Thư viện tỉnh Quảng Bình:

Tất cả vì người đọc

  • 07:18 | Thứ Sáu, 11/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ bạn đọc trong tình hình mới nhằm thực hiện phương châm “tất cả vì bạn đọc”, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã không ngừng đổi mới các hoạt động, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách, tìm hiểu thông tin của người dân.
 
Nỗ lực thu hút người đọc
 
Năm vừa qua, do ảnh hương bởi dịch Covid-19 nên hoạt động của thư viện gặp rất nhiều khó khăn, song đơn vị đã có những nỗ lực trong việc thích ứng an toàn để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ.
 
Ngoài việc đổi mới hình thức phục vụ, đầu tư về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc trong tra cứu, tìm hiểu thông tin, thư viện còn mở cửa phục vụ vào ngày thứ 7 để đáp ứng nhu cầu đọc sách của bạn đọc trẻ, nhất là các em học sinh.
 
Điều đáng ghi nhận là đơn vị đã tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) với nhiều nội dung phong phú, thu hút đông đảo bạn đọc, nổi bật là các hoạt động: Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc Quảng Bình, Tuần lễ đọc sách miễn phí, Ngày hội văn hóa đọc…
 
Thư viện còn đẩy mạnh hoạt động phục vụ bạn đọc tại cơ sở bằng việc sử dụng xe thư viện lưu động để mang sách đến các trường học trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu đọc sách của các em học sinh. Chỉ tính riêng trong năm 2021, đơn vị đã tổ chức được 15 cuộc trưng bày, triển lãm tư liệu nhân các ngày lễ lớn, các dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước, của tỉnh.
 
Nhằm phát huy giá trị sách, báo và giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn dễ dàng tiếp cận với nguồn thông tin, thư viện luôn quan tâm đến việc huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, xây dựng, phát triển hệ thống tủ sách cơ sở, tăng cường luân chuyển sách, báo phục vụ nhân dân.
 
Trong năm 2021, đơn vị đã xây dựng, hỗ trợ 16 tủ sách cơ sở với 3.260 bản sách, hỗ trợ 3 điểm luân chuyển sách của Hội Nông dân tỉnh với số lượng 450 bản sách. Thư viện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sách, báo, đổi mới phương thức phục vụ trong và ngoài thư viện, thường xuyên luân chuyển sách, báo nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, thu hút đông đảo bạn đọc đến với thư viện.
Với việc tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, Thư viện tỉnh thu hút nhiều học sinh tham gia đọc sách.
Với việc tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, Thư viện tỉnh thu hút nhiều học sinh tham gia đọc sách.

 Để bắt kịp xu thế

Ông Phạm Bá Tước, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Xác định thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thư viện là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị, bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, trong những năm qua, thư viện đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ và triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động chuyên môn của thư viện. Đơn vị đã chú trọng xây dựng nguồn lực số, quản lý, phục vụ nguồn lực thông tin số cho bạn đọc và đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
 
Hiện tại, thư viện đã đầu tư hệ thống máy chủ, máy trạm, hệ thống mạng, thiết bị mạng và bảo mật an toàn dữ liệu; đầu tư các phầm mềm quản lý thư viện, quản lý tài liệu số mã nguồn mở Dspace; đổi mới, duy trì trang thông tin điện tử để cập nhật, chuyển tải nhiều thông tin quan trọng của thư viện, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên của đơn vị.
 
Thư viện còn đăng tải nhiều tin, bài, ảnh, tư liệu phản ánh thường xuyên các hoạt động của đơn vị và xây dựng chuyên mục giới thiệu sách, tài nguyên thư viện cùng những thông tin bạn đọc cần biết…
 
Thư viện cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu sách với 32.210 biểu ghi thư mục và 68.457 bản sách; tiếp nhận, phổ biến 1.057 tài liệu số với 254.165 trang tài liệu, 627 video từ Dự án Bill-Medea Gates, cập nhật 170 tài liệu số từ nguồn Hệ tri thức mở; sưu tầm, số hóa 84 tài liệu với 20.072 trang tài liệu viết về địa phương, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lưu giữ tại Thư viện tỉnh Thừa Thiên-Huế và các thư viện trong Liên hiệp Thư viện các tỉnh Bắc miền Trung.
 
