Thơ chọn-Lời bình:

Lòng gửi người đã khuất

  • 07:33 | Thứ Ba, 04/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
   Thương nhớ Anh hùng liệt sỹ Trương Pháp!
(QBĐT) - Trương Pháp ơi!
                Hai mươi bốn năm rồi anh ngã xuống
                Anh ôm cồn cát!
                Cồn cát ôm anh!
                Sóng biển rì rào nghiêng mình tưởng niệm
                Dòng sông quê một màu lưu luyến
                Xanh mái tóc cô Nồng ngày ấy thủy chung.
 
               Tôi đi bên kè Nhật Lệ bâng khuâng
               Gặp lại anh những tháng ngày tuổi trẻ
               Đêm tuần tra súng chung vai đồng chí
               Giữ quê hương máu thịt sinh thành
 
                Khắc vào trái tim tôi dáng hình anh
               Tay níu chặt bờ cát vàng giờ vĩnh biệt
               Hai bảy viên đạn xuyên bầm rỉ huyết
               Dòng máu hòa vào biển mênh mông
 
               Hoa tứ quý tươi nở một sắc hồng...
               Anh vẫn còn như ngọn sóng vươn cao
               Mang vóc dáng quê hương chiến thắng
               Tấm bia nhỏ mang tình sâu nặng
               Linh hồn anh sống dậy giữa đời tôi...
 
               Đã bốn năm kè Nhật Lệ vươn dài
               Tiếp sức anh giữ nền xưa Bàu Tró
               Đồng Hới qua chín năm bão lửa
               Lắm gian nan. Tư thế hiên ngang!
 
               Bao lần tôi hoài niệm với dòng sông
               Tiếng sóng vỗ hay lời anh vang vọng
               Hòa tiếng làng quê thúc dồn nhịp sống
               Gọi tên mình góp tiếp giọt mồ hôi!
 
               Tôi thấy mình nhỏ hẹp trước biển khơi
               Phải trả nợ những tháng ngày nhớ mãi!
               Phải xứng với dòng máu anh đã chảy!
              Thấm vào tôi ngày ấy ấm nồng!
 
                                                        Kè Nhật Lệ, tháng 4/1987         
                                                              Nguyễn Xuân Chàm
ss
                          Sông Nhật Lệ                       Ảnh: Nguyễn Bách Chiến
Lời bình:
 
Bài thơ “Lòng gửi người đã khuất” và lời hứa vì một thành phố đẹp
 
Năm 1989, tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ. Ba mẹ tôi cùng rất nhiều người gồng gánh chuyển nhà từ Huế về Đồng Hới. Từ bấy đến nay đã hơn 30 năm nhưng ai cũng nhớ câu hát đùa vui mà rất đỗi yêu thương của ông Nguyễn Xuân Chàm-Chủ tịch UBND thị xã Đồng Hới thời kỳ đó: “Đồng Hới dang tay ôm tỉnh vào lòng, sẻ chia đắng cay, gian khổ, mặn nồng”.
 
Sau này về công tác tại Đài Phát thanh Quảng Bình, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với ông hơn và nhận ra rằng đó là một con người cực kỳ thông minh, hào sảng, tình cảm và hài hước. Ông ấy làm công tác quản lý nhưng không nặng hành chính. Ông ấy làm chính trị nhưng rất văn nghệ. Tự thân ông ấy đã tạo ra bầu không khí khoáng đạt và cởi mở cho môi trường xây dựng và phát triển của Đồng Hới ngày ấy.
 
Ông ấy rất giàu năng lượng. Cùng lúc đón khoảng 6.000 con người từ Huế đổ về, Đồng Hới hồi ấy ngổn ngang gian khổ, bề bộn lo toan nhưng ông Nguyễn Xuân Chàm không bao giờ coi đó là gánh nặng.
 
Cánh phóng viên gặp gỡ ông chỉ có chuyện vui mang về... Ông để lại ấn tượng trong chúng tôi bằng cách riêng của mình, vui nhưng không nhạt, hóm hỉnh nhưng đậm sâu.
 
Tháng 4/1987, ông viết bài thơ “Lòng gửi người đã khuất” về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Pháp và được in trong tập thơ Đồng Hới, Nhà xuất bản Văn học năm 1994, đã gây bất ngờ cho nhiều người.
 
            “Trương Pháp ơi!
            Hai mươi bốn năm rồi anh ngã xuống
            Anh ôm cồn cát!
            Cồn cát ôm anh!
            Sóng biển rì rào nghiêng mình tưởng niệm
            Dòng sông quê một màu lưu luyến
            Xanh mái tóc cô Nồng ngày ấy thủy chung...”
 
Lịch sử Đảng bộ phường Hải Thành, TP. Đồng Hới còn ghi “Đêm 30/6/1964, một toán biệt kích Mỹ-ngụy (23 tên) được tàu chiến đưa vào gần cửa biển Nhật Lệ rồi dùng thuyền cao su đổ bộ vào phía đông bắc thôn Đồng Thành… Nhằm mục đích đánh phá một số mục tiêu kinh tế-xã hội như Nhà máy nước Đồng Hới... Với tinh thần cảnh giác cao, lực lượng dân quân du kích thôn Đồng Thành đã sớm phát hiện được, khẩn trương phối hợp với lực lượng Công an nhân dân vũ trang Đồn Nhật Lệ truy tìm tiêu diệt địch. Sau gần 20 phút chiến đấu, toán biệt kích bị tiêu diệt một tên, ba tên khác bị thương, một tên bị bắt sống…”.
 
