"Cổ tích" Quảng Bình trong đôi mắt kiến trúc sư danh tiếng

  • 08:51 | Thứ Năm, 03/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày Xuân, trước hết xin “vui vẻ” một chút: Kiến trúc sư danh tiếng đó không chỉ là người Quảng Bình, lại có tên Hoàng Hữu Phê, tức trùng tên với tôi. Tôi chỉ hơn chàng kiến trúc sư một điểm, chàng tuổi Ngọ-1954, tôi tuổi Mão-1939; vị chi tôi hơn chàng 15 tuổi (từ đây, xin được gọi tắt tiến sỹ-kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê là chàng để… tiết kiệm giấy và cũng để chàng có thêm niềm vui tươi trẻ ngày xuân).
 
Cho đến cuối năm con Trâu này, tính sơ qua thì tôi đã thua chàng nhiều điểm. Dễ thấy nhất là chàng hơn về bằng cấp-học vị (tôi chỉ học trường “lục lộ” giao thông trong nước), còn chàng không chỉ là tiến sỹ-kiến trúc sư mà còn là nhà quy hoạch, từng học tại nhiều đại học danh tiếng như: Đại học xây dựng Kiev (Liên Xô), Học viện Công nghệ châu Á (AIT), Đại học Tổng hợp London (UCL), nhận bằng tiến sỹ Quy hoạch đô thị năm 1988…
 
Điểm thua nữa là những công trình-tác phẩm mà chàng tham gia quy hoạch và thiết kế là những công trình lớn “để đời”, được cả triệu người chiêm ngưỡng như: Rạp xiếc Trung ương tại Hà Nội, trụ sở Viện Dầu khí, Nhà học (giảng đường có 2 phòng 300 chỗ ngồi bậc dốc) tại Đại học Cần Thơ, các khu đô thị mới Trung Hòa-Nhân Chính, Bắc An Khánh (Splendora) Hà Nội, đô thị du lịch Cái Giá-Cát Bà (Hạ Long) cùng rất nhiều công trình và các tòa nhà cao tầng tại nhiều thành phố…
 
Còn tôi, nói cho oai thì cũng đã xây dựng dăm ba cây cầu, nhưng chỉ là anh kỹ thuật viên “tép riu” thôi, trong đó, 2 cây cầu “hoành tráng” nhất trên đường 12A là Ca Tang và Bãi Dinh thì đã bị bom đánh sập từ 1965 rồi...
 
“Bày chuyện” so sánh “hơn-thua” chỉ là cái cớ để “PR” một nhân tài Quảng Bình mà hình như nhiều người ở “quê ta” chưa biết. Hoàng Hữu Phê còn “điểm son” nữa là năm 2000 được tặng Giải thưởng uy tín The Donald Robertson Memorial Prize của Tạp chí hàng đầu thế giới về nghiên cứu đô thị (Urban Studiers) cùng với giáo sư Patrick Wakely cho lý thuyết “Vị thế-Chất lượng” (SPTO). Tạp chí này mỗi năm chỉ chọn 1 đề tài trao giải. Người được trao giải năm 2019 hiện là trưởng khoa Kiến trúc Đại học danh giá Harvard Mỹ…
 
Tôi “cả gan” viết đôi điều về Hoàng Hữu Phê do chàng vừa “tự bạch” trong cuốn sách “nước vẫn chảy dưới chân cầu cầu Mụ Kề” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021); rồi “Song Phê” kết bạn facebook, liên tục “chát” với nhau.
 
Tôi gọi cuốn sách dày gần 600 trang khổ lớn của chàng là “Tự truyện & Du ký”, vì những chương chàng kể chuyện du học và làm việc ở Kiev (Liên Xô), Bangkok (Thái Lan), London (Anh), cả chương viết về giai đoạn chàng “sơ tán kiểu K8 mini” ra miền Bắc đã giúp bạn đọc được du ngoạn bằng những trang văn rất sinh động.
 
Đó là nhờ năng khiếu văn chương được tiên báo từ giải học sinh giỏi ở Quảng Bình cho đến giải nhì môn văn của các trường phổ thông cấp 3 Hà Nội (mà giải nhất thuộc về Phạm Như Anh, người yêu của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc). Năm 1983, tiểu thuyết “Thao thức” của A. Kron, chàng dịch ra tiếng Việt, được Hội Nhà văn tặng giải thưởng. Với năng khiếu văn chương trời cho ấy, phần “tự truyện” của chàng từ tuổi thơ ở Quảng Bình cho đến ngày lên tàu liên vận du học ở Liên Xô dày trên 160 trang, rồi chuyện tình yêu Phê-Bình không ít mộng mơ và cũng nhiều trắc trở… được thể hiện sinh động, kỳ lạ như là “cổ tích” đã khiến bạn đọc gấp sách rồi còn muốn xem lại.
 
Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề".
 
Có lẽ, ít có người con Quảng Bình nào xa quê hương mà có thể nhớ và ghi được tỉ mỉ như thế những câu chuyện hơn sáu chục năm trước. Hình ảnh Quảng Bình hiện ra ngay trang đầu cuốn sách và trang cuối cũng là cảnh bên cầu Mụ Kề. Trong các chương “du ký” ở quê người, trước một dòng sông, một cảnh đẹp, chàng lại liên hệ tới “Quảng Bình quê ta”…
 
Những trang văn ấy in dấu tình yêu nơi “chôn nhau cắt rốn” sâu đậm và trí nhớ phi thường của chàng. Thân phụ chàng cũng phải ngạc nhiên, khi chàng tả lại chi tiết khung cảnh căn nhà gia đình thuê ở Đồng Hới năm 1956, lúc đó chàng mới 2 tuổi. Thân phụ chàng là thầy Hoàng Hữu Xứng, từng là Hiệu trưởng trường cấp 3 tiền thân của Trường THPT Đào Duy Từ ngày nay, trước khi ra Hà Nội học Đại học Sư phạm.
 
