Tản mạn dậu chè xanh
(QBĐT) - Ông Hoàng Quang rót ly nước chè xanh sóng sánh đặt lên bàn rồi đẩy về phía tôi giục:
- Anh uống chè xanh nóng. Ở làng đồi chúng tôi, chè xanh trở thành thức uống tiêu khiển ngày ngày. Đi chơi đâu xa lâu ngày là phải về nhà để pha ấm chè xanh uống cho đã.
Tôi bưng ly nước lên tay rồi đặt kề vào môi uống. Cái màu nước xanh dịu sóng sánh hiện lên trong chiếc ly pha lê trong suốt mới trông qua thật đẹp mắt, nước lại bốc lên hương thơm pha vị gừng sao mà quyến rũ. Tôi uống một hơi. Tay vừa đặt cốc xuống bàn thì anh Quang lại mở nắp giỏ ủ nước xách bình sành ra rót tiếp ly nữa. Anh nói:
- Đặc tính của chè xanh, cứ bỏ bình tích vào giỏ ủ nóng để uống trong một ngày là tốt nhất.
- Sao?-Tôi ngạc nhiên hỏi-Phải là phích mới giữ độ nóng cho chè chứ?
- Không anh nhầm đó-Anh bạn như cố nói cho tôi rõ hơn-Chè hái vào rửa sạch, vẫy khô nước, dùng hai tay vò nát rồi bỏ vào ấm tích khi xoong nước vừa sôi là rót ngay vào vừa đủ độ cho chè chín sẽ giữ được hương lâu. Nước trong bình sành sẽ giảm dần độ nóng để giữ được cái sắc xanh, cái hương thơm của nước mình cần cho đến khi rót cốc cuối cùng đó. Còn như phích thì giữ được độ nóng lâu làm cho vị tươi của chè bị quá chín, hương thơm mất, nước cứ đỏ quạch lên như nước lá chè đã phơi khô. Uống ly nước cuối phích không còn hương vị ban đầu nữa, người sành uống sẽ kêu lên chè bị “ê”.
Nghe anh nói, tôi mới hiểu thêm rằng, chè xanh lại kén cách pha chế như vậy. Càng nghe giảng giải, cùng người Quảng Bình với nhau mà như nghe chuyện lạ đâu đâu. Tôi cất lời hỏi:
- Thế chè xanh bỏ thêm gừng có tác dụng gì anh? Nghe đâu có người bảo, bỏ thêm gừng vào nước chè xanh nước uống sẽ không tốt.
- Chè xanh bỏ thêm gừng từ lâu đời đã được dân gian đúc kết rồi đó. Chè thì có vị hàn, gừng thì có vị nhiệt. Hai thứ đó tạo nên cái hài hòa cân bằng của thức uống. Nhờ cái cân bằng ấy mà nó trở thành đại chúng, bất kỳ ai, lứa tuổi nào cũng dùng tốt. Nghĩa là một ấm tích chè chỉ bổ vài lát gừng mỏng là vừa đủ. Vùng tôi ở đây, cái xứ Đồng Sơn này, ít, nhiều, không có nhà nào là không có dậu chè xanh. Họ chỉ thả một vài dậu ngang, dọc, tạo cảnh trong vườn. Uống hết đầu này thì đầu kia cây ra chồi nõn, cứ thế là quanh năm thức uống không cần phải lo-Ngừng một lúc cùng bưng ly nước lên anh bạn tôi lại tiếp:
- Cậu thấy chè tôi pha thế nào, đã đạt chưa, làm khách, cứ thực lòng nhận xét đi.
- Vâng, thơm và quyến rũ người uống lắm- Tôi vui trả lời.
Đột ngột, Quang đứng dậy vẫy tôi lăm xăm bước ra vườn. Tôi bước theo anh và dõi theo cánh tay anh chỉ. Vườn rộng đủ nhiều loại cây cao tỏa tán nhưng ở một góc riêng đủ ánh sáng màu chè mượt mà. Dậu chè xanh nhà Quang thân đốn ngang để cao không quá đầu gối. Những cành chè vươn lên tỏa ra ngát một sắc xanh đậm.
Luôn thể tôi ngắt mấy đọt chè non còn nhẫy bóng bỏ vào miệng nhai thử. Càng nhai vị tươi chè tan đều thấm đầu lưỡi đắng chát. Nhai thêm một lúc thì tan hết bã, cùng với dịch vị trong vòm miệng tứa ra, chè cũng đã tan hòa thành dòng chảy xuôi xuống cổ cứ ngòn ngọt, ngòn ngọt thấm đẫm vào... Thấy tôi gật gật đầu tâm đắc, anh lại tiếp:
- Này, nhai đọt chè non cũng là một cách uống chè đó. Mình hễ đi đâu về mệt chưa có nước sôi vò chè, chỉ cần ra dậu chè hái ngay năm bảy đọt non bỏ vào miệng nhai nát ra rồi uống đẫy một cốc nước đun sôi để nguội cũng không kém thú vị đâu, cái mệt nhọc thoáng chốc cũng biến đâu mất. Có khi quá bữa mình cũng chẳng thấy đói nữa là. Cậu thấy đấy, dậu chè càng dãi nắng lá chè mới xanh dày và dòn, lá nhiều nhựa chè thì khi pha màu nước trông sóng sánh như đã được pha mật ong vậy.
