Người "tạc hồn" cho gỗ

  • 08:03 | Thứ Năm, 15/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tưởng chừng những gốc cây, thân cây xù xì, thô ráp chỉ là thứ vô tri, vô giác, nhưng qua bàn tay chế tác tài hoa của nghệ nhân Trần Văn Sáu, chúng đã biến thành tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
 
Chúng tôi đến thăm cơ sở chế biến hàng gỗ mỹ nghệ tại tư gia anh Trần Văn Sáu (SN 1965, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới) khi tiết trời đã chuyển sang thu. Từ xa đã nghe tiếng máy cưa, máy mài khuấy động cả một góc vườn. Thay vội bộ đồ bảo hộ lao động, anh tiếp chúng tôi bên bộ bàn gỗ lũa trai mà tự tay anh chế tác.
 
Hóa thân cho nu, lũa gỗ
 
Anh cho biết, từ thuở thanh niên, anh đã rất đam mê thú chơi sinh vật cảnh. Khi đang còn làm công nhân ở Xí nghiệp đông lạnh Đồng Hới, anh đã tìm đến thú chơi bon sai. Như một sự tình cờ năm 2011, anh bắt đầu chuyển qua chơi, chế tác nu, lũa gỗ rồi bén duyên và gắn bó cho đến tận bây giờ.
 
Nhìn qua mỗi tác phẩm nu gỗ mà anh đang trưng bày, có thể thấy được nu là phần u, cục, sần sùi như da cóc, hình dáng quái dị bao bọc quanh thân cây. Nu được hình thành từ thân cây bị mối mọi đục, côn trùng cắn, cây bị bệnh, bị thương do thiên tai hay tác động yếu tố ngoại cảnh. Cây càng lâu năm thì phần u cục này càng lớn, càng có giá trị.
 
Con người không tạo ra nu bằng cách tác động vào thân cây mà phải là quá trình hình thành tự nhiên. Nu gỗ tuy bề ngoài sần sùi, xấu xí nhưng bên trong lại rất cứng, vân uốn lượn rất đẹp, màu sắc đa dạng. Nu gỗ được hình thành phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng vùng và đặc trưng của từng chủng loại gỗ. Mùi hương cũng là điểm nhấn làm tăng giá trị của nu gỗ. Nu càng có mùi hương thì có khả năng chống mối mọt, côn trùng. Qua thời gian có loại sử dụng càng lâu, càng có giá trị.
 
Lũa là phần lõi bên trong của gốc cây cổ thụ sau khi chết hoặc do con người khai thác. Trải qua thời gian, gốc cây bị tác động bởi môi trường, điều kiện tự nhiên, côn trùng như mối mọt, phân hủy một phần, chỉ còn trơ lại phần lõi rất cứng, chắc chắn, với nhiều hang, hốc, khe, rãnh. Không phải loại gỗ nào cũng hình thành được lũa.
 
Lũa chỉ được tạo thành ở những loài gỗ quý, bền chắc như cẩm lai, trắc, sưa, mun, đinh, trai, nghiến, đinh hương, hương giáng,… có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Nu, lũa vốn được thiên nhiên tạo hóa nhưng chỉ là lâm sản đơn thuần. Chỉ khi qua bàn tay tài hoa, điêu luyện của nghệ nhân mới có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về thẩm mỹ và nghệ thuật.
Nghệ nhân sinh vật cảnh Trần Văn Sáu.
Nghệ nhân sinh vật cảnh Trần Văn Sáu.
Theo anh Trần Văn Sáu, quy trình chế tác nu, lũa gỗ qua ba giai đoạn. Đầu tiên là công đoạn phá thô, làm phôi, tạo hình. Từ một tấm nu, hay khúc lũa gỗ, rễ cây, người nghệ nhân phải quan sát vân gỗ, thế, dáng uốn lượn để lựa chọn cách cắt, tỉa phù hợp. Công đoạn này đòi hỏi người có nhiều kinh nghiệm thực hiện. Vì nếu phá thô, tạo hình không chuẩn, sẽ làm cho chỗ thừa, chỗ thiếu, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tác phẩm.
 
Công đoạn kế tiếp là phần chế tác. Ở công đoạn này, người nghệ nhân phải dùng các dụng cụ nghề mộc như đục, xoi, bào. Bởi phần gỗ nu hay lũa gỗ đều có dáng vẻ, đường nét tự nhiên. Nghệ nhân phải khai thác tối đa những nét đẹp, hình dáng sẵn có để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp của bàn tay con người. Công đoạn cuối cùng là làm nguội, hoàn thiện, sơn lót, chùi mài, phun sơn.
 
Theo từng chủng loại gỗ, đường nét và sở thích của gia chủ mà nghệ nhân có thể lựa chọn loại sơn phù hợp. Tùy theo độ tinh xảo và kích thước sản phẩm mà thời gian hoàn thành cũng khác nhau. Có những tác phẩm cầu kỳ thì cả tháng trời mới hoàn thiện.
 
