Cho rừng xanh trở lại

  • 15:16 | Thứ Sáu, 04/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian trước đây, tình trạng khai thác gỗ rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn TP. Đồng Hới đã làm cho diện tích rừng phòng hộ ngày càng nghèo kiệt. Trước thực trạng này, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) TP. Đồng Hới đã tập trung trồng rừng thay thế (RTT) bằng các loài cây bản địa. Đến nay, rừng cây này đã phát triển xanh tốt, giúp cho rừng nâng cao khả năng phòng hộ, tái sinh, phục hồi, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…
 
Mới đây, chúng tôi đã có dịp theo cán bộ BQLRPH TP. Đồng Hới vào thăm khu rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Phú Vinh. Nơi đây có trên 3.100ha rừng phân bố trên địa bàn̉ xã Thuận Đức và phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới), trong đó, có 216ha rừng cây bản địa, gồm: Lim xanh, dổi, huỵnh từ 1-5 tuổi đang phát triển xanh tốt. Từ Quốc lộ 9E đoạn qua thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch), chúng tôi phải đi xe máy và cuốc bộ gần 1 giờ đồng hồ, đi qua hàng chục ngọn đồi, khe suối mới đến vị trí trồng rừng.
 
Trước năm 2007, khu rừng này do Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại quản lý. Sau quá trình khai thác và sản xuất, đơn vị đã bàn giao lại cho BQLRPH TP. Đồng Hới quản lý, bảo vệ.
 
Ông Đinh Thanh Quang, Giám đốc BQLRPH TP. Đồng Hới kể lại: “Ngày đơn vị tiếp nhận, khu rừng này đã rất nghèo kiệt, trong đó chủ yếu là đất trống đồi trọc và cây bụi cùng một số cây rừng bản địa nhỏ. Nếu không bảo vệ, tái tạo kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, nhất là việc cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt và điều tiết lũ trên địa bàn gặp nhiều khó khăn”.
 
Hàng năm, BQLRPH TP. Đồng Hới rà soát quỹ đất để đăng ký kế hoạch trồng RTT. Trong quá trình khảo sát, đơn vị đã phát hiện vùng đất phòng hộ đầu nguồn hồ Phú Vinh có nhiều cây bản địa như: Lim xanh, dổi, huỵnh… Trong phương án được lập trình UBND tỉnh, đơn vị cũng đã tập trung vào những nơi đất trống đồi trọc, có diện tích trồng cây ít nhất 0,3ha. Từ kết quả rà soát, đăng ký đó, UBND tỉnh đã giao kế hoạch trồng RTT trên đất rừng phòng hộ và đơn vị tiến hành thiết kế, dự toán ngân sách… sau đó triển khai thực hiện. 
Công tác tuyên truyền bảo vệ rừng được BQLRPH TP. Đồng Hới chú trọng.
Công tác tuyên truyền bảo vệ rừng được BQLRPH TP. Đồng Hới chú trọng.
Năm 2016, BQLRPH TP. Đồng Hới bắt đầu triển khai trồng RTT. Công tác trồng rừng cũng khác xa so với trồng rừng kinh tế. Đầu tiên, đơn vị cho nhân viên và thuê người dân vào phát luống tại những vị trí đã khảo sát rồi thuê máy múc tạo một con đường để vừa làm đường băng cản lửa, vừa cho xe tải chở giống vào. Trong năm đầu tiên, đơn vị tập trung trồng keo hai bên luống để tạo bóng, hỗ trợ cho các cây bản địa. Khi cây keo được một năm tuổi, phát triển tốt thì bắt đầu trồng các cây bản địa. Trong năm 2017, đơn vị đã trồng được 15ha cây dổi và đến nay đã trồng được 216ha RTT bằng cây bản địa, gồm: Dổi, lim xanh, huỵnh. Giống cây được đem trồng cũng do đơn vị tự mua hạt về ươm.
 
Vào thăm khu RTT bằng cây bản địa tại các khoảnh 1,2,3 ngoài tiểu khu 2, xã Thuận Đức dọc khe Chuối, chúng tôi phải vượt qua hàng chục con đèo, con suối. Hai bên đường mòn, những cây keo trồng tạo tán đã mọc lên cao vút, có những cây có đường kính gốc từ 30-40cm. Dưới tán keo là những hàng lim xanh, dổi, huỵnh đang vươn mình tỏa bóng. Có nhiều cây 5 tuổi đã có đường kính gốc gần 10cm, vươn cao 4-5m. Trong rừng, tre, nứa, giang và nhiều cây bản địa khác cũng phát triển xanh tốt.
 
