Gìn giữ di sản cho muôn đời sau

  • 07:19 | Thứ Tư, 05/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) là một bộ phận quan trọng cấu thành kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Để bảo tồn, phát huy các giá trị của DSVHPVT, những năm qua, Quảng Bình đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về DSVH, đẩy mạnh việc kế thừa, trao truyền giữa các thế hệ, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của quê hương.
 
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVHPVT nói chung, DSVHPVT tiêu biểu của tỉnh nói riêng được triển khai từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hệ thống các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác này được các ngành, địa phương quan tâm, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức.
 
Hoạt động tuyên truyền về việc bảo tồn, phát huy các giá trị của DSVHPVT từng bước được chú trọng. Công tác tôn vinh nghệ nhân lĩnh vực VHPVT ngày càng được quan tâm. Các DSVHPVT tiêu biểu của tỉnh bước đầu được khai thác, phát huy giá trị, trở thành nguồn lực/sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
DSVHPVT là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
 
Trong quá trình gìn giữ, bảo tồn, vai trò của những nghệ nhân dân gian là hết sức quan trọng. Qua họ, nhiều giá trị văn hóa được khôi phục trước nguy cơ mai một. Đơn cử như ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch), các nghệ nhân đã bảo tồn, phát huy loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của xã.
 
Người có công lớn nhất trong hoạt động này là Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Niếu. Say mê câu hò, điệu múa của quê hương, bà Phạm Thị Niếu không chỉ tập hợp những người có cùng niềm đam mê để thành lập câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ dân gian của xã mà còn trực tiếp diễn xướng và truyền dạy các điệu hò, điệu múa cổ cho thế hệ sau.
Hoạt động tôn vinh nghệ nhân dân gian góp phần khích lệ, động viên các nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Hoạt động tôn vinh nghệ nhân dân gian góp phần khích lệ, động viên các nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Tại huyện Minh Hóa, các nghệ nhân: Đinh Thị Phương Đống, Đinh Thanh Đàn, Đinh Thị Thoan… cùng những người am hiểu hò thuốc cá và các làn điệu đúm, ví, hát nhà trò, ca trù… đã âm thầm giữ gìn, trao truyền cho thế hệ trẻ và những người yêu thích văn hóa văn nghệ dân gian. Nhờ vậy, mà Minh Hóa vẫn giữ được nhiều giá trị văn hóa dân gian, thành lập nên nhiều CLB đàn hát dân ca để khôi phục, phát triển các làn điệu dân ca, dân vũ.
 
Những năm gần đây, phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Nhiều CLB, nhất là CLB đàn hát dân ca được thành lập, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nổi bật nhất trong hoạt động này là huyện Lệ Thủy, xứ sở của làn điệu hò khoan độc đáo.
 
Đây cũng là nơi có rất nhiều nghệ nhân dân gian tiêu biểu và nhiều CLB hò khoan hoạt động khá hiệu quả, điển hình là CLB "Yêu cầu hò xứ Lệ" và CLB "Nghệ nhân hò khoan" do 2 Nghệ nhân ưu tú Đặng Thị Hồng Hới, Nguyễn Thị Lý làm chủ nhiệm. Từ mô hình CLB mà vai trò tiên phong là các nghệ nhân, hoạt động truyền dạy hò khoan luôn được quan tâm đẩy mạnh, nhất là ở hệ thống trường học và các CLB hò khoan ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
 
Với quyết tâm gìn giữ báu vật của quê hương, nhiều địa phương đã có những nỗ lực trong việc tổ chức các hoạt động truyền dạy, biểu diễn. Tại TX. Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, hoạt động truyền dạy, lưu giữ các làn điệu ca trù đang được tập trung đẩy mạnh. Những nghệ nhân tiêu biểu, như: Dương Thị Điểm (CLB ca trù Đông Dương, Quảng Phương, Quảng Trạch), đào nương Phạm Thị Tuyết (Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông TX. Ba Đồn)…  không chỉ trực tiếp biểu diễn mà còn truyền dạy ca trù cho CLB đàn hát dân ca ở các xã, phường và giáo viên các trường học trên địa bàn.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị DSVHPVT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa của địa phương. Một số loại hình DSVHPVT đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Việc phát huy giá trị các DSVHPVT tiêu biểu trong lễ hội truyền thống còn hạn chế. Chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, nhà nghiên cứu có công nắm giữ, truyền dạy, phát huy giá trị DSVHPVT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy các giá trị DSVHPVT tiêu biểu còn gặp nhiều khó khăn.
 
Từ những hạn chế, bất cập đó, ngành Văn hóa-Thể thao đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Mới đây, Sở Văn hóa-Thể thao đã tổ chức thành công hội thảo khoa học: “Đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các DSVHPVT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” và tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế cũng như nâng cao năng lực, hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị DSVHPVT trên địa bàn tỉnh.
 
Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, việc bảo tồn, phát huy các giá trị DSVHPVT không chỉ đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, tổng thể mà còn cần đến những tiếp cận sâu sắc về giá trị lịch sử, giá trị trao truyền, giá trị đương đại của di sản. Vì vậy, cần có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, công phu, khôi phục/xây dựng các thành tố chứa đựng VHPVT và bảo đảm tính bền vững trong bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT…
 
Ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho hay: Để bảo tồn, phát huy các giá trị DSVHPVT, cần xây dựng, thực hiện các chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa và có chính sách đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân. Việc tôn vinh nghệ nhân là nhiệm vụ quan trọng bởi họ là người nắm giữ nội dung DSVHPVT. Họ chính là “linh hồn”, là “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị DSVHPVT từ thế hệ này sang thế hệ khác. 
 
DSVHPVT có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT, nhất là trong tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa hiện nay là hết sức cần thiết. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài sự nỗ lực của cơ quan quản lý, cần sự vào cuộc hơn nữa của chính quyền địa phương và mỗi người dân nhằm phát huy nguồn lực, tháo gỡ khó khăn để chung tay gìn giữ di sản cho muôn đời sau.
 
Theo kiểm kê khoa học, trên địa bàn tỉnh hiện có 104 DSVHPVT, có 2 di sản được UNESCO ghi danh (ca trù của người Việt, nghệ thuật bài Chòi Trung bộ Việt Nam) và 7 DSVHPVT được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia (Hò khoan Lệ Thủy của huyện Lệ Thủy; lễ hội cầu ngư cư dân miền biển Quảng Bình; lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch, Bố Trạch; lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, Lệ Thủy; nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá huyện Minh Hóa; lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn, Quảng Ninh; lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Nhật Lệ). Các di sản được ghi danh này là những DSVHPVT tiêu biểu của tỉnh.
 
  Nh.V

tin liên quan

Thơ chọn-Lời bình: Hoa hậu

(QBĐT) - Bài thơ "Hoa hậu" là một vương miện vô giá của nhà thơ không chỉ dành tặng cho riêng vợ mình mà cho cả "một nửa thế giới".
 

Ký ức về ông

(QNĐT) - Nhắc đến quê hương bạn sẽ nhớ đến những hình ảnh gì? Với tôi, cũng chẳng phải là gì đó lung linh, khác biệt. Mà đơn giản lúc này tôi đang nghĩ đến những ký ức, những hình ảnh gắn với ông ngoại của tôi.

Nhiều chương trình đặc sắc trong Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam

Đối với Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam, Campuchia sẽ mang đến các tiết mục biểu diễn nghệ thuật cổ điển, dân gian và đương đại gồm các loại hình múa, hát, kịch và âm nhạc.