Quảng Trạch: Thúc đẩy nông nghiệp phát triển
(QBĐT) - Để góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, những năm qua, huyện Quảng Trạch luôn quan tâm ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) vào lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, tạo ra được nông sản có năng suất, chất lượng tốt, để người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm tốt, sạch với giá cả phù hợp...
Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Trạch cho biết: Từ năm 2016 đến nay, với sự quan tâm hỗ trợ của Sở KH-CN, huyện đã triển khai thực hiện hàng chục nhiệm vụ KH-CN, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên triển khai nhiều nhất.
Điển hình là mô hình trồng hoa cúc tại xã Quảng Đông, Quảng Lưu; nuôi cá dìa thương phẩm trong ao; chăn nuôi gà rừng; sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi gà; nghiên cứu khả năng sinh trưởng và phát triển giống gà ác… Các mô hình đã giúp người dân xem xét lựa chọn những đối tượng mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, góp phần vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Ngoài ra, trước đây trên địa bàn huyện Quảng Trạch có một số mô hình phát huy hiệu quả, như mô hình trồng hồ tiêu trên vùng đất gò đồi tại xã Quảng Lưu đã giúp người dân nắm thêm kỹ thuật trồng và chăm sóc, hạn chế rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.
Mô hình thử nghiệm một số chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu trong thời kỳ thu hoạch đã tạo chuyển biến trong nhận thức của người trồng tiêu khi chuyển từ thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang sử dụng những chế phẩm sinh học hữu cơ, chống sâu bệnh, vừa giúp cây tiêu mạnh khỏe, tăng sức đề kháng, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Trao đổi cùng phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu Nguyễn Hoa Lý cho hay: Khi người dân áp dụng kỹ thuật vào canh tác giống hoa cúc trên cùng đơn vị diện tích, thời gian và công sức đổ ra, có thể thu lợi từ trồng hoa cao gấp trên 3 lần so với trồng lúa và các loại rau, hoa màu khác, như sắn, khoai…
Hiện, toàn xã có khoảng trên 30 hộ trồng hoa với diện tích 3ha, trong đó chủ yếu là tận dụng đất vườn. Đến giữa cuối tháng 10, khi bắt đầu bước vào vụ hoa đông-xuân, người dân lại tất bật làm đất và gieo giống. Để nâng cao năng suất, chất lượng, các hộ trồng hoa áp dụng công nghệ vào sản xuất, như: Sử dụng đèn điện chiếu, bạt lưới che, các loại thuốc sinh học để phòng trừ các loại sâu bệnh và chăm bón cho hoa phát triển đúng thời gian, đạt tiến độ, đáp ứng tình hình thực tế "cung-cầu”.
Điển hình như hộ ông Điền Văn Hải, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm 10A, thôn Phù Lưu, xã Quảng Lưu, tận dụng đất vườn 200m2 để trồng hoa cúc (giống Đà Lạt) vì dễ tiêu thụ lại được giá. Ông Hải cho biết, tại thôn Phù Lưu, bà con đang làm đất, chuẩn bị xuống giống hoa cúc cho vụ đông-xuân để kịp thời phục vụ Tết Nguyên đán. Cứ mỗi nhà khoảng 300-500m2 đất trồng hoa, sau gần 90 ngày chăm bón, với phương thức tiêu thụ nhỏ lẻ, người dân cũng thu được trên 30 triệu đồng, chưa kể ngày lễ, Tết, giá hoa cúc có phần nhích cao lên. Nếu có mối nhập bán sỉ, bà con trong thôn sẽ đầu tư mở rộng thêm, nâng cao thu nhập và đời sống.
Mô hình “trồng thử nghiệm cây chanh tứ quý trên đất thịt nhẹ tại xã Quảng Xuân huyện Quảng Trạch” cũng đã mở ra hướng phát triển mới, tạo thêm sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng và du lịch.
“Trên diện tích 5.000m2 tại xã Quảng Xuân, Công ty TNHH SXTM và DV Thanh Sơn đã tiến hành các bước cơ bản và trồng 667 cây chanh tứ quý, đồng thời sử dụng các loại phân bón và vật tư nông nghiệp, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây. Với điều kiện tự nhiên, cây chanh sống đạt tỷ lệ 99%, sinh trưởng phát triển tốt. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã chuẩn bị thêm gần 100 cây giống thử nghiệm trồng rải rác ở các hộ dân trên địa bàn, kết quả cho thấy khả quan, chanh bốn mùa ra trĩu quả”, ông Nguyễn Đại Phong, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch, chủ nhiệm đề tài, chia sẻ.
“Có thể nói với tiềm năng về đất đai, sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt là sự giúp đỡ của Sở KH-CN, người dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao và đầu tư kinh phí, công sức ban đầu vào sản xuất, hiệu quả sẽ tăng lên đáng kể. Từ đó, thu nhập ngày càng cao, lại giảm sức lao động lâu dài, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định trao đổi thêm.
Hương Trà
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.