Bám biển vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển, đảo

  • 14:23 | Thứ Sáu, 02/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bố Trạch là địa phương có bờ biển dài, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế, là chỗ dựa sinh kế cho người dân ven biển. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu và các vật tư đầu vào phục vụ ngành khai thác hải sản tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của ngư dân. Dù vậy, ngư dân huyện Bố Trạch vẫn quyết tâm vượt khó, vươn khơi bám biển, không chỉ vì mưu sinh mà còn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Vượt khó bám biển sản xuất
 
Những chuyến đi biển đầu năm đến nay, giá dầu tăng cao đã làm cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ngư dân Nguyễn Đức Trung, thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch cho biết: “Gia đình tôi có một tàu đánh bắt xa bờ công suất 725CV. Những năm trước, nhờ khai thác thuận lợi, tàu thu nhập được khoảng 1 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên năm nay, mấy chuyến đi biển hầu như bị lỗ do chi phí dầu, nước đá, thực phẩm phục vụ đánh bắt hải sản đều tăng. Có tháng giá dầu quá cao, tàu chúng tôi chỉ dám khai thác những luồng định vị có cá, không thì neo tàu lại chứ không dám di chuyển vì sợ tốn nhiều chi phí. Hiện, giá dầu đã giảm, hy vọng các chuyến đi biển tới sẽ có lãi”.
 
Ông Phạm Văn Hiến, thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đức Trạch 13 là người có thâm niên đi biển hơn 30 năm. Ông Hiến chia sẻ: “Tôi có 1 tàu cá công suất 905CV với 7 lao động tham gia khai thác. Thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng cao nhưng tôi vẫn cố gắng bám trụ với nghề. Có phần may mắn hơn nhiều tàu bạn, từ đầu năm đến nay, tàu của tôi vẫn khai thác hải sản có lãi, mỗi lao động có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng”.
Khoang tàu đầy cá, mực của ngư dân Bố Trạch.
Khoang tàu đầy cá, mực của ngư dân Bố Trạch.
Đức Trạch là địa phương có số tàu cá lớn nhất huyện Bố Trạch, đa số đều khai thác xa bờ. Hiện toàn xã có 237 tàu cá với công suất trên 90CV trở lên. Ông Trương Quang An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch cho biết: “Sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản từ đầu năm đến nay đạt hơn 5.000 tấn, đạt 50,7% kế hoạch năm. So với những năm trước, sản lượng hải sản khai thác có giảm cả về số lượng và giá trị, các tàu cá gặp khó khăn do giá dầu tăng cao, thiếu lao động. Tuy nhiên, khai thác hải sản là nghề truyền thống của địa phương nên đa phần ngư dân vẫn cố gắng vượt khó, bám trụ với nghề”.
 
Cùng với xã Đức Trạch, Nhân Trạch cũng là địa phương có số tàu thuyền khá nhiều, chủ yếu khai thác gần bờ. So với việc khai thác xa bờ thì hoạt động khai thác gần bờ năm nay vẫn đạt sản lượng khá, có thu nhập cao.
 
Ông Nguyễn Văn Ân, Tổ trưởng Tổ hợp tác thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch cho biết: “Tổ hợp tác của chúng tôi có 17 tàu cá với công suất từ 33CV-150CV. Mùa biển năm nay có nhiều khó khăn do hải sản mất mùa, giá nhiên liệu tăng cao nên sản lượng khai thác và thu nhập giảm khoảng 50% so với những năm trước. Mặc dù vậy, các thành viên trong tổ hợp tác vẫn bám biển vươn khơi. Sau 6 tháng khai thác (từ tháng 2 âm lịch đến nay), thu nhập của các thành viên vẫn đạt khá cao, khoảng 15 triệu đồng/tháng, những tháng cao điểm mùa khai thác, có thuyền đạt 45 triệu đồng/người”.
 
