Đọc "101 người lính xe tăng và những câu chuyện khác"

  • 07:59 | Thứ Tư, 16/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đón xuân Nhâm Dần, nhà văn Nguyễn Thế Tường đã cho ra mắt tập truyện và ký “101 người lính xe tăng và những câu chuyện khác”. Tập sách do NXB Lao Động ấn hành, gồm có 2 phần, truyện và ký. 
Trang bìa tập truyện và ký “101 người lính xe tăng và những câu chuyện khác”.
Trang bìa tập truyện và ký “101 người lính xe tăng và những câu chuyện khác”.
                                          
Phần một gồm có 4 bài ký tái hiện cuộc sống của 100 chàng trai xếp bút nghiên lên đường ra trận để rồi sau chiến tranh chỉ còn lại 86 người, cùng Trần Hồng Dung-Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” đi tìm lại tuổi hai mươi.
 
“Chuyển binh chủng” là truyện ký đầu tiên giới thiệu 100 sinh viên bước vào đời lính, được đào tạo thành một khóa hạ sĩ quan tăng-thiết giáp chính quy mẫu mực của quân đội. Không hoa mỹ, ngọt ngào, lời văn có phần mộc mạc, tếu táo, trong loảng xoảng của tiếng xích xe tăng ẩn chứa một tâm hồn trong veo, thiết tha yêu cuộc sống. '
 
Nguyễn Thế Tường không trực tiếp nói về 100 người lính xe tăng mà khéo léo trích dẫn trang nhật ký chiến tranh của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc: “Ngày 7-12-1971, mãi sớm nay bọn lính Tăng mới đi. Lăng đi rồi, lúc 5 giờ sáng. Bọn mình mệt còn nằm ngủ, nó không gọi mà để lại mảnh giấy nhỏ. Chia tay giản dị mà thân mến quá… Chúng nó đi, có nhớ chút nào đến ba tháng qua, đến những ngày đầu bộ đội. Đêm nay rét và chắc là khó ngủ, mỗi người một thế giới trong đêm…”
 
Đến khi đã là những anh chàng “lính tăng yêu-hát-quậy và ra chiến trường” thì công việc huấn luyện, tập các khoa mục, không có tiếng đạn bom và những ngày cơ cực, chỉ có bầu trời xanh và tiếng hát: “…Thằng Đinh Công Nhiên, biệt danh “Nhiên Tây” vì cái mũi cao và đỏ đứng trên tháp pháo lồng lộng, tay xỏ vào ngực như thổn thức rồi vang lên giọng hát cao ngất, âm vực rất lớn: Đ…â… â…y…! Lời anh hát tặng em, bao lời ca dịu êm, mang cả tâm hồn anh… Không gian lặng đi. Tất cả lính nhổm dậy. Những người đang cầm búa cũng dừng tay. Bốn chiếc xe tăng xám xịt nằm im phăng phắc…”.
 
Nguyễn Thế Tường không dụng công mô tả, kể lể, chỉ vài nét chấm phá với ngòi bút tài hoa, ông đã làm người đọc hình dung được cuộc sống của 100 người lính xe tăng gian khổ nhưng oanh liệt như thế nào. Họ ra đi ở tuổi thanh xuân phơi phới để rồi “bốn mươi lăm năm sau” lại cùng đồng đội “đi tìm dấu tích liệt sỹ”.
 
Đây là những trang viết rất xúc động. Đoàn đến Phú Thọ, thăm gia đình liệt sỹ Hán Đức Lĩnh: “Trong khói hương, từ trong bức ảnh đen trắng được tô màu, Lĩnh nhìn ra như cười buồn với đồng đội. Người thanh niên bẽn lẽn này hy sinh khi đang chỉ huy ba chiếc xe tăng xung trận, trúng đạn cháy và không ai kịp nhảy ra”. Khi mọi người chào bà cụ để ra về, “bất ngờ mẹ nói một câu khiến tất cả bàng hoàng: “Vâng, các chú về nhé. Con tôi không về!”. Một câu nói làm tím sẩm hoàng hôn. Cả bọn lặng đi. Dung Mộc ôm mặt nấc. Hương hồn liệt sỹ đã nhập vào người mẹ tuổi ngoài chín mươi. Nguyễn Thế Tường kêu lên: “Mày về đấy hả, Lĩnh ơi!?”. Nỗi đau của người mẹ Việt Nam, đau đến tột cùng.
 
