Hướng về cơ sở, đồng hành cùng nông dân

  • 10:49 | Thứ Tư, 07/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với phương châm “chọn việc khó để làm, chọn nơi khó để tập trung chỉ đạo”, những năm qua, Hội Nông dân (ND) huyện Tuyên Hóa đã đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, trở thành nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
 
Các phong trào thi đua do các cấp hội phát động đã tạo sự chuyển biến tích cực, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
 
Động lực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
 
Kim Hóa là xã miền núi có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, truyền thống chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng kinh nghiệm “truyền miệng” cũ bấy lâu khiến cho ngành chăn nuôi nơi đây khó phát triển. Những năm gần đây, Hội ND xã Kim Hóa tổ chức tuyên truyền, vận động ND đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, nhiều người dân đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi khá quy mô.
 
Điển hình trong số đó có thể kể đến anh Nguyễn Văn Lảm ở thôn Kim Tân. Anh Lảm sinh năm 1993, vừa trẻ lại vừa có khát vọng làm giàu. Năm 2019, qua tìm hiểu, học hỏi các mô hình chăn nuôi dê, anh Lảm đã quyết định xây dựng chuồng trại để chăn nuôi quy mô lớn.
 
Anh cho biết: Trước đó, gia đình tôi đã có nhiều năm nuôi dê nhưng cũng chỉ nuôi vài ba con và chăn thả rông là chủ yếu. Ai cũng xem nuôi dê là nghề phụ, nên chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật. Giờ đây, mình có điều kiện tiếp cận, nắm bắt, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi hiện đại nên tôi nghĩ phải tập trung đầu tư chăn nuôi quy mô đàn lớn, chứ không thể tư duy theo kiểu “xưa bày, nay làm."
Mô hình chăn nuôi dê của anh Nguyễn Văn Lảm ở thôn Kim Tân, xã Kim Hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình chăn nuôi dê của anh Nguyễn Văn Lảm ở thôn Kim Tân, xã Kim Hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nghĩ vậy, anh Lảm quyết định đầu tư chuồng trại quy mô bài bản, với diện tích gần 1.000 mét vuông. Ban đầu, anh chỉ nuôi thử nghiệm 90 con dê các loại, như: Dê bách thảo, dê cỏ, dê lùn, dê cao nguyên…
 
Hơn 2 năm nay, đàn dê của anh luôn duy trì số lượng đàn trên 200 con. Bên cạnh nuôi dê thịt, anh còn tìm tòi, học hỏi nuôi dê sinh sản nhằm chủ động nguồn dê giống và cung cấp cho người dân trên địa bàn.
 
Để cung cấp đủ thức ăn cho đàn dê, gia đình anh cũng đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất ruộng lúa, ruộng màu và thuê thêm đất để trồng cỏ, với diện tích gần 1ha. Anh Lảm trở thành một trong những hộ chăn nuôi dê quy mô đàn lớn nhất trên địa bàn xã Kim Hóa nói riêng và huyện Tuyên Hóa nói chung.
 
“Cũng chỉ là vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và chăn nuôi theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” thôi. Bởi, với quy mô chuồng trại hiện có, đàn dê có thể phát triển, mở rộng lên từ 1.500-2.000 con. Tuy nhiên, hiện tại, do thiếu vốn và nhiều khó khăn, như: Thị trường tiêu thụ, nguồn thức ăn, nên chưa thể vội vàng phát triển đàn với số lượng lớn trong cùng một lúc được”, anh Lảm cho hay.
 
Theo Chủ tịch Hội ND xã Kim Hóa Hoàng Anh: “Sự thành công của mô hình chăn nuôi dê của anh Nguyễn Văn Lảm là minh chứng cho sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám áp dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, để phát triển kinh tế. Không chỉ mô hình chăn nuôi dê của anh Lảm, đến nay, toàn xã đã có 269 hộ đạt danh hiệu hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Những đóng góp của họ đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho hội viên ND”.
 
“Tiếp sức” cho nông dân 

Trước năm 2018, gia đình ông Nguyễn Đăng Khoa ở thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa là một trong những hộ cận nghèo. Nhưng, từ khi tham gia vào Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò lai sind Đại Sơn, xã Đồng Hóa, năm 2020, ông Khoa đã thoát nghèo.

Ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết, cuộc sống và thu nhập của những người ND ở miền núi như ông, quanh năm chỉ quẩn quanh mấy sào ruộng lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ, nên chỉ việc lo cho cái ăn, cái mặc đã khó, chứ chưa nói đến việc thoát nghèo. Năm 2016, nhận thấy phong trào nuôi bò lai sind mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông cũng đã đầu tư chăn nuôi bò. Nhưng vì không có tiền mua bò và chưa nắm được kỹ thuật chăn nuôi nên ban đầu, ông chỉ nuôi 2-3 con, chứ không dám nuôi nhiều.
 
Năm 2018, sau khi tham gia THT chăn nuôi bò lai sind, được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi bò, tư vấn kỹ thuật về phối giống cũng như cách làm thức ăn, ông Khoa được Hội ND xã tạo điều kiện kết nối vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Tuyên Hóa. 
 