Tự hào chủ quyền biển, đảo thiêng liêng
 
Ông Phạm Văn Hiến là dân bám biển lâu năm của huyện Bố Trạch. Nói về nghề biển, ông Hiến kể bằng tất cả niềm tự hào: “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề biển. Từ nhỏ, tôi đã theo cha đi đánh cá trên biển để mưu sinh, nghề biển đã ngấm vào máu thịt, hình ảnh con cá, con tôm, sóng biển mặn mòi đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Qua nhiều sự việc xảy ra trên biển, chúng tôi, những ngư dân đã nhận thức sâu sắc rằng bám biển còn hơn cả mưu sinh, đó là lòng tự tôn dân tộc, là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng…”.
 
Thực hiện Nghị định số 30/2010/NĐ-CP của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của Tổ quốc, nhiều tàu thuyền trên địa bàn huyện Bố Trạch đã sẵn sàng tham gia. Ông Nguyễn Đức Trung cho biết: “Gia đình tôi có 1 tàu lớn được huy động theo Nghị định số 30/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Tàu có tham gia diễn tập xử lý tình huống trên biển, qua đó cũng hiểu và nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, tiêu cực, xuyên tạc quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp trên biển. Do đó, khi nào được huy động, gia đình tôi luôn sẵn sàng tham gia vì bảo vệ biển, đảo chính là bảo vệ sự sống của chúng tôi”.
 
Để đồng hành cùng ngư dân bám biển, vươn khơi, ngày 13/7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về việc hỗ trợ nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, máy thông tin liên lạc… cho các tàu, thuyền khai thác trên biển. Theo quyết định này, toàn huyện Bố Trạch hiện có 284 tàu cá đăng ký tham gia khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Thực hiện Quyết định số 48, những năm qua, huyện Bố Trạch đã triển khai kịp thời, đúng quy định các khoản hỗ trợ cho ngư dân. Riêng năm 2021, huyện đã hỗ trợ các tàu cá 160 tỷ đồng; từ đầu năm 2022 đến nay hỗ trợ hơn 29 tỷ đồng. Nhờ vậy, các tàu thuyền đã vơi bớt khó khăn, yên tâm vươn khơi, khai thác.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy, từ đầu năm 2022 đến nay, sản lượng khai thác hải sản có tăng nhưng thu nhập của ngư dân không cao vì giá chi phí đầu vào đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất xa bờ của ngư dân. Tuy nhiên, năm nay nghề khai thác hải sản gần bờ lại được mùa, được giá. Huyện Bố Trạch luôn xác định khai thác hải sản là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Do vậy, huyện rất quan tâm đến việc khai thác hải sản xa bờ, đồng hành cùng ngư dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
 
Huyện đã chỉ đạo các địa phương thành lập nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã liên quan đến khai thác hải sản nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự trên biển. Bên cạnh đó, thời gian qua, huyện đã triển khai hiệu quả các nghị định của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của đất nước... Hàng năm, huyện thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ trang thiết bị, áo phao, cờ Tổ quốc, các phần quà… động viên ngư dân bám biển, vươn khơi.
 
Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng đánh bắt hải sản của huyện Bố Trạch đạt trên 18.000 tấn, tăng 4,2% so cùng kỳ. Toàn huyện hiện có 284 tàu cá đăng ký tham gia khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Công tác chống khai thác IUU được huyện tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức chấp hành các quy định của ngư dân, nhờ đó trong từ đầu năm đến nay chỉ có 3 lượt tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, giảm 17 lượt so với cùng kỳ năm trước.
 
Lê Mai

tin liên quan

Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra kinh doanh xăng dầu toàn quốc

Ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo "nóng", thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Vượt khó, làm giàu trên đồng đất quê hương

(QBĐT) - Rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, mang theo trong mình những vết thương do chiến tranh, nhưng cựu chiến binh (CCB), bệnh binh Trương Văn Lê, thôn Bình An, xã Gia Ninh (Quảng Ninh) đã vượt qua mọi khó khăn, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.

Phát hiện hàng ngàn sản phẩm thực phẩm nhập lậu phục vụ Tết Trung thu

(QBĐT) - Ngày 30/8, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình cho biết, Đội QLTT số 7 vừa kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Gia Huy, ở TDP 5, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới và phát hiện hàng ngàn sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu có dấu hiệu nhập lậu.