Thì là thế, chỉ với dậu chè xanh thôi mà anh bạn tôi không thiếu chuyện vui về nó, hết cách uống cầu kỳ này lại cách uống dân dã đơn giản khác. Nhai nõn chè uống nước đun sôi để nguội đã mấy ai đúc kết, vậy mà nghe dễ lọt tai mình quá. Cứ ngẫm nghĩ mới hiểu thêm điều anh nói cách pha chè bình tích ủ vào giỏ vừa độ chín cho chè để giữ hương, giữ vị, hóa ra có cái lý của người có nhiều kinh nghiệm và sành điệu. Vậy là uống chè xanh cũng nhiều nét văn hóa độc đáo chứ chẳng chơi.
Lần thăm anh bạn này, với cách uống chè cứ gợi cho tôi nhớ đến một cách uống chè độc đáo khác ở làng đồi Vạn Ninh, Quảng Ninh. Dân ở miệt làng đồi này có cách gọi cách uống chè của mình rất quen thuộc gọi là “chè xanh uống hãm” cách uống thật công phu và độc đáo của miền quê dân dã.
Họ cho hay, bất kỳ trước lúc bắt tay làm một việc gì mà có bát chè xanh uống hãm thì gặp khó khăn đều vượt qua được hết. Anh Nguyễn Văn Chiến người thôn Bến nói với tôi cách uống chè Vạn Ninh đã ba mươi năm trước mà tôi vẫn còn nhớ như thuộc. Thậm chí, hễ có dịp nào về Vạn Ninh là phải sắp xếp làm sao ngủ lại đêm để sáng sớm dậy uống được bát chè xanh uống hãm của dậu chè làng. Có thế, lúc trở về mới thỏa mãn.
Chè xanh uống hãm, chè phải trảy ngay tại vườn chứ không mua chè bán ở chợ. Điều đó cho thấy việc trồng dậu chè ở mỗi gia đình làng đồi như là bắt buộc. Dụng cụ để uống nước chè hãm rất cầu kỳ và đặc biệt. Đó là cần một chiếc xoong mỏng chừng một lít để nấu nước chóng sôi. Một chiếc bát đựng chừng dung tích một lít, một bộ cối, chày cầm tay tiện bằng gỗ, cối chày này chỉ dành riêng cho khi uống hãm mới đem dùng (tránh bị các loại gia vị làm hỏng hương chè).
Cách uống không như những người nghiện trà ngồi đối ẩm nhâm nhi chiếc chén mắt trâu mà khi uống hai tay bưng bát lên làm một hơi. Cụ thể, từng bước làm ra bát chè xanh uống hãm như sau: Sáng ngủ dậy nhóm lửa, lấy xoong đổ ½ lít nước bắc lên.
Thời gian đợi nước sôi là đi ra vườn hái nhanh những búp chè xanh còn đọng sương, khi chè đã đầy búng tay thì mang vào bỏ lòng cối đâm mạnh cho chè nhuyển ra. Khi chè quyện dẻo nhừ rồi thì nước trên bếp vừa sôi, thế là tất cả chè đổ lên soong, giục thêm lửa cho chóng sôi lại để chè không bị ê.
Đợi khi chè sôi lại, lấy bát múc ½ lít nước trong, mang đến nhắc xoong đổ tất cả vào bát rồi lấy đũa quấy nhẹ tay và đều. Khi thấy màu nước xanh như xi-rô thì bưng lên đặt môi vào mép bát uống một thôi đến hết (uống ngay tại trước cửa bếp) chỉ còn chừa bã lại đáy bát.
Tôi đã tò mò hỏi những người của vùng đồi Vạn Ninh sành dùng chè xanh uống hãm và được họ trả lời với vẻ đắc ý: "Uống như thế chúng tôi đi cày ruộng sâu suốt ngày không đuối sức. Bước theo đuôi trâu từ sớm mãi khi thấy mặt trời đứng bóng vẫn không thấy đói và mệt tí nào cả".
Thực tế như vậy đấy. Không biết đã có nhà ẩm thực nào nghiên cứu cách uống chè của người Vạn Ninh chưa. Nếu chưa thì cách dùng chè xanh uống hãm như ở đây cũng là một kinh nghiệm cần đúc kết.
Chè xanh là một loài thực vật được dùng làm nước uống ở nhiều nơi trên khắp vùng quê Quảng Bình và nhiều nơi khác. Vậy nhưng mỗi nơi có một cách uống khác nhau, và cách uống nào cũng đều cho một cảm nhận chung là thú vị.
Chẳng hạn, ở vùng Tuyên Hóa uống chè xanh có thêm vị gừng, ở Quảng Trạch, Bố Trạch uống chè xanh theo kiểu xầm tươi trong nồi đất, còn ở Quảng Ninh thì chè xanh uống hãm. Rồi nào chè phơi khô, chè nấu thành cao cùng với gan lợn bỏ vào hộp nút kỹ uống dần dùng cho việc chữa bệnh.
Nói chung lối uống nào cũng công phu và có cách đàng điệu riêng của nó. Có điều là, dù uống bằng cách nào thì nguồn nước dùng cho chè cũng phải tinh sạch không cứng và ít tạp chất.
Vậy đó, chỉ những dậu chè xanh ở các làng đồi nhưng đến đâu gặp các người già được gợi chuyện cũng nghe được các kiểu uống chè thật thú vị. Quảng Bình có nhiều làng đồi trồng chè, tiếc là chúng ta chưa đủ điều kiện nếm được mọi cách thức của việc uống chè. Dù sao chỉ những dậu chè mang ý nghĩa tự cung tự cấp thôi nhưng lại giữ được nhiều nét đẹp về văn hóa ẩm thực rất đáng cần tìm hiểu và ghi chép lại.
Nguyễn Văn Tăng
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.