Sản xuất bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới

  • 07:58 | Thứ Tư, 24/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích.
 
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động mọi nguồn lực. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cán bộ và nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ chương trình xây dựng NTM là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”. 
 
Trong xây dựng NTM, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân luôn được huyện Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật là huyện đã tập trung chỉ đạo áp dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ sản xuất; ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu.
 
Huyện cũng thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, gồm: Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, phun mưa tự động và bán tự động trong trồng các loại cây ăn quả với diện tích hơn 10ha trên vùng gò đồi các xã Trường Xuân, Vạn Ninh, Hàm Ninh…; trồng rau trong nhà màng ở xã Võ Ninh; tưới nhỏ giọt, phun mưa cho cây rau..., sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu bệnh trên lúa…
 
Đến nay, toàn huyện có 15 cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; trong đó có 3 cơ sở thuộc lĩnh vực trồng trọt, 7 cơ sở thuộc lĩnh vực chăn nuôi và 5 cơ sở thuộc lĩnh vực thủy sản; có 10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh và 1 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được xây dựng nhãn mác, in tem truy suất nguồn gốc sản phẩm, như: Mật ong Trường Xuân, khoai gieo Hải Ninh, khoai gieo Như Mận, gạo Vĩnh Tuy, tinh dầu sả Lộc Việt… đã góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Nhiều mô hình sản xuất mới góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhiều mô hình sản xuất mới góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện đã tạo động lực thúc đẩy tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của địa phương. Đến nay, huyện Quảng Ninh có 12/14 xã đạt chuẩn NTM với 252 tiêu chí đạt chuẩn, trung bình đạt 18 tiêu chí/xã; 10 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, 2 thôn, bản ở xã miền núi khó khăn đạt chuẩn NTM. Toàn huyện có 7 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gồm: Gạo Vĩnh Tuy, dưa hấu Hàm Ninh, mật ong Trường Xuân, khoai gieo Hải Ninh, tinh dầu sả Trường Xuân, rau củ quả Võ Ninh, Hải Ninh và Gia Ninh…
 
Theo ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, trong xây dựng NTM, tỉnh và các sở, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua quá trình xây dựng NTM, hình thức sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ đã dần được thay thế bằng sản xuất, chăn nuôi tập trung.
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh, lĩnh vực trồng trọt có đã nhiều loại giống mới được đưa vào sản xuất, trong đó giống chất lượng chiếm 67% diện tích. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao được triển khai, nhân rộng, như: Mô hình trồng sen, trồng rau, quả trong nhà màng, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững, tạo ra sản phẩm có năng suất, sản lượng, chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chăn nuôi chuyển từ nông hộ sang gia trại, trang trại, phát triển theo hướng chất lượng, giá trị được đẩy mạnh. Nuôi trồng thuỷ sản từng bước phát triển theo hướng chuyển đổi mạnh từ nuôi quảng canh sang thâm canh, công nghệ cao; quy trình nuôi bền vững theo hướng VietGAP được áp dụng, trong đó một số đối tượng nuôi mới có giá trị, như: Ốc hương, tôm càng xanh... được nhân rộng.
 
Toàn tỉnh hiện có 13 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 36 chuỗi trồng trọt, 16 chuỗi chăn nuôi, 8 chuỗi thủy sản và 63 chuỗi từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, chương trình OCOP tiếp tục được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện với nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu... Đến nay, toàn tỉnh có 94 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
 
Kết quả phát triển sản xuất và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đến nay, số tiêu chí đạt được bình quân/xã là 17,2 tiêu chí, tăng 0,4 tiêu chí so với năm 2020. Toàn tỉnh có 34 vườn mẫu và 26 khu dân cư kiểu mẫu được UBND huyện công nhận theo bộ tiêu chí của tỉnh ban hành.
 
Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng cho thấy việc phát triển sản xuất bền vững trong xây dựng NTM cũng gặp nhiều khó khăn về kinh phí; liên kết theo chuỗi giá trị còn ít; chất lượng và hiệu quả hoạt động của một số hợp tác xã chưa cao. Kèm theo đó, việc triển khai chu trình OCOP ở cấp huyện hầu hết được thực hiện trên những sản phẩm đã có, chưa đưa vào những ý tưởng sản phẩm mới nhằm phát huy tính sáng tạo của cộng đồng; số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí OCOP còn thấp, chủ yếu ở hình thức hộ sản xuất, kinh doanh...
 
Xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, giúp các địa phương thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị; hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về nông thôn, tham gia xây dựng NTM; tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Bình” giai đoạn 2021-2025; chủ động huy động và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí NTM theo đúng tiến độ đề ra, trong đó ưu tiên vốn phát triển sản xuất và hạ tầng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Th.H

tin liên quan

Ánh điện sáng vùng cao-Bài 2: Mang niềm vui đến bản làng

(QBĐT) - Mới đây, PC Quảng Bình đã đầu tư xây dựng "Công trình hoàn thiện, chống quá tải lưới điện trung hạ áp khu vực Minh Hóa năm 2022", trong đó có hạng mục cấp điện cho xóm cũ, bản Ra Mai, xã Trọng Hóa (Minh Hóa), mang lại niềm vui cho bà con.

Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nước ngầm

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nhất là nước dưới đất trên địa bàn Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân. 

Ánh điện sáng vùng cao - Bài 1: Màu áo cam bên dãy Giăng Màn

(QBĐT) - Khoảng 2 thập niên trở lại đây, nhiều công trình điện lưới đã được Nhà nước đầu tư cho các xã biên giới huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa. Và cũng chừng ấy thời gian, các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Điện gắn bó với mảnh đất biên cương, giữ cho ánh điện sáng mãi…