Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Nhạc sĩ Đinh Gia Hòa:

Dào dạt khúc tình quê

  • 07:58 | Chủ Nhật, 02/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Nhớ chi mà cháy gan cháy lòng, ước chi cho tôi được vẫy vùng trong dòng Nhật Lệ. Cho tôi về với đất mẹ quê hương, cho tôi về Đồng Hới yêu thương”…  Đó là tiếng lòng của nhạc sĩ Đinh Gia Hòa, một người con Đồng Hới xa quê và cũng chính từ nỗi nhớ, niềm thương ấy đã bật lên thành tứ thơ, ý nhạc để rồi những khúc tình ca quê hương lần lượt ra đời, chứa đựng trong đó ân tình thủy chung với đất mẹ Quảng Bình và với Đà Nẵng-quê hương thứ hai của ông.
 
Đau đáu tình quê
 
Nhạc sĩ Đinh Gia Hòa trải lòng: “Mỗi khi nhắc đến quê hương, lòng tôi lại trào dâng nhiều cảm xúc, nhớ bạn cũ, người thân, thương cả con đường, góc phố. Với tôi, giọng hò khoan mênh mang sông nước, con đò nhỏ nhẹ trôi trên dòng Nhật Lệ, ngôi trường xưa, lớp học cũ… đều trở thành dòng sữa mát lành nuôi lớn tâm hồn tôi, khơi nguồn cảm hứng bất tận để tôi sáng tạo nghệ thuật…”
 
Nhạc sĩ Đinh Gia Hòa, sinh năm 1944. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là tác giả của nhiều ca khúc hay về đề tài quê hương, đất nước. Ông là thế hệ nhạc sĩ trưởng thành trong chiến tranh khốc liệt và là người có rất nhiều ca khúc hay về Quảng Bình được công chúng yêu nhạc đón nhận.

Nhạc sĩ Đinh Gia Hòa kể: Ông là người gốc Đồng Hới. Nhà ông ở đường Mẹ Suốt, thuộc phường Đồng Hải. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 (khóa học sinh đầu tiên của Trường phổ thông cấp 3 Quảng Bình, nay là Trường THPT Đào Duy Từ), cũng như nhiều thanh niên khác, ông làm đơn tình nguyện vào lực lượng thanh niên xung phong, rồi được Ty Văn hóa Quảng Bình tuyển dụng vào làm việc. Ông là người có nhiều đóng góp cho phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ngày ấy.

Để phát triển nguồn nhân lực, đơn vị đã cử ông đi học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia) về chuyên ngành đàn Accordeon. Hoàn thành chương trình đào tạo, ông về làm việc tại Đoàn Văn công Quảng Bình. Sau đó, ông chuyển công tác vào Huế rồi vào Đà Nẵng, giảng dạy âm nhạc tại Trường cao đẳng sư phạm Đà Nẵng (nay là Trường đại học sư phạm Đà Nẵng) và cống hiến ở đó cho đến khi nghỉ hưu.

Hơn 60 năm gắn bó với âm nhạc, nhạc sĩ Đinh Gia Hòa có một gia tài khá lớn với rất nhiều ca khúc được công bố và cả những ca khúc viết cho riêng mình như từng trang nhật ký bằng các thanh âm.
 
Ca khúc chứa đựng nhiều kỷ niệm nhất với ông là “Bài ca phố biển” viết trong những năm đế quốc Mỹ đánh phá Đồng Hới ác liệt. Ca khúc ra đời trong bối cảnh vào một buổi chiều, tranh thủ thời gian nhàn rỗi (khi ấy ông đang làm nhiệm vụ thanh niên xung phong), ông trèo lên ngọn đồi cao nhìn về Đồng Hới và nỗi nhớ về thành phố biển cứ thế trào dâng. Từ nỗi nhớ về một Đồng Hới đẹp: “Chan hòa gió biển”, “bốn mùa đều xanh biếc” ông đau đớn nhìn về thực tại hoang tàn đổ nát do bom đạn Mỹ và bày tỏ quyết tâm: "Vì tự do tay ta cầm chặt súng. Quyết giữ gìn trời nước biếc quê hương. Chiến thắng rồi ta lại về xây dựng. Thành phố huy hoàng Đồng Hới yêu thương”. Ngày ấy, ca khúc này có sức mạnh trong việc tuyên truyền, cổ vũ lớp lớp thanh niên lên đường vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Có thể nói, đề tài xuyên suốt trong tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Đinh Gia Hòa là quê hương, đất nước, là Đồng Hới nơi ông sinh ra, là Đà Nẵng nơi ông gắn bó và nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận. Tiêu biểu là các ca khúc: “Tiếng vọng Phong Nha”, "Mơ về Nhật Lệ", "Quảng Bình đất mẹ yêu thương", "Hoàng hôn Nhật Lệ", "Quảng Bình đón Bác", "Quê hương tôi hát mãi tên Người", "Anh cùng em hát điệu hò khoan"…, trong đó, ca khúc “Tiếng vọng Phong Nha” mang đến cho ông nhiều thành công nhất. Đây là ca khúc đoạt giải ba (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Bình và giải ba do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng. Và mới đây nhất, “Tiếng vọng Phong Nha” qua sự thể hiện của ca sĩ Trương Ngọc Mai (Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình) đã đoạt huy chương bạc tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 2022.
 
