Lý do châu Phi vẫn tăng cường quan hệ với Nga bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây
Nhiều nước châu Phi vẫn mua vũ khí từ Nga và một số nước coi Moskva từng đóng vai trò trong cuộc đấu tranh giành độc lập của họ, trong khi các lệnh trừng phạt từ phương Tây không phải là của Liên hợp quốc.
Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 3/6, Nga tiếp tục xâm nhập khắp châu Phi, ký kết các thỏa thuận thương mại và song phương mặc dù phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
“Các biện pháp trừng phạt mà các quốc gia phương Tây áp dụng đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine nhận được rất ít sự ủng hộ ở châu Phi”, Tiến sĩ Mustafa Mheta, trưởng bộ phận châu Phi và là thành viên của Mạng đánh giá truyền thông (MRN) có trụ sở tại Johannesburg, nhận định trong một cuộc phỏng vấn.
Tuần này, Zimbabwe và Nga cam kết làm sâu sắc hơn và tăng cường quan hệ song phương trong kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban liên Chính phủ Zimbabwe-Nga (ICG) về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật được tổ chức tại thủ đô Harare.
Tờ Zimbabwe Mail đưa tin, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nga Alexander Kozlov đã đề xuất với Bộ trưởng Phát triển Mỏ và Khai khoáng Zimbabwe Winston Chitando mời công ty Nga Zarubezhgeologiya hợp tác trong lĩnh vực lập bản đồ địa chất ở Zimbabwe.
Trong khi đó vào tháng 4, Cameroon đã ký một thỏa thuận quân sự chiến lược với Nga, trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên ký thỏa thuận như vậy kể từ khi xung đột nổ ra.
“Nhiều quốc gia trên khắp châu Phi đang ký kết các thỏa thuận với Nga. Vì một lý do đơn giản là Nga, cũng như Trung Quốc, không can thiệp vào công việc nội bộ của họ, đồng thời coi họ như những đối tác bình đẳng và có chủ quyền”, Tiến sĩ Mheta lưu ý.
Thỏa thuận hợp tác quốc phòng đạt được giữa Moskva và Cameroon nhằm giúp quốc gia Trung Phi chống cướp biển và huấn luyện chống khủng bố cùng nhiều lĩnh vực khác.
“Các biện pháp trừng phạt đối với Nga không phải của Liên hợp quốc. Đó là lý do tại sao Nga và một số nước châu Phi tiếp tục ký kết các thỏa thuận"”, Dirk Kotzé, Giáo sư chính trị tại Đại học Nam Phi, nhận xét.
Về phần mình, Sultan Kakuba, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Kyambogo ở Uganda, nêu rõ nhiều quốc gia ở châu lục này mua thiết bị quân sự của họ từ Nga và một số nước vẫn ghi nhớ rằng Nga đã đóng một vai trò trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia ở châu Phi đều có lịch sử là thành viên tích cực của Phong trào Không liên kết (NAM).
Hôm 31/5, Đại diện đặc biệt của Nga về Trung Đông và Châu Phi Mikhail Bogdanov nói với hãng thông tấn Interfax rằng châu Phi luôn là một khu vực quan trọng đối với Moskva từ quan điểm về chính sách đối ngoại cũng như thương mại và hợp tác kinh tế và nhân đạo.
Ông Bogdanov cho biết nhiều người châu Phi đã học tại các trường đại học của Nga từ những năm 1950 đến 60, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga đã sát cánh cùng nhiều nước châu Phi trong cuộc đấu tranh giành độc lập và do đó đây là nền tảng cho việc củng cố mối quan hệ Nga-châu Phi.
Theo Công Thuận/Báo Tin tức
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.