Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ấm no nhờ lúa nếp than

  • 07:42 | Chủ Nhật, 31/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, người dân xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đưa giống lúa nếp than vào canh tác trên ruộng lúa nước. Qua thời gian, lúa nếp than cho thấy sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên phát triển tốt, năng suất, hiệu quả ngày càng tăng. Nhờ trồng lúa nếp than nên nhiều hộ đồng bào Bru-Vân Kiều có cuộc sống ấm no,…
 
Hiệu quả gấp 5 lần lúa thường
 
Xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) có trên 92ha đất trồng lúa nước tại các bản: Cẩm Ly, Khe Giữa, Còi Đá, Cửa Mẹc… Trước đây, bà con trong xã chủ yếu trồng lúa thông thường để giải quyết vấn đề lương thực trước mắt. Tuy nhiên, do địa hình và khí hậu không mấy thuận lợi nên năng suất và sản lượng lúa nơi đây thấp so với các địa phương trong huyện. Lúa gạo sản xuất ra, bà con dùng để ăn, chăn nuôi chứ không mấy khi bán ra thị trường. Để giúp bà con nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác, năm 2017, ông Nguyễn Hữu Hán, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy (nay là Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy) đã tìm tòi và đưa vào sản xuất thành công giống lúa nếp than trên ruộng nước.
 
Đến nay, cả xã có 3ha đất trồng lúa nếp than tại bản Còi Đá và Khe Giữa. Từ những hạt giống, cây nếp nảy mầm, đẻ nhánh, ngậm sữa và cho những bông nếp trĩu hạt đen tuyền. Trồng lúa nếp than đã giúp cho đời sống kinh tế của nhiều hộ dân trong xã được cải thiện.
Bản Khe Giữa hiện có trên 11ha đất trồng lúa nước, trong đó có 2ha trồng lúa nếp than. 
Đồng bào Bru-Vân Kiềuthu hoạch lúa nếp than.
Đồng bào Bru-Vân Kiều thu hoạch lúa nếp than.
Ông Hồ Văn Hiền, Trưởng bản là người tiên phong trồng lúa nếp than với diện tích hơn 2 sào. “Để trồng lúa nếp than, tôi và bà con trong bản bảo nhau không dùng phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà chỉ ủ phân chuồng, phân xanh đem bón ruộng. Thời gian đầu gieo trồng, bà con cũng gặp nhiều khó khăn nhưng rồi được xã hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật nên bà con cũng dần quen. Nhờ trồng lúa nếp than nên gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập khá”, ông Hiền chia sẻ. 
 
Không chỉ có gia đình Trưởng bản Hồ Văn Hiền, hàng chục hộ dân khác ở bản Khe Giữa cũng dần ấm no nhờ trồng lúa nếp than. Ông Hồ Đình Tứ, một người dân ở bản phấn khởi: “Nhà có 3 sào ruộng, mình để dành 1,5 sào để trồng lúa nếp than, nửa còn lại trồng lúa thường để vừa có lúa bán, vừa có lúa ăn. Mấy năm nay, lúa nếp than được mùa, được giá lại bán nhanh nên chúng tôi mừng lắm”. Theo ông Tứ, mỗi ha lúa nếp than đạt năng suất khoảng 42 tạ/ha trong khi lúa thường đạt khoảng 50tạ/ha. Tuy nhiên, gạo nếp than có giá khoảng 50 nghìn đồng/kg nên tính ra lãi gấp 5-6 lần so với trồng lúa thường.
 
Bản Còi Đá được xem là “thủ phủ” của cây lúa nước và cũng là nơi được chọn triển khai gieo trồng giống lúa nếp than ở xã miền núi Ngân Thủy. Vụ đông-xuân vừa rồi, cả bản trồng 8ha lúa nước, trong đó có hơn 1ha lúa nếp than. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, lại trồng trên đất trồng lúa lâu năm và chăm sóc tốt nên lúa nếp than của bản rất được mùa. Ông Hồ Minh, Trưởng bản Còi Đá tâm sự: “Lúa được trồng theo hướng hữu cơ nhưng hạt chắc mẩy, cơm ăn rất ngon, dẻo và thơm lắm. Gạo sản xuất ra đều được bán cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn và khách du lịch”.
 
