Du lịch về nguồn: Để không lãng phí tiềm năng

  • 06:36 | Thứ Bảy, 03/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không đơn thuần là một chuyến du lịch, mà là một hành trình khám phá văn hóa, lịch sử của một vùng đất. Không chỉ được vui chơi, trải nghiệm mà còn là cơ hội để mỗi du khách lắng lòng nhìn về quá khứ, để trân trọng hơn hiện tại và hy vọng về tương lai. Du lịch về nguồn, tìm đến những “địa chỉ đỏ” là loại hình du lịch mà nếu biết khai thác, tôn vinh đúng cách sẽ mang đến nhiều giá trị độc đáo và riêng có cho Quảng Bình.
 
Không thiếu tiềm năng…
 
Quảng Bình từng là vùng đất của những giao tranh lịch sử, giao thoa văn hóa. Nơi đây còn lưu dấu nhiều di tích lịch sử có giá trị, những công trình tâm linh mang đậm nét văn hóa truyền thống được bảo tồn qua nhiều thế hệ. Toàn tỉnh hiện có 136 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 55 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Hệ thống di tích lịch sử trải đều qua các địa danh trong tỉnh là cơ sở để khai thác, phát triển du lịch về nguồn. Loại hình du lịch này không chỉ tạo ra những trải nghiệm mới, thú vị mà còn là một sản phẩm đặc thù, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.
 
Xã Cự Nẫm (Bố Trạch) từng được biết đến là “Làng chiến đấu kiểu mẫu” của Quảng Bình. Trải qua hai cuộc kháng chiến ác liệt, mảnh đất này còn mang đậm dấu ấn truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, hệ thống di tích phong phú, như: Rú Nguốn, cồn Nàn, tượng đài Làng chiến đấu Cự Nẫm… Đây được coi là tiềm năng để địa phương khai thác các hoạt động du lịch lịch sử, về nguồn, văn hóa tâm linh. Hiện, Cự Nẫm đang bắt tay vào xây dựng làng văn hóa du lịch, phấn đấu đến năm 2025, Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm đủ điều kiện để công nhận khu du lịch cấp tỉnh.
 
Theo ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm, địa bàn xã sở hữu nhiều di tích lịch sử, đền chùa, miếu mạo… đây là điều kiện để phát triển du lịch lịch sử, tâm linh. Cùng với công tác quy hoạch, nhiều công trình đang được đầu tư, tôn tạo để nhanh chóng triển khai các hoạt động đón khách tham quan, tìm hiểu lịch sử địa phương gắn với các loại hình du lịch khác. Với việc tham quan những địa chỉ đỏ trên địa bàn, Cự Nẫm mong muốn sẽ góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ khi đến với Làng chiến đấu Cự Nẫm năm xưa.
Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP hứa hẹn sẽ là địa chỉ du lịch tâm linh, “đánh thức” vùng biên cương heo hút.
Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP hứa hẹn sẽ là địa chỉ du lịch tâm linh, “đánh thức” vùng biên cương heo hút.
Tháng 7/2022, sau bốn năm xây dựng, đi qua nhiều vất vả của dịch bệnh, bão lũ, Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP  tại xã Thượng Trạch (Bố Trạch) đã hoàn thành trong niềm phấn khởi của hàng vạn cựu chiến binh Trường Sơn.
 
Ông Nguyễn Đức Quang, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt-đơn vị kêu gọi tài trợ xây dựng công trình cho biết, sự hiện diện của một ngôi đền linh thiêng nơi chốn biên giới xa xôi, hứa hẹn sẽ là địa chỉ du lịch tâm linh, “đánh thức” vùng biên cương heo hút và còn nhiều nghèo khó. Nơi đây sẽ là địa điểm lui tới, tìm về ký ức của những người cựu binh từng "vào sinh, ra tử" trên con đường 20 Quyết Thắng trong những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Riêng với thế hệ trẻ, nơi chốn này nhắc nhở về những năm tháng hào hùng của cha ông đi trước, để trân trọng, biết ơn và quyết tâm gìn giữ nền hòa bình hôm nay.
 
