Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nơi dòng sông... rất hiền!

  • 06:37 | Thứ Bảy, 03/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong tứ danh hương của huyện Quảng Ninh “Văn, Võ, Cổ, Kim” có địa danh Cổ Hiền thuộc xã Hiền Ninh bây giờ... Qua bao thăng trầm, đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ, Hiền Ninh ngẩng cao đầu, sẵn sàng đối mặt với lũ “con ma, thần sấm”, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Bây giờ, dòng sông Đại Giang gắn với “tọa độ lửa” phà Long Đại, qua Hiền Ninh bình yên với đôi bờ mướt xanh.
 
Dấu ấn một vùng đất
 
Ông Trần Văn Lai, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh tự hào: “Nói đến Hiền Ninh là phải nhắc đến lũy Trường Dục thuộc hệ thống lũy Thầy, còn sau này nữa là di tích lịch sử nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quảng Ninh ở thôn Đồng Tư, Hội trường Đoàn 559, Nhà khách Đoàn 559, 3 nhà thờ các họ Trương, Nguyễn, Lê và miếu Ba Miệu... Đi mô trên đất Hiền Ninh cũng thấy di tích lịch sử, văn hóa”.
 
Dấu ấn vùng đất Hiền Ninh trong hai cuộc chiến tranh hiện lưu giữ khá nguyên vẹn tại "bảo tàng" cách mạng xã nằm trong khuôn viên di tích lịch sử Hội trường Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. "Bảo tàng" cách mạng xã Hiền Ninh đang lưu giữ trên 200 hiện vật được nhân dân sưu tầm, đóng góp suốt một quá trình dài xuyên suốt qua hai thế kỷ. Giai đoạn 1971-1973, Bộ Tư lệnh 559-Bộ đội Trường Sơn về đóng quân tại xã Hiền Ninh. Nơi đây có rất nhiều hiện vật là bom, đạn, mảnh xác máy bay Mỹ; các dụng cụ mà bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong (TNXP), nhân dân ta sử dụng trong thời chiến, gắn bó với kỷ niệm tình quân dân, chiến sự ác liệt nơi tọa độ lửa phà Long Đại...
 
Từ "bảo tàng" cách mạng xã Hiền Ninh phía bờ Nam sông Đại Giang, tôi ngược lên đường Hồ Chí Minh, ghé lại thắp nén nhang tại Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-bến phà Long Đại sau đó xuôi xuống thôn Long Đại phía bờ Bắc sông.
 
Thôn Long Đại trong kháng chiến chống Mỹ được ví như túi hứng bom đạn của máy bay địch. Thực ra với vùng đất này, tôi vốn có nhiều duyên nợ, nhất là với những nhân chứng một thời khói lửa hiện tại vẫn đang còn sống như vợ chồng bà Phan Thị Thuật, nguyên Xã đội trưởng đất lửa Hiền Ninh gan dạ một thời cùng đồng đội không quản mưa bom, bão đạn đánh trả lũ “thần sấm, con ma”, cứu người, cứu phà, bảo đảm cho “tọa độ lửa” phà Long Đại thông suốt.
Màu xanh yên bình nơi thôn Long Đại.
Màu xanh yên bình nơi thôn Long Đại.
Cách Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-bến phà Long Đại một quãng ngắn về phía hạ nguồn sông Đại Giang là Nhà bia tưởng niệm 16 liệt sỹ TNXP quê quán tỉnh Thái Bình, hy sinh tại phà Long Đại trong trận bom trưa ngày 19/9/1972.
 
Để có một Nhà bia tưởng niệm trang trọng như hiện tại, hơn 10 năm trước, những người làm Báo Quảng Bình đã cố gắng chắp nối các mảng hồi ức của từng nhân chứng một thời sống, chiến đấu ở bến phà Long Đại; trong đó có bà Phan Thị Thuật (Xã đội trưởng xã Hiền Ninh), ông Nguyễn Đình Chiến (Trung đội trưởng Trung đội dân quân trực chiến thôn Long Đại), anh Nguyễn Văn Du (cán bộ văn hóa xã Hiền Ninh, đã mất)...
 
