vừa quyến luyến lòng người. Với những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây, bản làng mấy năm nay đã trở thành điểm đến của biết bao đoàn khách trong và ngoài nước...
                                                                                             Ngô Mậu Tình

tin liên quan

"Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua"

(QBĐT) - Người đang yêu đếm năm tháng đi qua bằng những mùa xuân đầy hương sắc; người sẽ yêu đón tuổi đời bằng hy vọng tràn trề; kẻ yêu xong rồi ngẫm thời gian như mùa thu lá vàng hờ hững rơi...

Dưa hấu Quảng Bình phẩm vật tiến vua

(QBĐT) - Vào các dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, ngày giỗ chạp…, chúng ta thường thấy trên bàn thờ của nhiều gia đình người Việt dâng cúng tổ tiên quả dưa hấu bên cạnh nhiều loại hoa quả quý khác. Sự lựa chọn này của người dân không phải ngẫu nhiên, mà có nguồn gốc từ giá trị dinh dưỡng mát lành, từ ý nghĩa văn hóa lịch sử lâu đời, từ quan niệm truyền thống của người Việt đối với quả dưa hấu và phong tục theo đó được bền vững trao truyền thế hệ.

Đèo Đá Đẽo

(QBĐT) - Ngày xưa, trèo đèo Đá Đẽo