Vượt khó, làm giàu trên đồng đất quê hương
(QBĐT) - Rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, mang theo trong mình những vết thương do chiến tranh, nhưng cựu chiến binh (CCB), bệnh binh Trương Văn Lê, thôn Bình An, xã Gia Ninh (Quảng Ninh) đã vượt qua mọi khó khăn, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.
Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Trương Văn Lê lên đường nhập ngũ. Trong các trận đánh của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, ông bị thương 3 lần và được đưa ra Bắc điều trị. Năm 1975 ông phục viên trở về quê hương.
Trở về cuộc sống đời thường, cuộc sống gia đình ông gắn chặt với nghề ruộng, đánh bắt tôm, cá trên sông sống qua ngày. Tuy nhiên, ruộng bị nhiễm mặn, quanh năm ngập úng, diện tích manh mún, năng suất thấp, nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. “Lúc đó tôi nghĩ nếu không mạnh dạn chuyển đổi, không có đột phá, dám nghĩ dám làm chắc chắn cái nghèo vẫn mãi đeo bám”, ông Lê bộc bạch.
Nghĩ là làm, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp hội và sự động viên, khuyến khích của đồng đội, ông cùng với một số CCB bàn bạc và cùng thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Năm 2000, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (nay là HTX Nông nghiệp Minh Trung) chính thức được thành lập với 5 người là hội viên CCB và 17 thành viên khác. Phương châm hoạt động của HTX là sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế, đặt lợi ích của người lao động lên hàng đầu. Sau khi HTX được thành lập, ông Trương Văn Lê được các thành viên bầu làm Chủ nhiệm HTX và nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc HTX.
Khi HTX dần ổn định, ông Lê cùng HĐQT bàn bạc, vận động các thành viên góp vốn cổ phần, trong đó các CCB là nòng cốt để xây dựng vốn hoạt động. HTX Nông nghiệp Minh Trung hợp đồng bảo đảm dịch vụ sản xuất cho hơn 900 hộ dân thuộc 4 thôn Đắc Thắng, Trường An, Bình An, Bắc Ngũ với diện tích hơn 353ha ruộng lúa ở 3 vùng.
Đặc biệt, tại vùng Ông Đồng mở rộng, nằm ven phá Hạc Hải, quanh năm bị ngập, người dân chỉ làm được một vụ lúa, lại là lúa cấy nên vừa tốn công sức, năng suất lúa cũng bấp bênh, trăm sự nhờ trời. Năm được mùa năng suất lúa cũng chỉ 40-60 tạ/ha, năm mất mùa được 30 tạ/ha. Trước thực trạng đó, ông luôn trăn trở làm thế nào để vừa lợi công, vừa hạ thấp chi phí mà thu nhập lại tăng lên. Vì vậy, ông đã đề xuất cùng HĐQT chuyển đổi phương thức canh tác, đưa cơ giới vào sản xuất, đồng thời phải chuyển đổi phương thức cấy sang phương thức gieo thẳng, đưa giống lúa có năng suất cao, chịu được phèn chua vào gieo trồng.
Được sự quan tâm của Nhà nước bố trí ngân sách đầu tư dự án thủy lợi Thượng Mỹ Trung, cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền, ông Lê đề xuất quy hoạch lại đồng ruộng, hệ thống đê bao vùng nội đồng gồm 176ha phía trong đê có hệ thống mương máng bảo đảm tưới tiêu. Nhờ đó, từ vụ đông-xuân 2014-2015, toàn bộ 176ha lúa vùng Ông Đồng mở rộng và 16ha vùng ruộng biền Bắc Ngũ được chuyển từ cấy sang gieo thành công, việc làm đất cũng được cơ giới hóa.
Ngoài ra, hàng năm ông Lê cùng HĐQT tổ chức hội nghị “đầu bờ” để trực tiếp đánh giá lại những giống đã sản xuất, phân loại giống thuộc nhóm chống chịu sâu bệnh, chống chịu chua phèn và thời tiết, giống cho năng suất cao, hạt gạo chất lượng… rồi mới chọn lọc đưa vào sản xuất vụ tiếp theo. Do đó, năng suất lúa của HTX từ 40-60 tạ/ha đã tăng lên 75 tạ/ha.
Từ thành công trên, ông Lê đã hướng dẫn HTX xây dựng cánh đồng mẫu lớn, rồi cánh đồng lớn với giống chủ lực X28, sau đó chuyển sang cánh đồng lớn 150ha TBR1 cho năng suất ổn định từ 75-80 tạ/ha và trở thành cánh đồng lớn đạt hiệu quả cao của địa phương.
Ông Trương Văn Lê cho biết: Với những cố gắng của mình cùng HĐQT, HTX đã chuyển đổi thành công 2 cánh đồng có diện tích 192ha từ ruộng cấy năng suất thấp sang gieo thẳng năng suất, hiệu quả cao hơn nhiều. Nếu làm phép so sánh mọi chi phí giữa ruộng cấy và ruộng gieo thẳng, chưa kể năng suất và sản phẩm lúa thì 1 sào ruộng gieo thẳng giảm chi phí so với 1 sào ruộng cấy là 350.000 đồng, mỗi ha khoảng 7 triệu đồng. Năm 2022, HTX còn mua thêm máy cuốn rơm trị giá gần 400 triệu đồng để góp phần đem lại thu nhập cho các thành viên.
Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch Hội CCB xã Gia Ninh cho biết: Dẫu mang trong mình nhiều vết thương của chiến tranh, nhưng CCB, bệnh binh Trương Văn Lê đã phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua khó khăn, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp nhiều hội viên CCB thoát nghèo, là tấm gương để nhiều người học tập và noi theo. |
Không những thế, nhận thấy khu vực Thượng Mỹ Trung là nơi có nguồn tôm, cá tự nhiên lớn, phía trong hệ thống đê bao đồng ruộng với tổng chiều dài hơn 6.500m là cả hệ thống mương máng với nguồn nước dồi dào quanh năm đều chủ động được việc tưới tiêu, ông cùng các thành viên HTX tận dụng lợi thế để phát triển thêm nghề nuôi cá tăng thu nhập.
Trên diện tích mặt nước khoảng 40ha, ông đã phân công khoán cho người nuôi, mỗi năm HTX chỉ thu 20 triệu động. Để thuận tiện trong việc quản lý và chăm sóc cá cũng như trồng lúa, ông đã đề xuất phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng lúa và nuôi cá nước ngọt cho nông dân. Nhờ đó, mỗi năm mô hình lúa-cá đều cho thua nhập cao.
Là người đứng đầu, ông Trương Văn Lê đã cùng tập thể nỗ lực cố gắng đưa HTX đứng vững, nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như hội viên CCB. Đến nay, tổng vốn của HTX đã lên đến trên 10 tỷ đồng, doanh thu hàng năm khoảng 2 tỷ đồng. Hàng năm, HTX và chi hội CCB HTX Nông nghiệp Minh Trung còn trích quỹ làm công tác từ thiện từ 10-20 triệu đồng, tặng từ 4-6 sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sỹ, hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn…
Phạm Hà
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.