Từ đó, sự kiện bi tráng này được tái hiện lại nguyên vẹn: Ngày 16/6/1972, khoảng 6 giờ sáng, bom rải thảm ngay giữa thôn Long Đại. Bom đánh trúng hầm lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An làm 16 người hy sinh gồm 3 nam và 13 nữ. Sau trận bom này, TNXP tỉnh Nghệ An được lệnh ra Bắc. Đại đội TNXP quê quán huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình điều động từ đường 10 về thay thế, bám trụ tại bến phà Long Đại. Gần trưa ngày 19/9/1972, máy bay Mỹ tiếp tục oanh tạc bến phà Long Đại. Những nam TNXP đang bám trụ trên sông tất thảy đều hy sinh. Bom đánh sập một hầm trú ẩn của những TNXP khác ở phía bờ Bắc.
 
Về sau này, tên các anh chị TNXP quê quán tỉnh Thái Bình hy sinh trong trận bom ngày 19/9/1972 được xác định rõ họ tên, quê quán.
 
Quê hương nặng nghĩa, nặng tình
 
Đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc, xã Hiền Ninh có đến 14 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 203 liệt sỹ, 91 thương binh, 34 bệnh binh. Hàng nghìn người dân xã Hiền Ninh sinh sống dọc theo hai bờ sông Đại Giang mất nhà, mất cửa, sẵn sàng hiến dâng tài sản của mình vì “Xe chưa qua, nhà không tiếc. Đường chưa thông, chẳng tiếc máu, tiếc công”. Đơn cử như thôn Long Đại, một thời là vùng trắng, tất cả tập trung cho tọa độ lửa phà Long Đại.
 
Cho nên người dân xã Hiền Ninh dọc đôi bờ sông Đại Giang luôn dặn dò con cháu mình đừng bao giờ quên, cố gắng đoàn kết một lòng, trân trọng máu xương những người đã khuất, từ đó xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp thêm.
 
Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh Trần Văn Lai chia sẻ: “Mặc dù điều kiện kinh tế xã nhà vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng nhưng những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức, đoàn thể và toàn dân quan tâm, nghĩa tình luôn trọn vẹn trước sau. Hàng năm vào dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh-Liệt sỹ, Quốc khánh 2/9, ngày các anh, các chị TNXP hy sinh tại bến phà Long Đại, chúng tôi đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho thân nhân gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh; tiến hành thăm viếng, thắp hương tri ân tại các “địa chỉ đỏ”. Đặc biệt, những di tích lịch sử, văn hóa trên quê hương Hiền Ninh anh hùng đang trở thành nơi giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tương lai”.
 
Ngược dòng Đại Giang, từ thị trấn Quán Hàu đến Trúc Ly, qua ngã ba Trần Xá lên bến phà Long Đại, “túi bom” khốc liệt một thời, đôi dòng sông bây giờ rất hiền với những ngôi nhà mới mọc lên, từng cánh đồng lúa, bãi bồi nặng phù sa xanh mướt ngô khoai, sắn. Dòng sông trước sau như một, vẹn nguyên tình đất, tình người.
 
Thanh Long

tin liên quan

Ấm no nhờ lúa nếp than

(QBĐT) - Những năm gần đây, người dân xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đưa giống lúa nếp than vào canh tác trên ruộng lúa nước. Qua thời gian, lúa nếp than cho thấy sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên phát triển tốt, năng suất, hiệu quả ngày càng tăng. Nhờ trồng lúa nếp than nên nhiều hộ đồng bào Bru-Vân Kiều có cuộc sống ấm no…

Lễ cúng thần rừng của người Mã Liềng

(QBĐT) - Theo quan niệm của người Mã Liềng (dân tộc Chứt), thần rừng là vị thần bảo hộ quan trọng nhất, chi phối toàn bộ đời sống của người dân. Chính vì vậy, vào những dịp quan trọng, bà con phải tổ chức cúng thần rừng...

Bến phà Long Đại và những dòng ký ức

(QBĐT) - Bộ phim tài liệu "Bến phà Long Đại và những dòng ký ức" của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình.