Đâu rồi hồn cổ thụ?

  • 08:28 | Chủ Nhật, 13/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làng tôi ở là ngôi làng nhỏ gần núi nhưng cách bờ sông Gianh một cánh đồng có chiều ngang chừng nửa cây số.  
 
Tôi nhớ ngày còn nhỏ ở quê mê mẩn chơi với đám bạn bè dưới những gốc cây cổ thụ trong làng. Cây trâm vội (cây vối) cuối xóm Eo đứng trên bờ đất cao, trên bờ nương mệ Thấn, đổ bóng xuống che rợp cả khoảng trời khe Vội. Không biết khe Vội do gắn liền với cây vối được nói tới trên hay còn có ý nghĩa khác? Chỉ biết rằng, bao chàng trai, cô gái thanh thiếu niên thời ấy, quảy trình đến giếng Eo lấy nước uống hằng ngày về nhà, khi đến đoạn khe này trình va vào đá, bể tan, chỉ còn lại đòn triêng và đôi gióng mây với những bộ mặt mếu máo sợ về nhà bị trận roi và cả nhà thì không có nước để dùng.
 
Đoạn khe này có hơi sâu. Nếu lội dưới đáy cát thì nước sâu quá bẹn. Trường hợp bước đi trên những tảng đá, thì phần lớn các phiến đều nhô khỏi mặt nước. Nếu di chuyển không giữ được thăng bằng, chắc chắn mình sẽ va vào đá. Bởi vậy, thật tập trung và không được vội. Không biết do tự nhiên hay do con người sắp đặt, nhưng những phiến đá này có bề mặt nhẵn bóng.
 
Quanh năm dòng nước trong vắt. Về mùa hè, bóng cây đổ xuống râm mát, dòng nước mát lạnh dù xung quanh ruộng khô cạn. Lúc này, mực nước giảm xuống, trông những phiến đá như một đội quân tập hợp chỉnh tề. Lũ cá tung tăng vui đùa nhởn nhơ, chơi trò ú tim với bọn trẻ con chúng tôi. Nhưng chúng quá nhanh nên chúng tôi chẳng bao giờ tóm được con nào dù có bao vây cả 6-7 đứa quanh đàn cá. Kể cả chúng tôi dùng đúa để xúc hay buông câu thì chúng chỉ ngửi ngửi rồi bỏ đi chẳng thèm ăn mồi.
Cây cổ thụ bên cánh đồng làng.                                             Ảnh: Đức Thành
Cây cổ thụ bên cánh đồng làng. Ảnh: Đức Thành

Giữa làng, trên con đường đi ra cánh đồng Chăm có cây săng mả gốc to chừng 7-8 người ôm mới xuể, thân cao vút chọc trời, cành tỏa bóng cả một vùng rộng lớn. Đây là nơi người và trâu, bò đi làm đồng về tụ tập nghỉ ngơi, tránh nắng; cũng là nơi lũ trẻ chúng tôi rủ nhau chơi đánh đáo, đánh khăng, chọi vụ, nhảy dây, đánh thẻ, ù mọi, ba lun…Đây cũng là nơi ngự trị của lũ chim có sức mạnh và dữ dằn, như: Diều, quạ, chèo bẻo... làm tổ trên cao mà không cần cảnh giác vì bị phá tổ. Chúng tôi làm súng cao su, bắn đá, nhưng không viên đá nào bay đến tận tổ chim và những con chim bay qua bay lại hằng ngày không cần để ý.

Vượt Động Dài, chúng tôi đến gốc đa sát đường tỉnh lộ (nay là Quốc lộ 12A) để tìm bắt chim sáo. Các cụ cao niên trong làng kể lại: Thời kháng chiến chống Pháp, cây cổ thụ bao phủ quanh đồi Động Dài, du kích trong làng mai phục trên đồi thoắt ẩn, thoắt hiện cài bom khiến lũ giặc nhiều tên thiệt mạng.
 
Không bắt được du kích, lũ giặc trút hận lên cây đa cổ thụ. Cây đa nằm sát đường tỉnh lộ lại có đường nhỏ dẫn lên đỉnh đồi, nên bọn chúng tìm cách triệt hạ, nhưng cây vẫn không chết. Theo thời gian, rễ mới mọc thành những thân cây mới. Lần theo các hang hốc trên cành cao, thằng bạn tôi đã lôi ra được con rắn hổ mang dài chừng mét rưỡi. Chúng tôi hết hồn còn nó thì cứ chơi đùa với rắn tỉnh bơ; chơi chán nó thả cho rắn chui vào bụi. Tụi tôi từ đó không dám lần tới gốc đa để tìm chim sáo nữa.
 
Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ lan rộng, lũ trẻ chúng tôi ít đi chơi xa mà chỉ quanh quẩn trong các khu vườn. Xóm tôi xưa sầm uất, tán cây che kín mặt đất. Vườn ngoại tôi bạt ngàn cau, mít. Những cây cau cao chừng hai chục mét, thân bám đầy mốc meo bạc thếch. Mùa cau ra hoa cả khu vườn thơm ngát hương. Gió Nam thổi hương tỏa bay ra cánh đồng Kênh trước nhà. Khi “nắng chiều đột kích mấy hàng cau” là bầy chim bay về tổ.
 
Những cánh chim lấp lóa giữa trời chiều làm cho khung cảnh hoàng hôn thật yên bình, lãng mạn. Những cây mít nhà ngoại tôi có chu vi đường kính gốc bằng những chiếc nong lớn. Mùa quả, lũ trẻ chúng tôi thường hái mít cám, cắt thành lát, trộn với quả cà chua Tây vừa chín và ớt chỉ thiên xanh, đâm nhỏ, đùm vào lá khoai riềng (dong riềng), mỗi đứa một đùm, vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon và quên cả cơn đói mùa giáp hạt.
 
Dưới gốc mít, ngoại tôi thường chẻ tre đan thúng, mủng, dần, tràng… và kể cho chúng tôi nghe những chuyện cổ tích, những cuộc cài bom chống giặc Pháp càn vào làng. Cây mít to nhất nằm trước cửa nhà thờ của dòng họ có từ thời ông nội của ngoại. Giặc Pháp từng đục thân cây để đặt nồi quân dụng nấu cơm, cây bị cháy một phần nhưng không thể chết. Hàng năm, cây vẫn ra 6-7 chục quả to bằng cái trình gánh nước. Lũ trẻ chúng tôi chui rúc suốt ngày trong vườn cây không bao giờ chán.
 
Giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, xóm tôi bị giặc ném bom tọa độ chết mấy chục người, gần hai mươi gia đình có từ một đến bảy người chết. Đau thương tang tóc trùm lên xóm nhỏ. Hàng chục hố bom to, sâu hoắm, mỗi hố chiếm gần trọn cả sào đất, cây cối bị đổ ngổn ngang, nhưng kỳ lạ là những cây cổ thụ nhất chỉ bị gãy cành. Gốc cây săng mả cổ thụ thành nơi tập trung tiễn thanh niên ra trận, vào bộ đội, thanh niên xung phong và cũng là điểm nghỉ chân của bộ đội trên đường vào Nam đánh giặc.
 
Đất nước thống nhất, chúng tôi phải dời làng để mở rộng đất trồng lúa. Xóm tôi có vài chục nóc nhà, nhưng phải ba bốn tháng trời toàn bộ lực lượng dân quân của xã, có sự hỗ trợ của máy húc mới tạm san thành ruộng. Những cây cổ thụ của làng phải dùng cả khối thuốc nổ lớn mới đánh sập được gốc.
 
Làng tôi dời vào ở ven sườn núi đã trên 40 năm, nhiều loại cây ăn quả, cây lấy gỗ được trồng nhưng không thể tìm được một cây cổ thụ. Rồi những con đường bê tông mọc lên kèm theo việc xây dựng nông thôn mới, ngay cả bóng tre trùm mát rượi ngày xưa, về mùa hè hàng trăm chiếc tổ treo lủng lẳng cùng bầy chim ru võng, giờ cũng chỉ còn trong tiềm thức, trong nỗi nhớ của những người đi xa về lại thăm quê. Tiếng chim gù của những ban mai tinh khiết hầu như vắng bóng.
 
Ba mươi năm công tác xa quê, mỗi lần ghé về tôi lại ngẩn ngơ nhớ lại những cây cổ thụ, nơi in dấu hồn làng. Bên cạnh những hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình, cây cổ thụ bao giờ cũng mang dấu ấn nổi bật về sự cổ kính, trường tồn qua những đổi thay thời cuộc.
 
Cổ thụ luôn giữ nét đẹp bí ẩn và đầy hấp dẫn của mỗi làng quê. Mỗi người đi xa nhớ về quê, luôn ao ước có được những phút giây thư giãn bên gốc cổ thụ làng để được nghe gió kể về về miền hoang sơ, về ngôi làng nhỏ, nơi mình đã sinh ra, nơi lưu giữ cả pho truyện cổ…, những câu chuyện cổ được lưu giữ bao đời dưới bóng cây cổ thụ.
 
Tiếng rì rào của lá, tiếng ríu rít của đàn chim…những dư âm mơ màng của hồn quê không biết tự lúc nào thấm sâu trong huyết quản mỗi người, mà trong mỗi chuyến đi xa hoặc trở về ngay từ đầu làng, họ đã tràn ngập trong tình yêu không bờ bến. Bất giác lòng ta thốt lên: Đâu rồi hồn cổ thụ?                                        
         Đặng Xuân Lộc

tin liên quan

Đình làng Phan Long, "chứng nhân" lịch sử vùng đất Ba Đồn

(QBĐT) - Có lịch sử hàng trăm năm, đình làng Phan Long, phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) gắn liền với những mảnh trầm tích thời gian và mang đậm dấu ấn về vật chất, tinh thần của con người, vùng đất nơi này.
 

Bài thơ "Đồng Hới" - Dự cảm về một thành phố đẹp

(QBĐT) - Trong hồi ký "Âm vang thời chưa xa", nhà thơ Xuân Hoàng kể lại hình ảnh Đồng Hới  sau trận bom phá hoại của đế quốc Mỹ như sau: "... Một hiện tượng khủng khiếp đập thẳng vào mắt chúng tôi: vùng bắc cầu Dài đã bị bom hủy diệt... Một vùng đất rộng trở nên tan tành, xơ xác. Lúc này anh em dân quân và bà con đang đào hầm sập để cứu những người bị bom vùi lấp. Nhiều người chết được khiêng ra mặt đường lấy chiếu úp mặt lại. Nhiều chiếu quá! Cứ trắng tinh cả một khúc đường... Tôi uất hận đứng lặng không nói nên lời. Ngày đó là ngày mồng bốn tháng tư năm 1965, ngày giặc Mỹ chính thức bắt đầu cuộc ném bom hủy diệt thị xã Đồng Hới. Hôm sau, chúng tôi phải sơ tán lên vùng quê, đề phòng giặc lại tiếp tục đến bắn phá...".

Dấu bàn chân mẹ

(QBĐT) - Khi nghĩ về mẹ, ta thường nghĩ đến mái đầu tóc sương, đôi bàn tay nhăn nheo quen làm lụng, rồi vết chân chim nơi mí mắt hay tấm áo nâu sồng bạc màu. Và tôi, tôi thường nghĩ về dấu bàn chân mẹ: Dấu chân đã lội qua đời người với bao mưa nắng, trầy trật, bao vấp ngã và với bao dấn bước bấm vào mong manh, thiếu hụt để vững chãi thêm, định vị cho mình một tư thế làm người.