Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Quảng Ninh rộn ràng trước ngày hội lớn

  • 06:52 | Thứ Tư, 24/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã trở thành nét đẹp truyền thống vào mỗi dịp Quốc khánh 2/9, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh luôn được đông đảo người dân hào hứng tham gia thi đấu, cổ vũ. Hiện, các đội bơi đang hăng say luyện tập, sẵn sàng tranh tài vào ngày hội lớn.
 
Quảng Ninh là địa phương có phong trào đua thuyền phát triển, gắn với lịch sử hình thành, phản ánh đời sống tâm linh và xã hội của vùng đất. Đua thuyền, bơi trải nơi đây có nguồn gốc gắn với tín ngưỡng cầu mưa, cầu đảo, cầu ngư... và mong muốn một vụ mùa thắng lợi của người dân qua bao thế hệ.
 
Cuộc sống bấp bênh, phụ thuộc vào tự nhiên, trời đất, sông nước, ngoài những nỗ lực của bản thân, người dân còn cần đến sự trợ giúp của thần linh để được thuận buồm xuôi gió. Vai trò và ý nghĩa tâm linh của lễ hội đua thuyền còn được phản ánh qua nghi lễ “buông phao” mang tính nhân văn sâu sắc, như một nén hương tưởng nhớ và mong muốn siêu độ cho những người tử nạn trên sông nước.
 
Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, kế thừa truyền thống, hoạt động lễ hội đua thuyền ngày càng phát huy được những giá trị tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân. Từ ngày tái lập huyện đến nay, hàng năm, Quảng Ninh đều duy trì lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, tại bến phà Quán Hàu vào dịp Quốc khánh 2/9; đây là một trong những lễ hội lớn ở Quảng Ninh, nhằm bảo tồn giá trị, bản sắc văn hóa, thể thao truyền thống, nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó cộng đồng, tạo khí thế vui tươi, sôi nổi trong ngày Tết Độc lập.
Thuyền đua nữ xã Trường Sơn tập luyện, sẵn sàng tham gia lễ hội.
Thuyền đua nữ xã Trường Sơn tập luyện, sẵn sàng tham gia lễ hội.
Để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống dịp Quốc khánh 2/9, đến thời điểm hiện tại, các đội bơi trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã cơ bản hoàn tất khâu sửa chữa, trang trí thuyền bơi và hạ thủy để tập luyện với mong muốn mang lại kết quả cao nhất.
 
Lễ hội năm nay, xã Duy Ninh tham gia 2 đội (1 đua thuyền nam và 1 đua thuyền nữ). Sau khi làm lễ hạ thủy thuyền bơi vào ngày 12/8/2022, các vận động viên đã tích cực tập luyện. “Vận động viên đội bơi của xã đều là những tay bơi xuất sắc, có sức khỏe, được lựa chọn từ các đội bơi tại các thôn trên địa bàn. Đội bơi nam gồm 30 vận động viên và đội bơi nữ gồm 15 vận động viên. Từ ngày 12/8 đến nay, các vận động viên đều chủ động tạm gác lại việc riêng để tập trung tập luyện vì đua thuyền đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả đội nên phải tập luyện kỹ lưỡng, cả đội mới thống nhất được động tác, kỹ thuật...”, ông Phạm Minh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Duy Ninh cho biết.
 
Tại xã Trường Sơn, dù đến ngày 1/9 mới diễn ra lễ hội đua thuyền nhưng ngay từ giữa tháng 8, các vận động viên đã tích cực tập luyện, sẵn sàng tham gia lễ hội. “Đây là lễ hội rất ý nghĩa nên dù là địa bàn miền núi, xa nhất huyện Quảng Ninh, Trường Sơn vẫn tham gia đội bơi nữ. Chị em tham gia đội bơi đều bận việc nhà nhưng vẫn cố gắng dành thời gian để tập luyện.
 
Không chỉ các vận động viên chú tâm đến lễ hội, mà người dân trong xã ai nấy đều quan tâm đến lễ hội này bằng cách tự nguyện góp kinh phí, hỗ trợ nhu yếu phẩm động viên tinh thần chị em. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền đã hoàn tất, đội bơi nữ xã Trường Sơn đã sẵn sàng tham gia với mong muốn đạt thành tích cao”, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì phấn khởi.
 
Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh gồm 2 phần: Phần lễ với các nghi lễ truyền thống, như: Lễ dâng hương tại Di tích lịch sử bến phà Quán Hàu vào ngày 29/8, chương trình nghệ thuật truyền thống chào mừng lễ hội vào tối ngày 29/8, lễ rước nước Giếng Tiên tại Di tích danh thắng núi Thần Đinh vào ngày 31/8; tổ chức thả hoa đăng trên sông Nhật Lệ tại bến phà Quán Hàu vào tối ngày 31/8.
 
Phần hội tổ chức đua thuyền vòng bảng trên sông Kiến Giang đoạn qua xã Duy Ninh vào ngày 30/8; vòng chung kết trên sông Nhật Lệ và lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ vào ngày 1/9. Ban Tổ chức đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, bộ phận chuyên môn liên quan.
 
Ông Ngô Đình Hướng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh cho biết, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh năm nay có sự tham gia của 12 đội thuyền đua nam (chia thành 2 bảng A-B) và 10 đội thuyền đua nữ. UBND huyện đã trang cấp thuyền đua nữ cho các địa phương, các xã đã nhận thuyền và bắt đầu dồn sức tập luyện với quyết tâm chiến thắng cao. Để động viên các đội bơi, huyện Quảng Ninh hỗ trợ 30 triệu đồng/đội bơi nam và 25 triệu đồng/đội bơi nữ.
 
Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Đầu năm 2022, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội được huyện Quảng Ninh tổ chức hàng năm vào dịp Quốc khánh 2/9 sẽ góp phần tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đây cũng là dịp để người dân địa phương và du khách được hòa mình vào lễ hội, khám phá vẻ đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế kỷ; là cơ hội để đưa hình ảnh quê hương, con người Quảng Ninh đến gần hơn với bè bạn trong nước và quốc tế”.
 
Lan Chi

tin liên quan

Ấm no nhờ lúa nếp than

(QBĐT) - Những năm gần đây, người dân xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đưa giống lúa nếp than vào canh tác trên ruộng lúa nước. Qua thời gian, lúa nếp than cho thấy sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên phát triển tốt, năng suất, hiệu quả ngày càng tăng. Nhờ trồng lúa nếp than nên nhiều hộ đồng bào Bru-Vân Kiều có cuộc sống ấm no…

Khánh thành Đền tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Trường Sơn, trọng điểm Cà Roòng-ATP

(QBĐT) - Sáng 24/7, tại xã Thượng Trạch (Bố Trạch), UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ khánh thành Đền tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP. 

Nặng lòng với quê hương

(QBĐT) - Dù công việc rất bận rộn nhưng ông vẫn có nhiều hoạt động hướng về quê hương. Ông là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo (SN 1954), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là một trong những người con Quảng Bình thành danh ở vùng đất nghìn năm văn hiến.