Nói về thành công của “Tiếng vọng Phong Nha”, nhạc sĩ Đinh Gia Hòa tâm sự: Khi đến Phong Nha, nhiều người chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp trước mắt: Thạch nhũ lung linh, hình hài kỳ thú của núi đá, non xanh nước biếc, cảnh sắc nên thơ… nhưng tôi lại nghĩ đến xa hơn, là tiếng vọng từ ngàn xưa, là hồn thiêng sông núi, là tiếng vang của đất, đá và là kiệt tác mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất nhiều khó khăn về vị trí địa lý, khí hậu khắc nghiệt. Sức hút của ca khúc là âm hưởng dân ca ngọt ngào có pha chất liệu ca trù tạo nên những nốt vàng như chính tựa đề: “Phong Nha, Phong Nha, tiếng vọng từ ngàn xưa, tiếng vọng thuở hồng hoang, tiếng vọng vượt không gian, ngân vang từ hồn đá…".
 
Có một tình yêu
 
Đó là tựa đề 1 ca khúc của nhạc sĩ Đinh Gia Hòa và các ca từ trong ca khúc này cũng là phương châm sống, cống hiến của ông, người luôn “cháy” hết mình với âm nhạc.
 
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bổng (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam Quảng Bình), người em, người bạn tốt của nhạc sĩ Đinh Gia Hòa cho rằng: Đinh Gia Hòa là nhạc sĩ của tình yêu. Ông yêu mỗi con đường, góc phố, sông quê, yêu vẻ đẹp của quê hương, con người nơi ông sinh ra, gắn bó… Những hình ảnh quen thuộc bắt gặp trong cuộc sống đời thường đều khơi gợi trong ông nguồn cảm hứng để sáng tác âm nhạc.
 
Với TP. Đà Nẵng, nơi gia đình ông đang sinh sống cũng là nguồn cảm hứng để ông có những ca khúc hay, nổi bật nhất là “Đà Nẵng đẹp như mơ”. Ca khúc đoạt giải A của Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng và 3 lần được biểu diễn tại khai mạc Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.
 
Là nhân chứng trong cuộc kháng chiến dành độc lập của dân tộc, nhạc sĩ Đinh Gia Hòa còn có nhiều ca khúc mang những hoài niệm về quê hương, con người trong chiến tranh và hầu như ca khúc nào của ông cũng thể hiện sự khát vọng vươn lên trước những khó khăn, thử thách. 
Nhạc sĩ Đinh Gia Hòa (bên phải) và bạn bè thường hát những ca khúc do ông sáng tác trong các cuộc vui, hội ngộ.
Nhạc sĩ Đinh Gia Hòa (bên phải) và bạn bè thường hát những ca khúc do ông sáng tác trong các cuộc vui, hội ngộ.
Bên cạnh chủ đề về quê hương, một mảng đề tài khác cũng khá thành công của nhạc sĩ Đinh Gia Hòa là đề tài về tình yêu đôi lứa, đan xen trong hầu hết tác phẩm âm nhạc. Chủ thể “anh” và “em” thường gắn với tình yêu quê hương, đất nước.
 
Nếu chỉ nghe những ca từ, thanh âm hồn nhiên, trong trẻo của “Có một tình yêu” nhiều người lầm tưởng tác giả là một người trẻ tuổi bởi ca từ đến giai điệu của ca khúc này đều toát lên sức trẻ, sự nhiệt huyết với cuộc sống: “Có một tình yêu không nói nên lời”, “không nói trên đôi môi", “không nói bằng ánh mắt” mà là để “hát trong tim” bởi “tình yêu ấy nhẹ bay như một làn hơi ấm”, “long lanh như sương sớm trên cành, “dịu êm như một dòng suối mát” và “thơm ngát hương hoa lặng lẽ dâng cho đời”…
 
Lúc tôi gọi điện thoại ngõ ý xin phép được gặp ông khi ông có dịp về quê, ông vui vẻ nhận lời. Chừng 15 phút sau ông báo: “Bác sẽ lên tàu về Đồng Hới đêm nay, sáng mai sẽ gặp cháu”. Gặp ông, tôi áy náy vì biết ông tuổi đã cao lại phải đi một quãng đường mấy trăm km bằng phương tiện công cộng nhưng ông cười rất tươi và nói: “Tôi về là về với quê hương nên tuyến đường từ Đà Nẵng-Đồng Hới với tôi rất gần, cứ như từ nhà tôi (phường Đồng Hải) lên Cộn vậy. Với lại tôi luôn nghĩ rằng: Việc hôm nay chớ để ngày mai…”.
 
Hỏi ông “bí quyết” để có sức bền cả về tuổi đời và tuổi nghề, ông nói vui là bởi ông luôn có một tình yêu trong trái tim, đó là yêu đời, yêu nghề, yêu cuộc sống. Người nghệ sĩ không cho phép tâm hồn mình già cỗi, dẫu tóc bạc, da nhăn...
 
Bởi luôn có một tình yêu nên nhạc sĩ Đinh Gia Hòa mãi giữ ngọn lửa nhiệt huyết để đóng góp cho đời những khúc tình quê ngọt ngào sâu lắng. Với ông, chỉ cần sống trọn với niềm đam mê âm nhạc là quên đi tuổi tác, chỉ còn đọng lại tình yêu nồng nàn với quê hương.
 
     Nh.V

tin liên quan

Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng

(QBĐT) - Theo quan niệm của người Mã Liềng (dân tộc Chứt), thần rừng là vị thần bảo hộ quan trọng nhất, chi phối toàn bộ đời sống của người dân. Chính vì vậy, vào những dịp quan trọng, bà con phải tổ chức cúng thần rừng...

Bến phà Long Đại và những dòng ký ức

(QBĐT) - Bộ phim tài liệu "Bến phà Long Đại và những dòng ký ức" của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình.

Vua Thiệu Trị với các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở Quảng Bình

(QBĐT) - Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đặc biệt dưới triều Nguyễn, các vua nhà Nguyễn đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong các công trình di tích, di sản ở Quảng Bình, tiêu biểu nhất là vua Thiệu Trị.