Quảng Bình qua châu bản triều Nguyễn

  • 07:37 | Thứ Ba, 08/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Châu bản triều Nguyễn là những loại văn bản hành chính được hình thành từ hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền triều Nguyễn. Các văn bản này do hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên được hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội, chính sách đối nội, đối ngoại.
 
Châu bản được viết trên giấy dó, bằng chữ Hán Nôm, một số văn bản vào giai đoạn cuối triều Nguyễn được viết bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Thành phần bao gồm nhiều loại văn bản, như: Chiếu, thượng dụ, sắc, chỉ, tấu, khải, bẩm, thư trình, phúc trình, phiếu nghĩ… Là khối văn thư hành chính nên châu bản bao quát, phản ánh toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội, hoạt động đối nội, đối ngoại của Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Châu bản là nguồn sử liệu để biên soạn các bộ chính sử triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Minh Mệnh chính yếu…
 
Được đánh giá là các văn thư quan trọng, nên các hoàng đế triều Nguyễn đã giao châu bản cho nội các trực tiếp quản lý và xây dựng tòa nhà cất giữ ngay trong hoàng cung, cạnh nơi làm việc của nhà vua. Châu bản được tàng trữ ở nội các cho đến năm 1942 được chuyển về lưu trữ tại Viện Văn hóa Huế.
 
Qua nhiều lần di chuyển, năm 1991, toàn bộ châu bản triều Nguyễn được chuyển ra Hà Nội, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước. Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đang bảo quản trên 773 tập gốc, tương đương khoảng 200.000 tờ tài liệu của 11 trong tổng số 13 triều vua nhà Nguyễn, gồm: Gia Long, Minh Mạng (hay Minh Mệnh), Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. 
Châu phê trong bản tấu ngày 14/3 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) của Hộ lý tỉnh Trị Bình.
Châu phê trong bản tấu ngày 14/3 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) của Hộ lý tỉnh Trị Bình.
Trước triều Nguyễn, cách phê duyệt văn bản của nhà vua đã không còn lưu lại trong sử sách. Đến triều Nguyễn, bắt đầu từ vua Minh Mạng, việc ngự phê tấu sớ được quy định rất chi tiết, chặt chẽ, rõ ràng trong các bộ sử, như: Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam thực lục.
 
Nguyên tắc và thủ tục sao lục của việc phê duyệt văn bản dưới triều Nguyễn có sự thay đổi theo từng đời vua, nhưng về cơ bản vẫn có những nét chung. Khi vua “ngự lãm” sẽ căn cứ theo phiếu nghĩ của nội các hoặc các bộ dùng bút son biên ý kiến của mình lên các bản tấu, chương đó, gọi là “ngự phê” hay “châu phê”. Các phiếu tấu hoặc tập tấu, bản thảo, chiếu dụ đã qua vua ngự lãm và có “ngự phê” thì gọi là “châu bản” (bản có chữ mực đỏ).
 
Các vua nhà Nguyễn phê duyệt văn bản với 6 hình thức, gồm: Châu điểm là một nét son do nhà vua chấm lên đầu văn bản hoặc một vấn đề để thể hiện sự đồng ý. Châu phê là những chữ, một câu hoặc một đoạn văn do đích thân nhà vua viết, có thể ở đầu, ở cuối hoặc chen vào giữa các dòng trên văn bản thể hiện quan điểm hoặc cho ý kiến chỉ đạo.
 
Châu mạt là nét son nhà vua phết lên những chỗ không chấp thuận hoặc chấp thuận. Châu khuyên là vòng son được nhà vua khuyên lên điều khoản tên người hoặc vấn đề được chấp thuận. Châu sổ là nét son được gạch sổ trực tiếp lên những chỗ cần sửa chữa hoặc không được chấp thuận. Châu cải là chữ, câu, đoạn viết bên cạnh những chữ đã sổ bỏ nhằm sửa lại hoặc thể hiện quan điểm của nhà vua.
 
Nội dung châu bản cung cấp thông tin về tư tưởng chỉ đạo, quan điểm của từng vị vua qua từng giai đoạn lịch sử trong hoạt động quản lý, điều hành nhà nước, đồng thời phản ánh được tính cách, nét bút và tâm trạng của từng vị vua trong từng thời điểm.
 
Ở triều Gia Long, châu bản lưu bút tích chủ yếu về nội dung các vị thuốc của ngự y viện tấu lên, kê khai dân số của trường duyệt tuyển địa phương tấu lên. Điều này cho thấy, vua Gia Long rất quan tâm tới việc tuyển binh lính dùng trong quân đội, dù đất nước đã thống nhất.
 
Đến triều Minh Mệnh, bút phê của vua trên châu bản tập trung chỉ đạo các chính sách khuyến nông nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngoài ra, lời ngự phê cũng thể hiện những cải cách trên lĩnh vực hành chính, hoàn thiện hệ thống luật pháp và đề cao tư tưởng pháp trị, củng cố hệ thống nhà nước, giáo dục, tuyển chọn nhân tài, giữ gìn bản sắc văn hóa…
 
Qua tìm hiểu bước đầu, ngự phê của các hoàng đế triều Nguyễn đối với Quảng Bình hết sức đa dạng, phong phú về hình thức và nội dung; chủ yếu tập trung về tình hình sản xuất nông nghiệp, cống nộp lâm thổ sản về kinh thành, thời tiết, thiên tai, cầu đảo, tuyển mộ, điều phái phu thợ, sưu dịch, vận tải, thuyền bè, huy động quân lương xây dựng công trình quân sự…
 
Ngày 15/5 năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), doanh thần Quảng Bình là Lê Văn Doanh có tấu về việc cử biền binh dân phu đắp tường thành: “Chúng thần xét thấy, công việc xây dựng doanh thành đã xong. Lại nữa ngoài quách ở phía Nam và phía Bắc tiếp tục đắp lũy đất để làm tường, hào che chở bên tả, bên hữu đã được vững chắc. Duy một dải lũy cổ bắt đầu từ chân núi Đấu Mâu đến cửa Nhật Lệ tuy do sức người làm ra nhưng cũng giống như thiên tạo vậy…”. Vua Minh Mệnh đã châu phê: “Những lời bàn là đúng. Chuẩn cho thi hành như đã bàn”[1].
 