Ông Đinh Thanh Quang chia sẻ: “Trong quá trình trồng cây bản địa, chúng tôi cũng đã chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ nên những cây rừng tự nhiên trước đó mới phát triển được như ngày hôm nay. Những cây dẻ, ngát to thế mà không bảo vệ tốt thì lâm tặc chặt phá hết rồi”.
 
Anh Đặng Văn Khánh, cán bộ kỹ thuật của BQLRPH Đồng Hới cho hay: “Để RTT bằng cây bản địa phát triển tốt cần phải được chăm sóc 5 năm và bảo vệ lâu dài. Do vậy, sau khi trồng một thời gian, chúng tôi phải đi kiểm tra thật kỹ, nếu cây nào chết thì phải trồng lại ngay. Qua một năm, đơn vị phải huy động lực lượng, thuê thêm người dân vào vun xới gốc, dọn thực bì xung quanh để cây phát triển. Công việc này được làm ít nhất mỗi năm 2 lần và kéo dài 3 năm. Khi cây phát triển ổn định, cạnh tranh được chất dinh dưỡng, ánh sáng với những cây xung quanh thì không phải vun gốc nữa mà chỉ phát thực bì. Nhờ được trồng, chăm sóc, bảo vệ tốt nên tỷ lệ cây sống và phát triển đạt trên 90%”.
 
Khi rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Phú Vinh xanh trở lại, công tác bảo vệ cũng gặp không ít khó khăn, vất vả so với việc trồng và chăm sóc. Bởi rừng do đơn vị quản lý gần các khu dân cư nên việc người dân vào rừng, chăn thả gia súc diễn ra thường xuyên.
 
Anh Hoàng Văn Nam, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 1 thuộc BQLRPH TP. Đồng Hới chia sẻ: “Để bảo vệ rừng phòng hộ, hàng ngày, chúng tôi phải tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát toàn bộ khu rừng, trong đó tập trung những nơi có diện tích RTT bằng cây bản địa. Ngoài ra, đơn vị còn làm hàng rào, đào hào để gia súc không thể vào rừng; đặt các biển báo cấm lửa, cấm thả gia súc và phá rừng trái phép để tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Về mùa nắng nóng, trạm cắt cử lực lượng thường xuyên vào rừng, thậm chí ngủ lại để canh lửa, nhắc nhở người dân không dùng lửa trong rừng”.
 
Ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đánh giá: “Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả song cán bộ, nhân viên BQLRPH TP. Đồng Hới đã có nhiều nỗ lực, nhất là trong công tác bảo vệ, phát triển, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Phú Vinh. Qua đó, góp phần giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, hạn chế tình trạng sạt lở, cải thiện môi trường, bảo đảm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, điều tiết lũ trên địa bàn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương…".
 
Từ năm 2016 đến nay, với số tiền 52 tỷ đồng từ Quỹ Bảo vệ phát triển rừng, Quảng Bình đã trồng thêm 773ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng bằng các cây bản địa gồm: Dổi, huỵnh, lim xanh, lát hoa, dẻ. Trước năm 2020, mỗi ha rừng trồng, chăm sóc được hỗ trợ 42 triệu đồng. Từ năm 2020 đến nay, mỗi ha được hỗ trợ 92 triệu đồng. Việc trồng RTT góp phần đưa diện tích rừng cây bản địa toàn tỉnh đạt trên 2.270ha.
 
Xuân Vương

tin liên quan

Phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách

(QBĐT) - Năm 2021, nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội (CSXH), nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp. Nhờ đó, nhiều hộ đã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh để phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng.

"Khoác áo mới", đón đầu làn sóng du lịch

(QBĐT) - Suốt 2 năm "đóng băng" vì dịch Covid-19, mở cửa đón khách quốc tế là cơ hội để du lịch Quảng Bình nhanh chóng phục hồi và phát triển. Không đi lại trên lối mòn cũ, nhiều doanh nghiệp du lịch tích cực thay đổi, sáng tạo và làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có. "Khoác áo mới" cho du lịch chính là sẵn sàng đón đầu các làn sóng du lịch phía trước.

Khi cây lúa… thực hiện SRI

(QBĐT) - Mấy năm trở lại đây, việc thực hiện kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã được triển khai trên diện rộng, đưa lại hiệu quả cao hơn về năng suất, sản lượng so với kỹ thuật canh tác lúa truyền thống. Nhưng, việc áp dụng kỹ thuật này vẫn còn những khó khăn, trở ngại bởi thói quen canh tác lúa truyền thống của người dân và chất lượng các giống lúa đang áp dụng chưa được thay thế…