Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường:

Miệt mài trên cung đường gió bụi

  • 06:50 | Chủ Nhật, 18/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 86 tuổi, ông vẫn miệt mài trên những cung đường đầy gió bụi cùng chiếc máy ảnh và niềm đam mê chưa một ngày nguội tắt. Đôi chân ông đã đi qua từng vùng đất của tất thảy 63 tỉnh, thành, khám phá hơn 40 đất nước, vùng lãnh thổ. Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Mạnh Thường (Hà Nội) được ví như con ong cần mẫn dâng mật ngọt cho đời khi ông có cả một tài sản đồ sộ với hơn 40 cuốn sách ảnh. Và ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn miệt mài trên hành trình bất tận ấy. 
 
Hơn 70 năm xa quê hương nhưng chất giọng Quảng Bình vẫn đậm đà trong từng lời nói. Với ông, quê hương là cả bầu trời ký ức, là động lực để cho ông vững bàn chân trên những cung đường, cả khi chiến tranh hay khi yên bình.
 
Hành trình 7 thập kỷ
 
Gặp nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường ngay khi ông vừa tham dự liên hoan ảnh nghệ thuật Bắc Trung bộ, tổ chức tại TP. Đồng Hới. Ông thu hút người đối diện bởi sự uyên bác nhưng luôn kiệm lời khi nói về mình. 86 tuổi-cái tuổi đáng lý ra được nghỉ ngơi, dưỡng già sau suốt hành trình nhọc mệt vậy mà với ông lại khác: Vẫn miệt mài, miễn là còn sức khỏe! Và hễ lúc nào quê hương cần, ông lại trở về, bất kể nắng mưa, bất kỳ sự kiện lớn, nhỏ. Câu chuyện kể vào một buổi chiều bên dòng Nhật Lệ có mặn mòi nước mắt và cả những lấp lánh niềm vui trong đôi mắt của người nghệ sĩ già.
 
Ông kể, mình sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Sơn Thủy (Lệ Thủy). Năm 13 tuổi, cậu bé Trần Mạnh Thường được gia đình gửi ra tận Nghệ An để theo đuổi con chữ. 10 ngày ròng rã đi bộ vượt hàng trăm cây số, trải qua nhiều thử thách nhưng trong cậu bé tuổi 13 khi ấy vẫn không thôi ước mơ được đến trường. Đó cũng là những bước đi đầu tiên trong suốt 7 thập kỷ ly hương khó nhọc mà cũng lắm tự hào. Năm 23 tuổi, Trần Mạnh Thường lên đường sang CHLB Đức theo học về nhiếp ảnh, đó là quãng thời gian ông lĩnh hội những kiến thức quý giá, từ đó thắp lên trong tim ngọn lửa tình yêu đặc biệt với bộ môn nghệ thuật này. 
Nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường trong buổi gặp mặt nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng “Cô bộ đội bế bé gái” sau 37 năm.
Nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường trong buổi gặp mặt nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng “Cô bộ đội bế bé gái” sau 37 năm.
Trở về nước vào đúng thời điểm đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Trần Mạnh Thường bắt đầu hành trình không biết mệt mỏi khi vừa là nhà báo chiến trường, vừa là NSNA, miệt mài trên các mặt trận ác liệt nhất. Là phóng viên của Nhà xuất bản Văn hóa, hoạt động chủ yếu ở chiến trường quân khu IV cũ, những bức ảnh của ông khi đó phản ánh sâu sắc sự ác liệt của cuộc chiến, sự hy sinh, chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.
 
Đến năm 1979, Trần Mạnh Thường là phóng viên độc nhất có mặt tại trận chiến biên giới ở tỉnh Cao Bằng. Bằng những bức ảnh đen trắng, ông đã kể lại nhiều câu chuyện thật đẹp đẽ về tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân dân Cao Bằng trong cuộc chiến chống quân xâm lược. Những bức ảnh của ông chụp giữa bom đạn chiến tranh, giữa đau thương, chết chóc đã trở thành tài sản quý giá đi cùng năm tháng cho một giai đoạn lịch sử của dân tộc ta.
 
Cũng trong ngày tháng đặc biệt này, nhà báo Trần Mạnh Thường đã chụp được bức ảnh nổi tiếng, gắn bó suốt sự nghiệp của ông đến mãi sau này: Tác phẩm “Cô bộ đội bế bé gái”. “Đó là em bé khoảng 3 tuổi ngồi khóc bên người mẹ đang nằm bất động, máu loang lổ đầy người. Cùng lúc đó, chiếc xe commanca chạy đến bỗng đỗ lại, cô bộ đội khoác súng AK trên vai, lưng quàng ba lô, nhảy xuống xe bế em bé lên đưa về tuyến sau. Thời điểm đó, tôi không nghĩ ngợi gì nhiều, nhanh chóng đưa máy lên chớp ngay khoảnh khắc đầy cảm xúc này”, ông bồi hồi nhớ lại. 
 
