Đồn ở cuối con đường
(QBĐT) - Đã rất nhiều lần đi đến cuối con đường này-Đường 20 Quyết Thắng, nhưng cảm xúc thì vẫn vẹn nguyên như lần đầu tiên. Có sự thiêng liêng khi chạm đến miền đất biên cương Tổ quốc. Có cái man mác bâng khuâng khi ngước nhìn vòm mây trắng đang sà xuống thật gần. Nhà báo Ngô Thanh Long còn thực sự xúc động bởi sự hiện hữu của những lá cờ dưới mái nhà sàn, bên sườn núi, dọc con đường nho nhỏ. Hình như cái màu đỏ của lá cờ Tổ quốc trở nên lung linh hơn bất cứ nơi đâu khi được cắm lên trên từng tấc đất biên cương xanh thắm. Long nói rằng: “Lá cờ ở đâu là Tổ quốc mình đang ở đó. Trái tim em đập mạnh khi thấy hình ảnh này. Bất cứ lúc nào!” Và rất đỗi thân thương, tin cậy khi đứng bên người lính Biên phòng.
Đồn Biên phòng Cà Roòng-Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình đóng quân ở cuối con đường, trên địa bàn xã Thượng Trạch (Bố Trạch). Đồn có nhiệm vụ bảo vệ 27km đường biên, 9 cột mốc, 1 cột dấu và quản lý 10 bản làng dọc tuyến biên giới Việt Nam-Lào.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, trong bối cảnh hoạt động của các loại tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, như: Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, buôn bán, vận chuyển vũ khí, chất nổ qua biên giới... đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ của đồn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và kiên định, có kiến thức và năng lực toàn diện, năng động và sáng tạo trong quá trình hành động.
Trung tá Võ Đình Thuần, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Roòng cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và sức chiến đấu của đơn vị. Đồn chú trọng làm tốt công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng và định hướng tư tưởng cho 100% cán bộ chiến sĩ, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, chấp hành nghiêm kỷ luật đơn vị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cán bộ, chiến sĩ coi việc hưởng ứng các cuộc vận động của lực lượng BĐBP "Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm"; "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" là hoạt động thường xuyên nhằm tu dưỡng rèn luyện đạo đức, bản lĩnh của người lính.
Trên địa bàn Đồn Biên phòng Cà Roòng phụ trách có 10 bản với đa số là đồng bào tộc người Ma Coong. Xác định người dân sinh sống trong khu vực biên giới là điểm tựa, là phên dậu vững bền của đất nước, đồn đã đặc biệt chú trọng xây dựng phòng tuyến biên phòng toàn dân. Để biên giới quốc gia ngày càng bền vững, Đảng, Nhà nước, BĐBP và các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội luôn có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao dân trí nhưng vẫn còn đó rất nhiều việc cần phải làm do điều kiện sống của đồng bào còn quá nhiều khó khăn, lạc hậu.
Trung tá Nguyễn Chí Thanh, Chính trị viên của đồn nói rằng: “Nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức cho đồng bào là một con đường rất dài và gian nan, đòi hỏi người lính Biên phòng phải kiên trì, chịu khó và phải coi đồng bào là anh em ruột thịt thì mới tiếp cận và gần gũi với đồng bào được…”. Vậy nên, nhiều năm qua những người lính của Đồn Biên phòng Cà Roòng đã "ba bám, bốn cùng" để xóa bỏ những tập tục, thói quen sinh sống lạc hậu đã ăn sâu bén rễ trong đời sống đồng bào. Bước chân người lính đêm ngày không mỏi, sau những chuyến tuần tra đường biên cột mốc họ lại về với nhân dân.