Tham gia trận đánh, có đôi trai gái đã trao lời đính ước là hai chiến sĩ dân quân: Trương Pháp và Trần Thị Nồng. Trận đánh chặn đứng được âm mưu của kẻ địch nhưng Trương Pháp cùng hai đồng đội đã anh dũng hy sinh “sống trong cát, chết vùi trong cát / những trái tim như ngọc sáng ngời.” Tất cả họ đang ở tuổi thanh xuân, mười chín, đôi mươi.
 
            “...Tôi đi trên kè Nhật Lệ bâng khuâng
            Gặp lại anh những tháng ngày tuổi trẻ
            Đêm tuần tra súng chung vai đồng chí
            Giữ quê hương máu thịt sinh thành
            Khắc vào trái tim tôi dáng hình anh
            Tay níu chặt bờ cát vàng giờ vĩnh biệt
            Hai bảy viên đạn xuyên bầm rỉ huyết
            Dòng máu hòa vào biển mênh mông
            Hoa tứ quý tươi nở một sắc hồng...”.
 
Với ông Nguyễn Xuân Chàm, Đồng Hới là máu thịt, những người ngã xuống vì Đồng Hới thân yêu là anh hùng. Họ đã hóa thân vào mây trời, vào sóng biếc, vào sắc hồng những loài hoa kiên cường vươn lên từ cát bỏng cho quê hương mãi bình yên.
 
            “ ...Anh vẫn còn như ngọn sóng vươn cao
           Mang vóc dáng quê hương chiến thắng
            Tấm bia nhỏ gửi bao tình sâu nặng
            Linh hồn anh sống dậy giữa đời tôi.
            Đã bốn năm kè Nhật Lệ vươn dài
            Tiếp sức anh giữ nền xưa Bàu Tró
            Đồng Hới qua chín năm bão lửa
            Lắm gian nan. Tư thế hiên ngang...”
 
Đối diện biển trời Nhật Lệ là đối diện quá khứ, gặp lại tháng ngày tuổi trẻ và tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng Trương pháp, ông Nguyễn Xuân Chàm đã tạo dựng được sự kết nối bền chặt giữa quá khứ với hiện tại, giữa hiện tại tới tương lai.
 
Những đổi thay của mảnh đất bên bờ sóng này chắc hẳn được khởi nguồn từ những cống hiến hết mình của biết bao thế hệ người Đồng Hới. Hình ảnh Đồng Hới hiện lên trong những dòng thơ của tác giả Nguyễn Xuân Chàm hết sức thực tế và sâu nặng ân tình. Đó là tấm lòng của một người luôn biết ơn quá khứ và hết lòng cống hiến cho thị xã quê hương.
 
Sinh thời, ông Nguyễn Xuân Chàm là người yêu Đồng Hới sâu sắc. Ông luôn luôn xác định rõ trách nhiệm của mình đối với quê hương và luôn luôn hành động. Trong thơ vẫn vẹn nguyên tinh thần ấy. “Lòng gửi người đã khuất” là lời hứa thiêng liêng của một con người đầy nhiệt huyết trước linh hồn của Anh hùng Trương Pháp:
 
            “...Bao lần tôi hoài niệm với dòng sông
            Tiếng sóng vỗ hay lời anh vang vọng
            Hòa tiếng làng quê thúc dồn nhịp sống
            Gọi tên mình góp tiếp giọt mồ hôi.
            Tôi thấy mình nhỏ hẹp trước biển khơi
            Phải trả nợ những tháng ngày nhớ mãi!
            Phải xứng với dòng máu anh đã chảy!
            Thấm vào tôi ngày ấy ấm nồng!”
 
Ông Nguyễn Xuân Chàm đã thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình. Thị xã Đồng Hới thời kỳ ông làm Chủ tịch thực sự là những tháng năm khởi đầu phát triển sôi động kể từ sau ngày tỉnh nhà tái lập lại.
 
Đồng Hới hôm nay đã trở thành một thành phố đẹp nhờ đóng góp của rất nhiều thế hệ, trong đó có sự hy sinh của Anh hùng Trương Pháp và cống hiến của những người như ông Nguyễn Xuân Chàm.                            
 
                                                   Trương Thu Hiền

tin liên quan

Ký ức về ông

(QNĐT) - Nhắc đến quê hương bạn sẽ nhớ đến những hình ảnh gì? Với tôi, cũng chẳng phải là gì đó lung linh, khác biệt. Mà đơn giản lúc này tôi đang nghĩ đến những ký ức, những hình ảnh gắn với ông ngoại của tôi.

Thơ chọn-Lời bình: Hoa hậu

(QBĐT) - Bài thơ "Hoa hậu" là một vương miện vô giá của nhà thơ không chỉ dành tặng cho riêng vợ mình mà cho cả "một nửa thế giới".
 

Nhiều chương trình đặc sắc trong Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam

Đối với Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam, Campuchia sẽ mang đến các tiết mục biểu diễn nghệ thuật cổ điển, dân gian và đương đại gồm các loại hình múa, hát, kịch và âm nhạc.