Rời chiến trường biên giới ở Cao Bằng, ông lại tiếp tục tham gia vào mặt trận Campuchia trong những năm 80 thế kỷ trước. Cứ thế, bước chân không mỏi của nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường vẫn ngược xuôi trên những cung đường, làm dày dặn thêm trang đời sinh động để rồi viết nên hàng chục đầu sách sống mãi với thế hệ mai sau.
 
Chia sẻ để được nhân lên
 
Ở nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường có sự uyên bác hiếm có. Những hành trang ông tích lũy được trong suốt năm tháng mải mê trên bao cung đường gió bụi được NSNA Trần Mạnh Thường đưa vào hàng chục đầu sách nổi tiếng. Ông bảo, tri thức là điều quý giá mà hễ sẻ chia thì sẽ được nhân lên. Vậy nên, như con tằm rút ruột nhả tơ, hàng chục năm nay, ông vẫn miệt mài viết sách, từ sách nhiếp ảnh đến văn học-nghệ thuật. Hơn 40 đầu sách ra đời sau năm tháng miệt mài trải nghiệm và nghiên cứu. Sử dụng thành thạo tiếng Đức và tiếng Anh, 70 năm qua, ông đã đặt chân đến hơn 40 đất nước, vùng lãnh thổ, thấu hiểu sâu sắc từng vùng đất của 63 tỉnh, thành trên dải đất Việt Nam. Với ông, đó là chất liệu quý giá để viết nên những trang sách dày dặn tri thức.
 
Với nhiếp ảnh, ông đã xuất bản 6 cuốn sách ảnh, ghi đậm dấu ấn những sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đời cầm máy của mình. Đầu năm 1980, ông có mặt tại mặt trận Campuchia, tại đây, ông cùng với một đồng nghiệp giúp cho nước bạn xuất bản hai cuốn sách ảnh: “Campuchia ngày mới” và “Campuchia hôm nay”. Năm 2020, cuốn sách ảnh “Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979” với hơn 120 bức ảnh đen trắng, bao gồm những hình ảnh hiếm hoi chụp tại mặt trận Cao Bằng từ sáng 17/2/1979, được Hội NSNA Việt Nam trao giải xuất sắc.
Tuổi đã cao nhưng nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường vẫn miệt mài viết, miệt mài đi.
Tuổi đã cao nhưng nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường vẫn miệt mài viết, miệt mài đi.
Suốt tuổi trẻ gắn bó với nghề báo và nhiếp ảnh nhưng ông lại có nhiều duyên nợ với văn học-nghệ thuật. Gia tài đồ sộ của ông là hàng chục đầu sách về nghiên cứu, lý luận văn học. Nhắc đến tác giả Trần Mạnh Thường là nghĩ ngay đến hai công trình nghiên cứu giá trị: “Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XX” và “Các tác giả văn chương Việt Nam”. Trong đó, “Các tác giả văn chương Việt Nam” gồm hai tập, dày trên 3.500 trang với hơn 1.500 tác giả văn chương Việt Nam qua nhiều thế hệ. Để thực hiện bộ sách này ông đã dành thời gian trên 10 năm để gặp gỡ các nhà văn và thu thập tư liệu… Đây là công trình khoa học có quy mô, vốn tri thức dày dặn về văn chương Việt Nam từ trước đến nay.
 
Và ông cũng là tác giả của các cuốn sách nổi tiếng, như: "Danh nhân thế giới về khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật", "1.000 nhân vật nổi tiếng thế giới", "Những người phụ nữ lừng danh thế giới", "Trên những nẻo đường tôi qua", "Các kỳ quan và di sản của nhân loại"… trong đó, nhiều cuốn được tái bản nhiều lần. Mỗi công trình là tâm huyết, là đam mê, là quả ngọt của những tích lũy từ bao cung đường gió bụi.
 
86 tuổi, ông vẫn miệt mài viết, miệt mài đi, còn sức là còn rong ruổi. Với ông, một ngày còn sống là một ngày đắm say: Say với đời và say với niềm đam mê của chính mình.
 
Nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường là hội viên Hội NSNA Việt Nam từ năm 1979, từng là Phó trưởng Ban Kiểm tra, Phó trưởng Ban Lý luận phê bình, Hội NSNA Việt Nam, là một trong những thành viên tham gia thành lập Khoa Nhiếp ảnh, Trường đại học Sân khấu điện ảnh và tham gia giảng dạy từ đó đến nay. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã có nhiều tác phẩm, cuốn sách được giải thưởng trong nước và quốc tế.
 
Diệu Hương

tin liên quan

Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng

(QBĐT) - Theo quan niệm của người Mã Liềng (dân tộc Chứt), thần rừng là vị thần bảo hộ quan trọng nhất, chi phối toàn bộ đời sống của người dân. Chính vì vậy, vào những dịp quan trọng, bà con phải tổ chức cúng thần rừng...

Bến phà Long Đại và những dòng ký ức

(QBĐT) - Bộ phim tài liệu "Bến phà Long Đại và những dòng ký ức" của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình.

Vua Thiệu Trị với các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu ở Quảng Bình

(QBĐT) - Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đặc biệt dưới triều Nguyễn, các vua nhà Nguyễn đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong các công trình di tích, di sản ở Quảng Bình, tiêu biểu nhất là vua Thiệu Trị.