Từ năm 2018 đến nay, Hội ND các cấp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với chính quyền các địa phương vận động, hướng dẫn thành lập 17 HTX, 41 THT, thành lập mới 6 chi hội nghề nghiệp, xây dựng 8 trang trại, nâng số HTX trên toàn huyện lên 36 HTX, 8 chi hội nghề nghiệp, 14 trang trại đạt tiêu chí theo quy định. Đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ ND huyện Tuyên Hóa đạt gần 9,8 tỷ đồng, với 380 lượt hộ vay và đầu tư trên 243 mô hình sản xuất, kinh doanh.
Có tiền, nắm được kỹ thuật chăn nuôi trong tay, ông mới mạnh dạn đầu tư mua thêm 3 con bò lai sind về chăn nuôi. Kể từ đó, số lượng đàn bò lai của gia đình tăng lên, có thời điểm lên đến 10 con.
 
Ông Khoa vui mừng chia sẻ: “Chăn nuôi phát triển, thì thu nhập cũng tăng lên. Năm 2020, gia đình đã thoát được hộ cận nghèo đeo đẳng nhiều năm qua”. Với kinh nghiệm thoát nghèo và là thành viên tích cực hỗ trợ các gia đình chăn nuôi trên địa bàn, giờ đây, ông Nguyễn Đăng Khoa được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng THT chăn nuôi bò lai sind Đại Sơn, với 12 hộ thành viên.
 
Chủ tịch Hội ND xã Đồng Hóa Trần Thị Nhung cho biết: “THT chăn nuôi bò lai sind Đại Sơn là một trong những tổ, hội nghề nghiệp tiêu biểu trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã Đồng Hóa. Sau gần 5 năm thành lập, THT đã xây dựng được nguồn vốn quỹ hội 180 triệu đồng để giúp nhau mở rộng quy mô chăn nuôi. Ban đầu, khi mới thành lập, THT có quá nửa hộ thành viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng đến nay tất cả các hộ này đều đã thoát nghèo. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay, Hội ND xã đã thành lập được 4 tổ, hội nghề nghiệp. Tham gia các tổ chức này, hội viên ND không chỉ có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, mà còn có cơ hội tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất”.
 
Theo Chủ tịch Hội ND huyện Tuyên Hóa Trương Tư Thoan, phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thời gian qua đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn huyện, trở thành động lực quan trọng góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm cho người dân.
Những năm gần đây, nông dân Tuyên Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây ăn quả có múi vào sản xuất, phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, nông dân Tuyên Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây ăn quả có múi vào sản xuất, phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp.
Từ phong trào xuất hiện nhiều ND dám nghĩ, dám làm và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất, mạnh dạn đưa các loại cây, con mới vào sản xuất, phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhiều mô hình kinh tế tập thể, trang trại, gia trại được tổ chức, hình thành các THT, hợp tác xã (HTX) kiểu mới.
 
Hiện, toàn huyện Tuyên Hóa có gần 4.400 hộ đạt danh hiệu ND sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (tăng 12,6% so nhiệm kỳ trước). Nhiều hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi thực sự trở thành hạt nhân đoàn kết và là nhân tố hòa giải có uy tín trong cộng đồng.
 
“Đặc biệt, để hỗ trợ cho hội viên ND bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, từ quý III/2021 đến quý II/2022, Ban Thường vụ Hội ND huyện đã giảm 10% phí vay vốn Quỹ Hỗ trợ ND cho tất cả các dự án vay. Cùng với đó, Hội ND huyện cũng đã phối hợp với PGD NHCSXH huyện triển khai hiệu quả các chương trình cho vay giải quyết việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo. Chỉ tính riêng PGD NHCSXH huyện, tổng dư nợ đã đạt hơn 302 tỷ đồng, với hơn 4.800 hội viên vay vốn. Đây là nguồn động lực giúp hội viên ND có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”, Chủ tịch Hội ND huyện Tuyên Hóa Trương Tư Thoan cho hay.
Dương Công Hợp
 
 
 

 

tin liên quan

Tin dùng hàng Việt

(QBĐT) - Qua khảo sát của Sở Công thương về thị trường nội địa, hàng Việt Nam hiện chiếm trên 80% tại các chợ, siêu thị, quầy bách hóa tổng hợp, doanh nghiệp (DN) đầu mối trên địa bàn toàn tỉnh và hơn 90% người tiêu dùng đã tin dùng hàng Việt Nam.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, thương mại và dịch vụ

(QBĐT) - Đó là nội dung hội nghị tập huấn do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương tổ chức chiều nay, 6/6.
 

Tiên phong đưa cây tre lục trúc về vùng gò đồi Bố Trạch

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Bố Trạch đã mạnh dạn đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất và đã mang lại hiệu quả. Điển hình là mô hình trồng tre lục trúc lấy măng của chị Lê Thị Lan Hương ở thôn Bàng, xã Hòa Trạch.