Ngoài ra, thư viện còn xây dựng bộ tài liệu số hóa quý hiếm, có giá trị “Tạp chí: Những người bạn cố đô Huế” bằng tiếng Pháp do linh mục Leospold Cadière làm chủ bút… Đến nay, kho sách thư viện số của đơn vị cơ bản đầy đủ các nội dung về lịch sử, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, tài liệu về địa phương, danh nhân văn hóa, lịch sử địa phương… để phục vụ bạn đọc. Đặc biệt, thư viện đã mua quyền truy cập 2.451 sách điện tử (Ebook) của Nhà xuất bản Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh nhằm phục vụ miễn phí cho bạn đọc theo hình thức trực tuyến.
 
Ông Phạm Bá Tước cho biết thêm: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc chuyển đổi số và phục vụ thông tin số tại thư viện đang gặp những khó khăn nhất định. Một trong những khó khăn là do hạ tầng CNTT tại thư viện chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống bảo mật an toàn dữ liệu chưa bảo đảm, phần mềm quản lý thư viện, quản lý tài liệu số chưa được đầu tư nâng cấp đồng bộ… nên ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn lực thông tin số, năng lực quản lý và phổ biến thông tin cho bạn đọc.
 
Với mục tiêu đổi mới hoạt động, lấy bạn đọc làm trung tâm, thời gian tới, thư viện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cấp hệ thống thiết bị CNTT, triển khai hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện và thuê, mua các cơ sở dữ liệu sách số, sách điện tử có bản quyền, tiến hành chia sẻ nguồn lực thư viện số, tài nguyên số cho các thư viện tuyến huyện, thư viện tư nhân trên địa bàn tỉnh.
 
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ đẩy mạnh việc giới thiệu cho bạn đọc danh sách các trang web hay, các trang đọc sách miễn phí và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và những hình thức khác về thông tin tài nguyên, vai trò, dịch vụ mới của thư viện nhằm thu hút người đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhân dân.
 
Trong năm vừa qua, ngoài việc phục vụ trực tiếp tại thư viện, đã có 7.433 lượt bạn đọc với hơn 15.025 tài liệu số của Thư viện tỉnh được phục vụ qua không gian mạng, góp phần đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
 
Đặc biệt, thư viện đã xây dựng được kho sách điện tử, giới thiệu nhiều sách hay, sách quý nhằm thu hút người đọc như: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Quân đội nhân dân Việt Nam”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, “Bài học dựa vào dân”, “Lịch sử Quảng Bình”…

                                                                                      Nh. V

 
 
 

tin liên quan

Phim Việt Nam tham dự Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 72

Ngày 10/2, Liên hoan phim quốc tế Berlin (Berlinale) lần thứ 72 chính thức khai mạc với sự tham gia của hơn 250 bộ phim đến từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vĩnh biệt NSƯT Tiến Hợi, người vào vai Bác Hồ thành công nhất

Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi đã trút hơi thở cuối cùng ngày 10/2 sau một thời gian điều trị bệnh. Vậy là từ nay, sân khấu, điện ảnh... thiếu vắng một nghệ sỹ thể hiện hình tượng Bác Hồ rất thành công...

Cắt giảm quy mô tổ chức lễ hội Cầu Ngư ở Cảnh Dương do các ca nhiễm Covid-19 tăng cao

(QBĐT)-Chiều nay, 9/2, ông Trần Trung Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, địa phương sẽ cắt giảm quy mô tổ chức lễ hội Cầu Ngư truyền thống do số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn xã đang tăng cao.