Hoặc trong bản tấu ngày 14/3 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) của Hộ lý tỉnh Trị Bình (tức Quảng Trị, Quảng Bình) là Tuần phủ quan phòng thực Bố chính sứ thần Trần Hiển Doãn, Án sát sứ tỉnh Nguyễn Huy Chuẩn về tình hình cầu mưa, vua Minh Mệnh có châu phê: “Đặc tấu triêm nhuận, kham ủy trẫm hoài. Duy tại kinh phục ngộ hàn, ư hòa cốc khủng phi toàn mĩ, phất tri nhữ hạt hữu phong hàn phủ? Thâm khủng bất đoái nhĩ, tốc dĩ văn”. Nghĩa là: Được tập tâu trình có mưa khắp nơi, lòng trẫm rất được an ủi. Duy tại kinh lại gặp đợt rét, lúa má sợ chẳng được tốt hoàn toàn, không biết ở trấn hạt của người có bị gió rét hay không? Rất e rằng không được thuận lợi vậy, hãy mau đem tình hình tâu lên[2].
 
Phần lớn châu phê của các vị vua triều Nguyễn liên quan đến Quảng Bình rất cô đọng, súc tích. Dẫu ngắn gọn về câu từ nhưng hàm chứa trong đó nhiều nội dung, ý nghĩa sâu sắc về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cũng như thái độ, cảm xúc của từng vị vua trong mỗi sự kiện, tại mỗi thời điểm nhất định.
 
Do ảnh hưởng của Nho giáo, dưới chế độ quân chủ, chữ viết luôn được đề cao trong xã hội. Thông qua chữ viết, có thể đánh giá được cốt cách, tâm tính của những người theo chữ thánh hiền. Bởi vậy, dẫu trên ngự phê châu bản chỉ là những nét chữ, câu từ ngắn gọn nhưng lại thể hiện được trình độ, năng lực, kiến thức của các vị vua. Để có được điều đó, các vị vua phải trải qua quá trình khổ luyện, rèn tâm, luyện chữ, tu dưỡng tính nết mới có thể thành tài, để sau mỗi câu chữ toát lên được thần thái, cảm xúc của bản thân.
 
Ngoài ra, ở góc độ nghệ thuật thư pháp, trên mỗi dòng châu phê thể hiện kỹ thuật điều khiển ngòi bút (vận bút) và chương pháp (bố cục) rõ ràng, mạch lạc. Là những yếu tố cơ bản hình thành nên nghệ thuật thư pháp, vốn được đề cao trong nhận thức thẩm mỹ dưới chế độ phong kiến. Đấy chính là nơi lưu giữ sinh động, minh chứng cho nét bút, tâm hồn, cốt cách, sự khoáng đạt của mỗi vị hoàng đế.
 
Dưới góc độ thư pháp, theo TS. Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì “không chú tâm thể hiện chữ viết của mình theo chủ đích là những bức thư pháp, nhưng những dòng châu phê của các hoàng đế, đặc biệt là các dòng châu phê của vua Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Khải Định đã thể hiện một kỹ thuật vận bút điêu luyện, đạt đến trình độ thẩm mỹ rất cao”[3].
 
Vượt qua trầm tích thời gian, những “lời vàng, ý ngọc” trong Châu bản triều Nguyễn trên các lĩnh vực, địa phương nói chung, về Quảng Bình nói riêng hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Đó chính là dấu ấn vàng son một thuở về lịch sử xây dựng nền hành chính triều Nguyễn.
 
                                                                                   Khánh Linh
 
 
[1] Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 1, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2010, tr.985.
 
[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Ngự phê trên châu bản triều Nguyễn 1802-1945, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội, 2015, tr.72.
 
[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới”, Hà Nội, 12/2021, tr.229.

tin liên quan

"Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua"

(QBĐT) - Người đang yêu đếm năm tháng đi qua bằng những mùa xuân đầy hương sắc; người sẽ yêu đón tuổi đời bằng hy vọng tràn trề; kẻ yêu xong rồi ngẫm thời gian như mùa thu lá vàng hờ hững rơi...

Dưa hấu Quảng Bình phẩm vật tiến vua

(QBĐT) - Vào các dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, ngày giỗ chạp…, chúng ta thường thấy trên bàn thờ của nhiều gia đình người Việt dâng cúng tổ tiên quả dưa hấu bên cạnh nhiều loại hoa quả quý khác. Sự lựa chọn này của người dân không phải ngẫu nhiên, mà có nguồn gốc từ giá trị dinh dưỡng mát lành, từ ý nghĩa văn hóa lịch sử lâu đời, từ quan niệm truyền thống của người Việt đối với quả dưa hấu và phong tục theo đó được bền vững trao truyền thế hệ.

Đèo Đá Đẽo

(QBĐT) - Ngày xưa, trèo đèo Đá Đẽo