Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: "Nhà văn Quảng Bình đã dấn thân cho sáng tạo nghệ thuật"

  • 08:15 | Thứ Bảy, 24/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là người dành nhiều tình cảm cho mảnh đất Quảng Bình nói chung, các nhà văn Quảng Bình nói riêng, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã về dự Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2027. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có buổi trò chuyện với ông về văn học. Nhà văn khẳng định: “Các nhà văn Quảng Bình luôn mang lại sự mới mẻ qua tác phẩm trong từng thời kỳ. Họ đã có sự đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của văn học Việt Nam".
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trò chuyện cùng phóng viên Báo Quảng Bình.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều trò chuyện cùng phóng viên Báo Quảng Bình.
- Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình là một trong những chi hội ra đời sớm nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, và ở hoàn cảnh nào, các hội viên trong chi hội cũng luôn giữ được nhịp độ sáng tác, không ít tác giả có tác phẩm được trao các giải thưởng quan trọng. Vậy theo ông, đâu là tiền đề, là yếu tố quan trọng để các nhà văn Quảng Bình gặt hái được những “mùa quả ngọt” đáng trân trọng?
 
- Quảng Bình là vùng đất đặc biệt từ hoàn cảnh lịch sử đến thiên nhiên, điều kiện địa lý và đã có rất nhiều tác phẩm âm nhạc, văn học, câu chuyện lịch sử… về vùng đất này, vùng đất giao thoa với nhiều vùng văn hóa trong khu vực. Chiều dài lịch sử cùng với cảnh sắc thiên nhiên, bản sắc văn hóa đã tạo nên tính cách con người Quảng Bình thật thà, mộc mạc, thẳng thắn.
 
Các thế hệ nhà văn Quảng Bình đã có sự dấn thân hết mình cho văn chương. Họ luôn có một tình yêu tha thiết với quê hương. Qua mỗi tác phẩm của các nhà văn giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về văn hóa, phong tục tập quán, đời sống con người Quảng Bình qua từng thời kỳ lịch sử.
 
Thông qua tác phẩm, dễ dàng nhận thấy các nhà văn thể hiện rõ thái độ của mình trước những vấn đề xã hội, có cá tính rõ ràng. Họ đam mê văn chương, yêu cái đẹp, dũng cảm và thậm chí “dại dột” trong một lúc nào đó. Nhưng tất cả, đó là sự dấn thân. Tôi tin tưởng rằng, các nhà văn trên đất Quảng Bình, mảnh đất lập nên nhiều kỳ tích qua các cuộc chiến tranh sẽ tiếp tục tiên phong trong sự nghiệp đổi mới của văn học.
 
- Theo ông, văn nghệ sĩ nói chung, nhà văn nói riêng hiện nay cần phải làm gì để sáng tác nên những tác phẩm hay, có chất lượng về nội dung và nghệ thuật?
 
- Đất nước ta đang đổi mới từng ngày…, vì vậy, các nhà văn cần phải lao động bền bỉ, phải dùng quyền lực của ngôn ngữ để chuyển tải điều muốn nói. Đôi khi chúng ta nhìn nhận văn học chỉ là một cuốn sách, một bài thơ, một câu truyện để giải trí, mua vui… Nhưng, không phải thế, văn học là dòng máu thứ hai nuôi dưỡng tâm hồn con người còn dòng máu thứ nhất là dòng máu mang tính sinh học, nuôi dưỡng thân xác.
 
Ngày nay không ít người, nhất là phụ nữ đã xây dựng cho mình một thực đơn ăn uống vô cũng kỹ lưỡng, chuẩn xác như một nhà dinh dưỡng học để nuôi con, chăm sóc bản thân… nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì họ mới chỉ quan tâm đến việc nuôi phần xác mà bỏ qua rất nhiều yếu tố quan trọng khác để bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn một con người, nhất là thế hệ trẻ.
 
Tôi nghĩ rằng, trước một trang giấy, trước hiện thực cuộc sống, các nhà văn ở mọi thời đại, ở Việt Nam và các nước trên thế giới chứ không riêng gì Quảng Bình phải làm sao để có thể phát hiện ra những điều kỳ vĩ, đẹp đẽ trong đời sống thường nhật trước hiện thực đầy khó khăn và cả trong nỗi buồn về những điều đang diễn ra trong xã hội. Nhà văn phải tìm ra cái đẹp, gieo vào lòng người niềm tin và hy vọng về những gì tốt đẹp. 
 
- Vậy các nhà văn Quảng Bình đã làm được điều đó chưa, thưa ông?
 
- Tôi thấy rằng, các nhà văn, nhà thơ Quảng Bình như Hoàng Vũ Thuật, Hữu Phương, Lý Hoài Xuân… là những người luôn chống lại cái ác, chống lại sự ích kỷ, tham lam của con người. Tôi nhận ra điều đó ngay trong lúc trò chuyện với họ và trong cả văn chương.
 
Thế nhưng, điều quan trọng nhất là khi họ nói thẳng, nói thật một cách trực diện nhất, mạnh mẽ nhất về những điều tồi tệ, xấu xa trong xã hội thì trong lòng họ vẫn ấm nóng một tình yêu với quê hương, với cuộc sống, luôn luôn tràn đầy khát vọng.
 
Mỗi tác phẩm của họ đi đến cuối cùng vẫn hiện hữu lên ánh sáng của niềm hy vọng, niềm tin vào con người, tin vào ngày mai. Họ không bị hiện thực một phía nào đó tồi tệ cuốn đi mà thẳng thắn nói lên những vấn đề gay cấn, vấn đề của con người, nhưng cũng chính qua đó họ lại yêu con người hơn, yêu mảnh đất này hơn và đắm say trong hy vọng để gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng về những gì tốt đẹp qua mỗi tác phẩm.
 
- Mỗi khi nghĩ về Quảng Bình, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình, điều gì để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất?
 
- Tôi ấn tượng với Quảng Bình trước hết là thiên nhiên. Ngắm nhìn từ cửa sông, biển, dãy núi, từng mái nhà, khu phố, thiên nhiên… tôi cảm nhận một điều gì đó rất khác biệt, nó mang lại sự trìu mến, thân thương. Tôi rất cảm tình với cá tính của người Quảng Bình, họ mạnh mẽ, chân thành, thẳng thắn. Chính điều đó làm nên giá trị người Quảng Bình và văn Quảng Bình.
 
Ở Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Bình, tôi đánh giá cao vai trò của các nhà văn nữ. Đó là Lê Na, Hương Duyên, Hoàng Thụy Anh và cây bút trẻ chưa vào hội Trác Diễm. Nói như một số nhà văn có tuổi thì các nhà văn nữ Quảng Bình đang chiếm thế thượng phong.
 
Nhiều tác phẩm của họ tạo được ấn tượng trong cả nước, trong giới và giành được những giải thưởng quan trọng. Mỗi người một phong cách, một giọng nói riêng nhưng điểm chúng giữa họ là sự mạnh mẽ, dấn thân cho văn chương. Tôi cho rằng, đó là yếu tố quan trọng nhất của một nhà văn.
 
- Trên chặng đường mới, các nhà văn Quảng Bình phải làm gì để nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng sáng tác thưa ông?
 
- Trước thực tại là quá nhiều phương tiện, kênh thông tin… nhiều khi lấn át thị trường của văn học thì Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình cần khích lệ sự sáng tạo của các nhà văn, đặc biệt là phải tập trung, bồi dưỡng, khai thác, khuyến khích phát hiện những nhà văn trẻ.
 
Chi hội cũng đã nói đến vấn đề này và đề ra nhiệm vụ phát triển phong trào đọc sách, đưa sách đến với bạn đọc. Hội Nhà văn Việt Nam đã có chủ trương phối hợp với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình mang sách đến cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn cho các nhà văn trẻ.
 
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ rất bổ ích này.
 

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, sinh năm 1957 ở Hà Tây (cũ), nay thuộc TP. Hà Nội. Ông đã xuất bản 20 tác phẩm văn xuôi, 5 tập sách dịch, 11 tập thơ với các tác phẩm nổi tiếng, như: Mùa hoa cải bên sông, Con quỷ gỗ, Bí mật hồ cá thần, Có một kẻ rời bỏ thành phố…. (văn xuôi); Sự mất ngủ lửa, Nhịp điệu châu thổ mới, Dưới trăng và một bậc cửa… (thơ).

Ông còn có nhiều truyện ngắn xuất bản ở Pháp, Anh, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới, được nhận nhiều giải thưởng văn học thế giới, giải thơ của Tây Ban Nha, Hàn Quốc… Đặc biệt, năm 2021, ông còn tạo ấn tượng với công chúng yêu hội họa bởi triển lãm tranh đầu tiên có chủ đề: Người thổi sáo…

 
  Nh.V (thực hiện)

tin liên quan