Giấc mơ trầm hương khó thành hiện thực?

  • 13:46 | Thứ Sáu, 04/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hàng trăm hộ nông dân ở xã Trường Thủy (Lệ Thủy) chạy theo phong trào trồng cây dó bầu tạo trầm hương với hy vọng thu tiền tỷ sau nhiều năm trồng và chăm sóc. Bỏ công sức, tiền bạc để nuôi giấc mộng thành tỷ phú trầm hương nhưng nhiều người đã vỡ mộng...
 
Nhiều người ôm mộng tỷ phú
 
Theo những người từng đi trầm thì trầm hương và kỳ nam được hình thành từ lõi của cây dó bầu, có giá trị từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng một kg. Vài chục năm trước, câu chuyện về những người đi tìm trầm bỗng chốc giàu có vì tìm được trầm lan truyền khắp nơi đã mê hoặc không biết bao nhiêu người và họ quyết vào rừng sâu tìm trầm với hy vọng đổi đời.
 
Ông Hồ Văn Sơn (sinh năm 1966), thôn Văn Thủy, xã Trường Thủy là một trong những trai tráng từng ôm mộng đổi đời từ trầm hương. Ông Sơn kể: "Khoảng năm 1986, phong trào đi tìm trầm của người dân nơi đây rất rầm rộ. 17 tuổi là tôi đã biết theo người lớn đi vào rừng tìm trầm, mỗi lần đi rừng cả tháng ròng mới tìm được một vài cây dó bầu có trầm, song số lượng rất ít. Nghe có người trúng kỳ nam, bán ra được tiền tỷ nên ai cũng nuôi hy vọng. Khoảng năm 1992, trầm bắt đầu khan hiếm, những thợ tìm trầm phải lặn lội qua các dãy núi tận bên nước bạn Lào nhưng rủi ro luôn rình rập, thậm chí có thể mất mạng do nhiều nguyên nhân như: Sốt rét, lũ quét, bị cướp… Từ đó, người đi tìm trầm ít lại. Đi vài chuyến nhưng không có nên nhóm chúng tôi cũng giải nghệ''.
 
Sau này, khi những chuyến đi tìm trầm thất bại, có thông tin trồng cây dó bầu sau 10 năm nếu kích a-xít hoặc chế phẩm sinh học vào thì sẽ có thể tạo ra trầm. Cùng với những lời quảng cáo, hứa hẹn của các công ty bán giống, gia đình ông Sơn đã bỏ công sức, tiền bạc trồng hơn 200 gốc dó bầu với hy vọng sẽ có vài cây tạo ra trầm hương có giá trị.
 
Chưa từng đi tìm trầm hương nhưng ông Nguyễn Văn Quý, thôn Giang Sơn, xã Trường Thủy cũng có giấc mơ tỷ phú trầm hương. Năm 1986, sau khi xuất ngũ về quê, ông xin vào làm công nhân tại Nông trường Đại Giang. Năm 1993, nông trường giải thể, ông mua lại một ít đất trồng tiêu của nông trường để trồng các loại cây có giá trị, trong đó có hơn 500 cây dó bầu. Ông Quý nhẩm tính, 10 năm sau, mỗi gốc chỉ cần bán ra với giá 5 triệu cũng đã thu về cho gia đình tiền tỷ.
 
Hiện, trên địa bàn xã Trường Thủy có hơn 20ha cây dó bầu, trong đó có nhiều vườn hơn 15 năm chưa được khai thác.
 
Giấc mộng có thành?
 
Tại xã Trường Thủy, gia đình ông Nguyễn Văn Quý là một trong những hộ dân trồng cây dó bầu sớm nhất, nay vườn dó bầu của ông khoảng 22 năm tuổi, cây lớn nhất có đường kính khoảng 40-50cm. 
Vườn dó bầu của ông Nguyễn Văn Quý hơn 22 năm mới có người hỏi mua nhưng giá cả không được như mong đợi.
Vườn dó bầu của ông Nguyễn Văn Quý hơn 22 năm mới có người hỏi mua nhưng giá cả không được như mong đợi.
Ông Quý cho biết: "Vật lộn hơn 20 năm chăm sóc, nay cây đã lớn nhưng không có ai đến hỏi mua. 5 năm trước, có nhóm người tới kích thuốc sinh học để tạo trầm, nếu thành công thì chia tỷ lệ 6:4 (chủ nhà 6, nhóm tạo trầm 4) nhưng hết hạn hợp đồng rồi cũng không thấy họ quay lại. Thời gian gần đây, tôi có bán 100 gốc cho một HTX làm trầm hương trên địa bàn với giá 1,2 triệu đồng/cây để họ cấy trầm chứ cây to lớn mà không cấy thuốc tạo trầm thì gỗ loại cây này xốp, không có lõi, giá trị sử dụng thấp."
 
