Người đọc sách cũ...

  • 14:43 | Thứ Ba, 15/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Anh là đọc giả của Thư viện tỉnh, đều đặn mỗi tuần một lần đến thư viện mượn sách. Thời gian đầu, anh cũng như bao người đọc khác, lặng lẽ đến, lặng lẽ mượn và lặng lẽ ra về nên chẳng có gì để khiến các cô thủ thư lưu tâm.
 
Rồi người ta đã để ý đến anh vì những cuốn sách anh thường mượn. Trong hàng chục người có thẻ mượn sách ở đó, đa phần mọi người tìm đến giá đựng những cuốn sách mới in, sách viết những câu chuyện về tình yêu, cuộc sống thời hiện tại, sách về những điều cần cho cuộc sống làm ăn, kỹ năng thành người thành đạt... Còn anh không như thế. Mỗi lần làm xong thủ tục trả sách đã đọc là anh tìm vào những giá sách cũ kỹ nằm sâu trong góc phòng, khuất sau những giá sách mới. Anh ở đó rất lâu, vì vậy, không hiếm lần cô thủ thư đã phải vào tận nơi... xem anh làm gì ở đó.
 
Những cuốn sách anh mang ra mượn nhiều nhất vẫn là sách viết về chiến tranh. Có cuốn đã ố vàng, giấy mủn ra, bám đầy bụi bặm và xuất bản từ những năm 1960, 1970 của thế kỷ 20. Những cuốn sách xuất bản mới hơn được anh chọn thì cũng phần nhiều là viết về chiến tranh hoặc liên quan đến chiến tranh.
 
Rồi một hôm, anh mang vẻ mặt buồn bã khi ra khỏi các giá sách. Cô thủ thư bắt chuyện. Anh thổ lộ: “Hình như sách viết về chiến tranh ở thư viện mình ít lắm rồi, bây giờ khó tìm lắm”. Anh cho biết, có những cuốn mượn về, khi giở ra đọc mới biết là mình đã đọc từ vài năm trước. Nhiều cuốn khi mượn về, dù biết là đã đọc rồi nhưng anh vẫn đọc lại từ đầu, như một gã rỗi thời gian chẳng biết làm gì.
 
Qua nhiều lần chuyện trò với anh, cô thủ thư mới biết là anh thích đọc sách viết về chiến tranh, với một niềm say mê không bao giờ dứt được. Bởi lẽ như anh nói, hình như trong chiến tranh, dù là những điều được viết ra trong sách có cái thực của cuộc chiến, có cái hư của... sách, thì cuộc sống ấy thật trong sáng, tình cảm con người đối với con người thời ấy sao mà đẹp đẽ thế.
 
Trong lửa đạn, những người lính, những o du kích vùng chiến sự, những người dân… sẵn sàng dành cho nhau sự sống, hay nhận về mình cái chết để người khác được sống. Mọi người luôn dành cho nhau tình cảm thật đẹp, dù cuộc sống khó khăn bội phần trong cảnh đói cơm thiếu áo, nhưng vẫn đùm bọc nhau trọn vẹn nghĩa tình.
 
Ở đó-trong những trang sách-có những con người đã sống, đã làm việc, đã chiến đấu hết mình và có biết bao người mãi mãi còn với đất nước ở tuổi 18, 20. Tuổi 18, 20 của họ ở mãi cùng với đất, trong những cánh rừng Trường Sơn, trên những đỉnh núi hay trong những dòng sông Vàm Cỏ, Sài Gòn... ở Nam bộ hay Thạch Hãn, Bến Hải... ở miền Trung mà không ai tính toán một điều gì cho riêng mình. Có những bà mẹ tiễn con mình vào lửa đạn mà không biết có được đón con trở về hay không...
 
Không chỉ đọc sách để cảm nhận điều đó, anh còn cho biết, mỗi khi đi công tác một mình trên những cung đường vắng giữa rừng, bao giờ anh cũng hát lên những bài hát về những người một thời mở đường, làm giao liên, đi tải đạn... như một sự tri ân, ngưỡng vọng và day dứt khôn nguôi.
 
“Con người ta sẽ tốt hơn lên hoặc xấu dần đi thường bắt đầu từ sự đối xử? Mình đi chiến đấu thế này, cái sống, cái chết từng giây, từng phút, thiếu thốn, gian khổ trăm bề, nếu không có cái tình mà đối xử với nhau cho ra con người thực sự, thì người lính không có lý do gì để dám hy sinh”. “Thêm một con người trong cuộc đời này không quan trọng bằng chính con người đó sống thế nào để đóng góp cho cuộc đời”...
 
Những đoạn văn như thể triết lý này (trong truyện ngắn "Vùng rừng ẩm ướt" của nhà văn Xuân Thiều) được anh đọc lên cho cô thủ thư nghe trong một lần trả sách. Anh trầm ngâm bảo, những câu viết như thế chắc không thể tìm được ở trong các cuốn sách có chủ đề khác.
 
Dù vậy, khi đã quen và hiểu anh hơn, cô thủ thư vẫn bảo anh là người đang đi một mình... bên lề xã hội bây giờ và thuộc típ người... hơi cũ. Anh thì bảo rằng đôi khi sống với hoài niệm vẫn có cái hay của nó, ít nhất là với những người đã qua một thời nào đó mà họ thấy là đầy dấu ấn trong cuộc đời.
 
Cũng có khi ở một độ tuổi nào đó, con người lại cần có sự hoài niệm cho mình để sống... bên lề xã hội như anh đang sống. Với anh, đi-một-mình-bên-lề-xã-hội cũng là tìm ra cho mình một lẽ sống.
                         
                                  Lam Giang
 
 
 
 
 
 

tin liên quan

Dày công sáng tạo với dòng tranh đồ họa

(QBĐT) - Cần mẫn, sáng tạo, họa sỹ Nguyễn Thành Trung, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình, giáo viên bộ môn Mỹ thuật Trường tiểu học số 2 Ba Đồn đã có những đóng góp cho mỹ thuật Quảng Bình với nhiều tác phẩm có chất lượng. Đặc biệt, anh khá thành công khi theo đuổi lĩnh vực đồ họa tạo hình (thể hiện các loại tranh khắc), một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự kỳ công, trải qua nhiều công đoạn từ việc lựa chọn chất liệu tạo hình, đến cách thức biểu đạt, bố cục không gian để tạo nên tác phẩm có giá trị thẩm mỹ.

Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam 2022: "Hãy sống và hy vọng"

(QBĐT)- Ngày 14/2, tại Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Quảng Trạch, Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, Chi hội VHNT huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2022. Đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự lễ khai mạc.

 

Đón bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Đình làng Phan Long

(QBĐT) - Sáng 14/2, UBND phường Ba Đồn, TX. Ba Đồn tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Đình làng Phan Long.