Chàng đã từng từ “cửa sổ tầng 2 phòng hiệu trưởng nhìn ra một phần còn sót lại của thành cổ Đồng Hới được bao quanh bằng một con hào đầy rong rêu…”. Nhan đề cuốn sách có tên “Cầu Mụ Kề”-chiếc cầu ngắn bắc qua một lạch nước nhỏ nối con hào này với sông Nhật Lệ-vì đó là một địa chỉ gắn với những kỷ niệm ấu thơ của chàng. Có lần, ba anh em ra dầm nước ở đây, về bị bố bắt nằm sấp chịu đòn. Chàng không dính ngọn roi nào, do bố thương, đặt nằm giữa, có lưng hai người anh đỡ cho…
 
Chương I cuốn sách mang tên “Đồng Hới”, tác giả đã mở đầu với một “bức tranh” bằng ngôn ngữ: “Tôi đứng trên chiếc cầu mới tinh bắc ngang sông Nhật Lệ, nhìn chéo về phía nhà thờ Tam Tòa. Ngọn tháp chuông cháy xém, bị phá hủy gần hết vì một trận rocket Mỹ vào năm 1968, cắt một vệt rõ nét và bi thảm trên nền xanh lam của dãy Trường Sơn...”.
Từ “ấn tượng thị giác” ấy, chàng hồi tưởng ngày Đồng Hới bị ném bom đầu tiên (2-3-1965), lúc đó, chàng cùng lũ trẻ đang chơi trò đẩy xe goòng than đoạn gần Tòa án cũ, nên “không một ai trong chúng tôi nghe thấy tiếng gầm của một tốp cường kích phản lực A4 Skyhawk bay từ Hạm đội 7 vào…”.
 
Ít lâu sau, gia đình sơ tán vào Văn La (Lương Ninh), rồi lên Lệ Kỳ, không biết bao lần chàng đã ở bên cửa tử. Cả trong chuyến cùng gia đình sơ tán ra Hà Nội năm 1968 trên chiếc xe “Zil 3 cầu” cũng bao lần suýt chết. Không thể kể hết những hiểm nguy, vất vả chàng đã chịu đựng, nhưng ngày xuân, dẫn một chuyện vui vui. Hồi ở Lệ Kỳ, lúc vào rừng kiếm củi, chàng đã thấy những con trâu mộng (trâu lỉa) “kéo những súc gỗ to kềnh càng” nhưng “tâm hồn lại rất đa cảm […] chúng chỉ chấp nhận độc một cách cổ vũ: Được nghe bài hát tình yêu! […] Nếu có ai đó, vừa hát một bài hát tình yêu mùi mẫn, vừa nhẹ nhàng xoa xoa mông trâu lỉa, thì chắc chắn là nó sẽ đi băng băng…”; còn dùng roi quất thì có khi lĩnh án tử hình...
 
Tôi nhắc câu chuyện như huyền thoại, như cổ tích này và “liều mạng” suy diễn: Có khi đó là một trong những “nguồn cội” thúc đẩy chàng đề xuất lý thuyết “Vị thế-Chất lượng” (SPTO) nhấn mạnh “yếu tố phi vật thể đóng vai chính” để công trình kiến trúc “có hồn” đã được giải thưởng kiến trúc danh giá năm 2000. Thì chẳng phải khúc nhạc tình yêu êm dịu “phi vật thể” có sức đẩy cả khối vật thể to kềnh là con trâu mộng sao?
 
Trong lần “chát” trước khi viết trang báo này, tôi hỏi vì sao chàng chưa có công trình nào ở Quảng Bình. Chàng đáp: “Em cũng đang mong có dịp về quê hương làm một cái gì đó…”. Tôi hy vọng là chàng sớm có “duyên” thực hiện ước vọng đó, như thuở nào chàng Hữu Phê từ đất lửa Quảng Bình sơ tán ra học cấp 3 tại Hưng Yên đã may mắn gặp tiểu thư Hà Nội tên Bình; như Khắc Phê tuy không tìm được nàng tên Bình, nhưng lại là cô gái Quảng Bình trùng họ Hoàng với chàng, lại cùng là giáo viên Lương Ninh, nơi thân mẫu chàng từng là hiệu trưởng…
 
Ngày xuân, chưa kịp ra Quảng Bình ăn Tết, Nguyễn Khắc Phê “ăn theo” Hoàng Hữu Phê chút cho vui!
Nguyễn Khắc Phê
 

tin liên quan

"Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua"

(QBĐT) - Người đang yêu đếm năm tháng đi qua bằng những mùa xuân đầy hương sắc; người sẽ yêu đón tuổi đời bằng hy vọng tràn trề; kẻ yêu xong rồi ngẫm thời gian như mùa thu lá vàng hờ hững rơi...

Dưa hấu Quảng Bình phẩm vật tiến vua

(QBĐT) - Vào các dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, ngày giỗ chạp…, chúng ta thường thấy trên bàn thờ của nhiều gia đình người Việt dâng cúng tổ tiên quả dưa hấu bên cạnh nhiều loại hoa quả quý khác. Sự lựa chọn này của người dân không phải ngẫu nhiên, mà có nguồn gốc từ giá trị dinh dưỡng mát lành, từ ý nghĩa văn hóa lịch sử lâu đời, từ quan niệm truyền thống của người Việt đối với quả dưa hấu và phong tục theo đó được bền vững trao truyền thế hệ.

Đèo Đá Đẽo

(QBĐT) - Ngày xưa, trèo đèo Đá Đẽo