Còn với vườn dó bầu của anh Hồ Văn Sơn thì lại khác. Năm 2003, anh bắt đầu trồng, năm 2017, khi cây đã cao lớn, có đoàn cấy trầm từ Quảng Trị đến chào mời, ký hợp đồng cấy axit lên thân cây, sau 3 năm khi cây có trầm thì sẽ chia đều theo tỷ lệ 7:3 (chủ vườn 7, người tạo trầm 3). Tuy nhiên, sau khi cấy a-xít 2 năm, cây dó bầu dần dần thối ruột rồi chết. Giờ đây, cả vườn dó bầu chỉ còn lại 20 cây sống lay lắt, đang chờ chết. Bao nhiêu tiền bạc, công sức đổ dồn vào "vườn cây bạc tỷ”, giờ coi như mất trắng.
 
Không chỉ gia đình ông Sơn, nhiều gia đình trồng dó bầu trên địa bàn xã Trường Thủy cũng gặp trường hợp tương tự. Theo thống kê của xã Trường Thủy thì có khoảng 5ha dó bầu của người dân bị chết do kích thuốc tạo trầm quá đà hoặc làm không đúng cách.
 
Anh Châu Ngọc Hải, người chuyên về cấy thuốc sinh học tạo trầm trên cây dó bầu ở Trường Thủy cho biết: Các vườn dó bầu bị chết sau kích a-xít là do mũi khoan quá lớn, mật độ khoan dày, lượng a-xít quá nhiều nên cây bị thương nặng, không thể phục hồi. Một số hộ còn dùng cuốc, dao chặt vào thân cây rồi cấy a-xít hoặc bóc vỏ để cấy a-xít cũng sẽ không hiệu quả. Nếu muốn tạo trầm thì mình phải cấy thuốc sinh học, vừa tạo trầm vừa dưỡng thương để cây phát triển. 
Do kích thuốc quá đà nên nhiều vườn dó bầu của người dân bị chết hàng loạt, trắng tay sau nhiều năm chăm sóc.
Do kích thuốc quá đà nên nhiều vườn dó bầu của người dân bị chết hàng loạt, trắng tay sau nhiều năm chăm sóc.
Theo ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, cây dó bầu được người dân trồng tự phát tại địa phương từ nhiều năm trước. Qua thực tế cho thấy, từ trước đến nay, chưa người nào trồng dó bầu tạo được trầm hương hay kỳ nam bán ra với số tiền lớn. Ngoài một số hộ dân do dùng các biện pháp “quá đà” để tạo trầm làm cho cây chết thì hiện nay vẫn còn nhiều diện tích chưa khai thác, nếu biết cách tạo trầm thì cây dó bầu vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng để trở thành tỷ phú như lời đồn thì không có.
 
Thời gian tới, xã Trường Thủy sẽ phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để người dân ứng dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Cùng với đó, xã tranh thủ các chương trình, dự án cấp cây, con giống mới, có năng suất, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng cho người dân; tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nhân rộng cây dó bầu khi không bảo đảm đầu ra...
 
Sau thất bại, những người trồng dó bầu ở xã Trường Thủy mới hiểu ra rằng không dễ tạo trầm từ cây dó bầu như lời đồn và quảng cáo, kích thuốc tạo ra trầm chỉ là loại kém chất lượng, bán không được bao nhiêu. Dó bầu tự nhiên trong rừng có khi trăm năm mới cho trầm ở cây bị thương tích, ngã đổ và hàng trăm ngàn cây mới có một cây cho trầm, hàng triệu cây mới có kỳ nam.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách

(QBĐT) - Năm 2021, nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội (CSXH), nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp. Nhờ đó, nhiều hộ đã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh để phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng.

"Khoác áo mới", đón đầu làn sóng du lịch

(QBĐT) - Suốt 2 năm "đóng băng" vì dịch Covid-19, mở cửa đón khách quốc tế là cơ hội để du lịch Quảng Bình nhanh chóng phục hồi và phát triển. Không đi lại trên lối mòn cũ, nhiều doanh nghiệp du lịch tích cực thay đổi, sáng tạo và làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có. "Khoác áo mới" cho du lịch chính là sẵn sàng đón đầu các làn sóng du lịch phía trước.

Khi cây lúa… thực hiện SRI

(QBĐT) - Mấy năm trở lại đây, việc thực hiện kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã được triển khai trên diện rộng, đưa lại hiệu quả cao hơn về năng suất, sản lượng so với kỹ thuật canh tác lúa truyền thống. Nhưng, việc áp dụng kỹ thuật này vẫn còn những khó khăn, trở ngại bởi thói quen canh tác lúa truyền thống của người dân và chất lượng các giống lúa đang áp dụng chưa được thay thế…