Khi được hỏi, tác phẩm nào anh tâm đắc nhất. Anh cho biết “Mỗi tác phẩm đều có dáng vẻ, vẻ đẹp riêng nên rất khó để so sánh, đánh giá”. Nhìn tác phẩm "Long phượng" anh hoàn thiện cách đây không lâu mới thấy được vẻ đẹp hiếm có và sự công phu của nghệ nhân. Đây là một phần gốc cây trai mà anh may mắn mua được của một người dân ở xã Mỹ Trạch (Bố Trạch) từ năm 2015.
 
Thiên nhiên vốn là người nghệ sĩ vĩ đại nên mỗi tác phẩm đều mang vẻ đẹp của điêu khắc, của ngôn ngữ tạo hình. Bằng sự sáng tạo tài tình của nghệ nhân và sự độc đáo của từng loại nu, lũa đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm nu, lũa rất phong phú về mẫu mã với các đường nét mộc mạc và đặc biệt vẫn giữ nguyên được hình thù, vẻ đẹp tự nhiên của nó.
 
Nếu như một người thợ mộc bình thường sẽ không thể tạo nên các tác phẩm nu, lũa mỹ thuật được. Mà phải qua bàn tay tài hoa, con mắt có nghề và cảm hứng sáng tạo của nghệ nhân mới tạo nên những tác phẩm độc đáo, khác biệt. Mỗi tác phẩm từ nu, lũa gỗ không chỉ thể hiện tài năng, trình độ, tay nghề mà còn ẩn chứa trong đó cả tâm hồn, phong cách nghệ sĩ của từng nghệ nhân. Đó là những tác phẩm hàm chứa giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, tồn tại mãi với thời gian.
 
Trăn trở với nghề
 
Để duy trì thú đam mê của mình, anh Sáu thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Anh sản xuất hàng hoạt sản phẩm mang tính thương mại như khay trà, bàn ghế lũa, lọ hoa, lũa trang trí… bán cho khách hàng để duy trì nguồn thu nhập cho gia đình. Còn những sản phẩm thực sự tâm đắc, muốn giữ lại làm kỷ niệm hoặc bán cho khách hàng chịu chơi thì cần phải đầu tư thời gian, công sức chăm chút, tỉ mỉ từng đường mài, mũi đục.
 
Khi được hỏi, việc truyền nghề, anh cho biết: “Trước đây cũng có một vài thanh niên tìm đến cơ sở của anh học nghề. Nghề chế tác gỗ mỹ thuật khó hơn nhiều so với nghề mộc hay các nghề thủ công khác. Vì đây là nghề kỹ thuật gắn với tư duy sáng tạo cao. Ngoài ra, nghề này đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, đam mê, tâm huyết, chịu khó vì bụi bặm, tiếng ồn nhưng thu nhập lại thấp nên chỉ được một thời gian ngắn là các học viên bỏ đi học nghề khác”.
 
Nhờ nuôi dưỡng lửa đam mê, sự dấn thân mà anh Sáu đã gắn bó với nghề chế tác nu, lũa gỗ hơn 10 năm nay. Chính tình yêu, sự đam mê, tâm huyết với nghề, cộng thêm sự chiêm nghiệm, từng trải, anh đã hình thành cho mình phong cách, cá tính riêng. Anh đã tham gia nhiều triển lãm sinh vật cảnh khu vực và quốc gia.
 
Năm 2010, anh được mời tham dự triển lãm sinh vật cảnh toàn quốc nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Với những đóng góp của mình, năm 2014, anh Trần Văn Sáu vinh dự được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam.Theo anh, cái khó nhất hiện nay đối với những người chơi nghệ thuật chế tác nu, lũa gỗ chính là nguồn phôi và việc tìm người để truyền nghề.
 
Chia tay anh khi chiều muộn, chỉ mong anh luôn sức khoẻ, dẻo dai, giữ mãi lửa đam mê để ngày càng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật từ gỗ, làm đẹp thêm không gian sống trong mỗi căn nhà.
 
Hữu Nhật

tin liên quan

"Đêm tối rực rỡ" thắng 5 hạng mục tại Giải thưởng Cánh diều lần thứ 19

"Đêm tối rực rỡ" giành giải Cánh diều Vàng cho hạng mục phim điện ảnh xuất sắc, quay phim và nam phụ. Riêng cú đúp giải thưởng biên kịch và nữ chính xuất sắc được dành cho diễn viên Nhã Uyên.

Mời tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí

(QBĐT) - Thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí năm 2022, Báo Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.

Thu hạnh phúc

(QBĐT) - Tháng chín gieo mưa xuống những cánh đồng
Cánh cò mỏi đã về vui tổ ấm