Không cứ gì phải tổ chức ghế bàn, bảng biển, họ đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng nói của đồng bào để rút ngắn con đường đồng bào đến với cuộc sống mới. Năm 2022, đồn đã tổ chức tuyên truyền tập trung và riêng lẻ 62 buổi với hơn 1.400 lượt người tham gia, duy trì hiệu quả 4 tổ tự quản đường biên, cột mốc với 49 hộ, 117 cá nhân tham gia. Đường biên giới dài, địa bàn quản lý rộng lại phức tạp, trong lúc đó lực lượng quân số mỏng, nên những buổi tuyên truyền vận động, các tổ tự quản như thế này đóng vai trò vô cùng quan trọng và nhất định không thể thiếu đối với BĐBP.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, để bảo vệ bình yên chủ quyền biên giới, Đồn Biên phòng Cà Roòng đã đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ, "đóng nhiều vai" trong sắc áo biên phòng. Họ là thầy giáo, là bác sĩ, là cán bộ nông nghiệp, là thợ sửa chữa lắp đặt điện, là cán bộ tư vấn hạnh phúc gia đình hay cán bộ hòa giải xung đột cá nhân… Gần như mọi điều đồng bào gặp khó đều tìm đến bộ đội với niềm tin tuyệt đối.
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cà Roòng đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét tại những bản làng họ tham gia quản lý, bảo vệ. Nổi bật là việc tập trung giúp đỡ đồng bào dân tộc sinh sống tại 10 bản đồn phụ trách phát triển kinh tế, ổn định đời sống, được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các cấp, các ngành, chính quyền huyện Bố Trạch, xã Thượng Trạch và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao hay các công trình, như: “Ánh sáng vùng viên”, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã tự lắp đặt gần 200 bộ cột đèn năng lượng mặt trời tại 10 bản với chiều dài gần 5km, xây dựng 2 công trình nước sạch cho đồng bào tại bản Cờ Đỏ và bản Tuộc, làm mới 2 cổng chào tại 2 bản. Kinh phí cho các hoạt động trên lên đến hơn 600 triệu đồng đều do đồn tự đứng ra kêu gọi, huy động từ các tổ chức và nhà hảo tâm.
Hình ảnh người lính Biên phòng càng trở nên gần gũi hơn trong đời sống dân bản kể từ khi có chủ trương giới thiệu BĐBP về sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở. Năm 2022, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng về bám bản đã tham gia hướng dẫn và dìu dắt 4 quần chúng là đồng bào dân tộc vào Đảng tại bản Troi, Tuộc, bản 61 và bản 51. Các anh cũng đã trực tiếp tham gia, tham mưu cho địa phương tổ chức thành công tốt đẹp Đại hội các chi bộ bản nhiệm kỳ 2022-2025. 9/9 cán bộ, chiến sĩ về tham gia sinh hoạt tại chi bộ bản được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ với số phiếu tín nhiệm cao.
Trên mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Thượng Trạch đều có sự tham gia của BĐBP. Đời sống dân bản và diện mạo vùng biên giới ngày càng khởi sắc bằng những hoạt động cụ thể thiết thực. Từ chương trình “ Xuân biên phòng-Ấm lòng dân bản” mang Tết đến với đồng bào Ma Coong đến việc duy trì hiệu quả chương trình “Nâng bước em đến trường-Con nuôi của đồn biên phòng” hay chương trình quân dân y kết hợp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân trên tuyến biên giới do đồn chủ trì thực hiện và huy động kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng đã tạo dấu ấn sâu sắc trong đời sống tình cảm của nhân dân.
Bộ đội không chỉ bảo vệ bình yên biên giới, mà còn giúp đồng bào biết chăn nuôi, trồng trọt, bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng bản làng văn hóa, còn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã tình nguyện bước vào đội hình chung, cùng BĐBP bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh phía Tây của Tổ quốc. Và như thế, trong mỗi đội hình tuần tra biên giới cột mốc của đồn có thêm một vị trí đồng hành không thể thiếu-vị trí của nhân dân.
Đúng như lời Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu: “BĐBP giúp đồng bào phát triển đời sống thì đồng bào giúp bộ đội bảo vệ biên giới. Yêu thương nhau thì không việc gì là không làm được cả! Có bộ đội, có dân bản thì biên giới chỉ có thể là bình yên thôi!”
Trương Thu Hiền
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.