Ký ức về ông

  • 07:35 | Thứ Sáu, 30/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QNĐT) - Nhắc đến quê hương bạn sẽ nhớ đến những hình ảnh gì? Với tôi, hình ảnh đó sẽ không phải là những cánh đồng làng vàng tươi, thơm mùi lúa chín. Không phải là bãi sắn, nương ngô xanh ngắt. Hay cây đa, bến nước… Cũng chẳng phải là gì đó lung linh, khác biệt. Mà đơn giản lúc này tôi đang nghĩ đến những ký ức, những hình ảnh gắn với ông ngoại của tôi.
 
Ông tôi từng tham gia quân ngũ. Trở về quê hương, bước vào thời bình, ông cùng những đồng đội trong Hội Cựu chiến binh của mình luôn gương mẫu, tiên phong, tích cực trong các phong trào của thôn, xóm, làng xã. Phụ cấp cựu chiến binh ít ỏi của ông, cùng sự chắt chiu từ những vụ mùa thu hoạch... đã nuôi mẹ tôi ăn học đàng hoàng, có công việc nhà nước ổn định (các cậu, dì tôi do hoàn cảnh khó khăn nên ở nhà làm ruộng). Tính ông tôi hiền lành, dễ gần lắm, nhưng cũng rất uy nghiêm, con cháu ai cũng yêu quý, kính mến. Ông luôn quan tâm các con, các cháu từ những điều nhỏ nhặt nhất.
 
Mẹ tôi kể: Thời bao cấp, bố mẹ tôi làm việc, ở với ông bà nội ở thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa). Ông bà ngoại thì ở thượng nguồn của huyện Minh Hóa (xã Thượng Hóa). Nhưng khi hay tin mẹ sinh tôi, ông đã đi bộ gần một ngày trời chỉ để đến nhìn mặt cháu, đưa vài cân gạo, củ khoai cho mẹ tôi rồi về.
 
Với những đứa con của các cậu, ông gánh luôn nhiệm vụ nuôi cháu học hành. Gắng rồi cũng qua, lần lượt 5 đứa cháu của ông cũng học được hết cấp 3, ai cũng chăm ngoan, hiếu thảo cả. Tình thương bao la của ông dành cho mỗi đứa con, từng đứa cháu theo năm tháng đã tự nhiên gắn kết mọi người lại với nhau. Gia đình của hai người cậu tôi, dì tôi, rồi của những đứa cháu chúng tôi cứ ngày thêm bền chặt.
 
Tôi lớn lên, làm việc xa nhà, lập gia đình ở thành phố nhưng mỗi dịp lễ dù lớn, dù nhỏ, khi ông gọi nhắc, tôi luôn sắp xếp để trở về. "Nếp" nhà, tục quê, lệ làng hình thành thói quen trong tôi từ đó.
 
Làng tôi, mỗi khi nhà ai có dịp mừng vui, hiếu hỉ nào đó, từ thu hoạch bắp, lạc bội thu, mừng nhà mới, mừng thu hoạch lúa (hay gọi là tục mừng cơm mới) cho đến những ngày lễ trọng, ngày Tết… đều phải mời đủ họ hàng, anh em, làng xóm đến chung vui. Nhà này hôm nay ăn, nhà khác hôm sau mời lại… Mọi người quây quần bên nhau, ăn uống vui cười. Dường như chẳng còn những ngày tháng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chẳng còn những lo toan vụn vặt trên khuôn mặt mỗi người nông dân chân chất của làng tôi nữa.
 
Nhưng, sau khoảng thời gian sinh hoạt cộng đồng đó, cuộc sống sẽ trở lại như thường ngày. Cậu tôi, dù hôm trước có uống say thế nào, sáng hôm sau vẫn dậy sớm dắt trâu ra đồng. Dì tôi đi theo hội phụ nữ ra rẫy gieo lạc, trỉa bắp. Ông bà ngoại nhận nhiệm vụ trông những đứa chắt, dọn dẹp nhà cửa… Cuộc sống quẩn quanh bên "nếp" nhà, cổng làng và hăng say sản xuất.
 
Những cuộc hội ngộ, những bữa cơm chung cùng họ hàng, gia đình đôi khi chỉ là "bồi", là bắp ngô, dĩa cá các anh, các cậu đi đánh lưới được, cũng có khi là mổ gà, mổ lợn, trâu bò rất linh đình. Riêng nhà ngoại tôi, mỗi khi quây quần, những đứa cháu sẽ lại vây quanh ông bà, đứa bóp tay, bóp vai, đứa nhổ tóc bạc cho ông, cho bà... cứ ríu ríu, rộn vang cả lên. Tôi, biết ông thích đọc báo, nên lần nào về cũng không quên mang biếu ông vài cuốn. Ông mừng lắm!
 
Tôi nhớ, ngày ông mất… cũng một ngày cuối thu như bây giờ. Đứa chắt nhỏ của ông tôi khóc tu tu từ ngoài ngõ đường làng, sau khi tan trường về biết được tin dữ. Làng xóm, người thân thương tiếc cho ông. Riêng bà tôi thẫn thờ, ngồi thụp ở một góc tường. Bà không khóc, chỉ thỉnh thoảng đưa tay dụi mắt. Người ta vẫn bảo, khi không thể bật khóc, không thể giải tỏa thì có lẽ là lúc nỗi đau đã quá lớn. 
 
Thời gian vội trôi nhanh, tôi ít dịp về quê hơn, thỉnh thoảng lắm mới về thăm bà, thắp nén hương cho ông. Những đứa em họ của tôi cũng dần dần mang vợ, chồng, con cái vào miền Nam lập nghiệp. Mọi mối bận tâm về làng thu hẹp dần trong tâm trí chúng tôi. Ai cũng có những lý do riêng không thể hoặc chưa thể trở về. Nhưng có lẽ, bởi ông đi rồi, một hình bóng vững chãi, một cây cao tỏa bóng, ánh mắt, nụ cười hiền lành của ông, chúng tôi đã không còn chạm tới được nữa. Sự hụt hững còn neo lại trong chúng tôi lớn lắm!
 
Tôi hiểu hơn, cái "nếp" nhà, lệ làng không đơn giản tự hình thành. Nó là từ những gia đình nhỏ kết lại tạo nên, mà trong những gia đình đó phải có một người là trụ cột, là cầu nối, gắn kết mọi người lại với nhau!.
 
Minh Tuyết

tin liên quan

Nhiều chương trình đặc sắc trong Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam

Đối với Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam, Campuchia sẽ mang đến các tiết mục biểu diễn nghệ thuật cổ điển, dân gian và đương đại gồm các loại hình múa, hát, kịch và âm nhạc.

Chỉ thị mới về tăng cường quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch.

Nguyễn Du vận dụng thơ Đường trong "Truyện Kiều"

(QBĐT) - Cả hàng ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, việc văn học cổ nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc văn học cổ Trung Hoa là điều không thể tránh khỏi. Nhưng cha ông ta vốn có ý thức dân tộc, tự lập tự cường nên tiếp thu có chọn lọc và rất sáng tạo. Điều đó phần nào được thể hiện qua việc Nguyễn Du vận dụng những thành tựu thi ca thời nhà Đường (Trung Quốc) trong kiệt tác Truyện Kiều.