Mở rộng thêm diện tích
 
Đến thăm cánh đồng lúa nước ở bản Còi Đá, chúng tôi gặp bà con dân bản đang bón thúc, làm cỏ cho lúa. Gạt mồ hôi trên trán, khuôn mặt còn lấm lem bùn, chị Hồ Thị Nam kể: “Mấy năm trước, khi cán bộ xã vận động làm lúa nếp than, bà con vẫn chưa tin nên cũng thờ ơ lắm. Điều đáng mừng là lúa tốt, giá cao, ai cũng vui sướng. Mới thu hoạch xong là có người đến đặt mua hết luôn”. Vụ đông-xuân vừa qua, nhà chị Nam trồng được 2 sào lúa nếp than. Sau khi thu hoạch, phơi khô thu được hơn 4 tạ thóc. Với giá bán 35.000 đồng/kg, chị đã thu được trên 10 triệu đồng.
 
"Huyện cũng đã quan tâm chỉ đạo xã Ngân Thủy mở rộng thêm diện tích trồng lúa nếp than và chế biến thêm nhiều sản phẩm từ nếp than. Trên cơ sở đó, sẽ nhân rộng ra 3 xã miền núi để phục vụ cho khách du lịch, tăng thu nhập cho bà con. Định hướng là đưa vào sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu gạo nếp than cho các xã miền núi", ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cho hay: “Mấy năm vừa rồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách du lịch đến Ngân Thủy rất ít nên xã không mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lúa nếp than vì lo vấn đề đầu ra. Nhưng nay dịch cơ bản đã được kiểm soát, khách du lịch đến xã ngày càng đông nên chúng tôi đang vận động bà con mở rộng thêm diện tích trồng lúa nếp than lên khoảng 8-10ha. Xã đang tập trung chỉ đạo xây dựng bản Còi Đá thành bản nông thôn mới, điểm du lịch, khi đó các sản phẩm nông nghiệp của bà con như lúa nếp than sẽ được tiêu thụ nhiều hơn".
 
Hiện trên địa bàn xã Ngân Thủy, Kim Thủy, Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin đã mở tour du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều. Tour du lịch hấp dẫn với những trải nghiệm, như: Khám phá hang động, tắm suối, ngủ lều giữa rừng, cắm trại trên thung lũng tình yêu, tìm hiểu cuộc sống và thưởng thức sản vật của bà con… nên du khách rất thích thú.
 
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc công ty cho biết: “Hiện khách du lịch đến và đi qua địa bàn xã Ngân Thủy rất nhiều. Do đó, nhu cầu tiêu thụ nếp than và những sản phẩm từ nếp than cũng tăng lên. Hy vọng trong thời gian tới, địa phương sẽ quan tâm mở rộng thêm diện tích trồng lúa nếp than, đầu tư công nghệ chế biến, đóng gói, đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu để gạo nếp than đến gần hơn với khách du lịch”…
 
Xuân Vương

tin liên quan

"Hạt ngọc trời" trên dãy Trường Sơn

(QBĐT) - Hai vụ mùa gần đây, một số hộ dân ở xã Trọng Hóa (Minh Hóa) đã mạnh dạn đưa giống lúa nếp than trồng trên ruộng lúa nước để thay thế cho các giống lúa khác. 

Nặng lòng với quê hương

(QBĐT) - Dù công việc rất bận rộn nhưng ông vẫn có nhiều hoạt động hướng về quê hương. Ông là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo (SN 1954), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là một trong những người con Quảng Bình thành danh ở vùng đất nghìn năm văn hiến.

Khánh thành Đền tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Trường Sơn, trọng điểm Cà Roòng-ATP

(QBĐT) - Sáng 24/7, tại xã Thượng Trạch (Bố Trạch), UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ khánh thành Đền tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Trường Sơn đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng-ATP.