Nguyễn Thế Tường cùng đồng đội đã đi dọc theo đất nước. Anh đến nơi Phùng Anh Dũng, Đinh Quang Việt, Nguyễn Văn Tư, Phan Trung Khoa, Nguyễn Trọng Hoài, Nguyễn Tự Chính, Nguyễn Ngọc Bính, Lê Phú Hải, Nguyễn Văn Thảo, Lê Minh Tân, Nguyễn Văn Thành, Đào Đức Hảo, Ngô Ngời ngã xuống. “Mười bốn cuộc đời đứt đoạn, mười bốn cuộc đời sinh động vô ngần”. Họ là những thiên thần của binh chủng thép, những chiến binh khôi ngô, tuấn tú giờ chỉ còn lại nắm tro trắng nằm trong xác xe tăng vì nhiệt độ cháy rất cao.  
 
Phần hai “Truyện ngắn”, Nguyễn Thế Tường chọn ra 8 truyện ngắn viết về người lính xe tăng được in trong các tập “Hồi ức của một binh nhì”, “Gót lữ đoàn” và “Người đàn bà không hóa đá”. Truyện “Hồi ức của một binh nhì” đã giành được giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và được dựng thành phim.
 
Đây là một truyện ngắn rất hay viết về người lính. Câu chuyện xảy ra ở Trung đoàn 207 xe tăng- thiết giáp trên miền đồi Tam Đảo. Tham mưu trưởng trung đoàn là đại úy Phùng Minh. Tất cả kíp xe: Bá Hùng, Hoàng Sâm, Quốc Tuấn… là những nguyên mẫu, có thật. Năm 2014, Nguyễn Thế Tường cùng một số anh em cựu chiến binh, văn nghệ sỹ tổ chức đi dã ngoại với binh nhì Hoàng Sâm (bây giờ là thượng tá công an đã về hưu ở làng Minh Lệ).  
 
Các truyện ngắn “Người lính hay giảng Kiều”, “Trận đánh cuối cùng”, “Khoa mục bị bỏ quên” là những câu chuyện đời thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì người lính xe tăng cũng chỉ là con người chứ không phải thần thánh. Những con người anh hùng cũng có lúc bị khuyết điểm, sai phạm, tù tội nhưng trong cư xử với nhau luôn toát lên tình yêu thương đồng đội, lòng vị tha và tính nhân văn. 
 
Truyện “Khói bay lên trời”, “Chiều hải cảng”, “Gót lữ đoàn”, “Vết thương lòng” khắc họa sự mất mát, hy sinh của người lính. Nguyễn Thế Tường luôn tìm ra được những chi tiết đắt giá mà không phải ai cũng biết nghĩ ra. Ông viết theo lối đồng hiện, quá khứ xen lẫn với hiện tại. Có những đoạn văn phong đặc tả cứ chảy rười rượi như ánh trăng. Đây là một thế mạnh, bởi vậy, sau này, ông thường hay viết tản văn. Tập tản văn “Và gió heo may” của ông dự Giải thưởng văn học-nghệ thuật Lưu Trọng Lư lần thứ 6 vừa qua được chấm giải nhất. 
 
Người đọc đang chờ đợi để được thưởng thức tiếp những tác phẩm mới của ông, một nhà văn già dặn và đang rất sung sức.                                                                                          
    Hoàng Minh Đức
 
 
 
 

tin liên quan

Người đọc sách cũ...

(QBĐT) - Anh là đọc giả của Thư viện tỉnh, đều đặn mỗi tuần một lần đến thư viện mượn sách. Thời gian đầu, anh cũng như bao người đọc khác, lặng lẽ đến, lặng lẽ mượn và lặng lẽ ra về nên chẳng có gì để khiến các cô thủ thư lưu tâm.

Dày công sáng tạo với dòng tranh đồ họa

(QBĐT) - Cần mẫn, sáng tạo, họa sỹ Nguyễn Thành Trung, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình, giáo viên bộ môn Mỹ thuật Trường tiểu học số 2 Ba Đồn đã có những đóng góp cho mỹ thuật Quảng Bình với nhiều tác phẩm có chất lượng. Đặc biệt, anh khá thành công khi theo đuổi lĩnh vực đồ họa tạo hình (thể hiện các loại tranh khắc), một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự kỳ công, trải qua nhiều công đoạn từ việc lựa chọn chất liệu tạo hình, đến cách thức biểu đạt, bố cục không gian để tạo nên tác phẩm có giá trị thẩm mỹ.

Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam 2022: "Hãy sống và hy vọng"

(QBĐT)- Ngày 14/2, tại Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Quảng Trạch, Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, Chi hội VHNT huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2022. Đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự lễ khai mạc.