... Nhưng còn “bỏ ngỏ”
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch, Quảng Bình có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch về nguồn, tìm hiểu văn hóa lịch sử bởi địa phương sở hữu nhiều hệ thống di tích lịch sử, được bảo tồn qua nhiều thế hệ. Đến với Quảng Bình, du khách sẽ được đi thăm các di tích văn hóa-lịch sử, như: Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng; Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-Bến phà Long Đại; Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Quảng trường Hồ Chí Minh; thăm Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình-nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật gắn với quân và dân Quảng Bình trong những năm chiến tranh…
 
“Tuy nhiên, tiềm năng nhiều nhưng khai thác chưa hiệu quả. Các địa điểm du lịch lịch sử chủ yếu do các địa phương tự khai thác mà chưa có sự tham gia chủ động của các công ty lữ hành nên chưa đủ các điều kiện đáp ứng việc đón khách, phục vụ khách du lịch, nhất là khi đón số lượng đông. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ, không mang tính bền vững”, Giám đốc Sở Du lịch thẳng thắn nhìn nhận.  
 
Kế hoạch số 117/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 01-Ctr/TU, ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu phấn đấu đưa vào khai thác 1 sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử mới gắn với đường 20 Quyết Thắng. Với sự hiện diện của công trình Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP, cùng với Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng tại xã Tân Trạch (Bố Trạch) cùng nhiều địa danh lịch sử khác, con đường 20 Quyết Thắng năm xưa sẽ là “địa chỉ đỏ” để du khách cùng đến và tri ân các thế hệ cha ông đã ngã xuống. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch về nguồn tại những địa điểm linh thiêng này cần được quan tâm, đầu tư bài bản hơn để vừa đáp ứng được yêu cầu đón khách, vừa không mất đi tính tôn nghiêm của điểm đến.
 
Tour du lịch về nguồn không còn là khái niệm chỉ dành riêng cho những cựu chiến binh muốn tìm về quá khứ mà những năm trở lại đây, loại hình du lịch này cũng có sức hút nhiều hơn đối với các bạn trẻ muốn tìm hiểu lịch sử, hiểu hơn về thế hệ cha ông đi trước. Vậy nhưng, một số điểm du lịch về nguồn còn bộc lộ hạn chế cần sớm được đầu tư, khắc phục, trong đó, điều đáng quan tâm là nguồn nhân lực chưa đáp ứng về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong phục vụ du lịch. Và phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, một số điểm di tích chưa thực sự thu hút du khách là do thiếu các hoạt động du lịch hoặc dịch vụ bổ sung khác để tăng sự thích thú khi trải nghiệm, tham quan di tích. Những điều đó dẫn đến việc tiềm năng có sẵn nhưng chưa thực sự được “đánh thức”.
 
Hoạt động du lịch về nguồn tới mỗi “địa chỉ đỏ” là một hành trình lịch sử, văn hóa mang những ý nghĩa sâu sắc. Hành trình ấy nhắc nhớ người trẻ biết ơn quá khứ, trân trọng hiện tại và hy vọng về tương lai. Để không lãng phí tiềm năng, tạo tính bền vững, du lịch về nguồn của Quảng Bình cần có một lộ trình đầu tư, khai thác bài bản, mà điều đó lại cần sự liên kết giữa các cấp, ngành và doanh nghiệp du lịch.
 
Diệu Hương

tin liên quan

Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra kinh doanh xăng dầu toàn quốc

Ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo "nóng", thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Toàn tỉnh còn 6 xã có dịch tả lợn châu Phi

(QBĐT) - Ngày 30/8, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 179 hộ/54 thôn/23 xã/4 huyện.

Phát hiện hàng ngàn sản phẩm thực phẩm nhập lậu phục vụ Tết Trung thu

(QBĐT) - Ngày 30/8, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình cho biết, Đội QLTT số 7 vừa kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Gia Huy, ở TDP 5, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới và phát hiện hàng ngàn sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu có dấu hiệu nhập lậu.