Bản Ông Tú giữ rừng

  • 12:01 | Thứ Năm, 04/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trở lại với núi rừng Trường Sơn, chúng tôi lên thăm bản Ông Tú, xã Trọng Hóa (Minh Hóa). So với 10 năm trước, bản Ông Tú giờ đã đổi thay nhiều. Cây cầu treo trị giá gần 10 tỷ đồng nối đôi bờ thượng nguồn sông Gianh, giúp học sinh và người dân tiện qua lại. Đường giao thông thuận lợi, đời sống người dân dần được nâng cao và điều đặc biệt là cánh rừng nguyên sinh có nhiều gỗ quý của bản không những được giữ nguyên mà còn phát triển hơn trước.
 
Rót ly nước chè pha mật ong rừng mời khách, Hồ Hùng, Trưởng bản Ông Tú kể lại câu chuyện giữ rừng. Năm 1994, dự án định canh định cư đã hỗ trợ cho bản Ông Tú mỗi năm 20 triệu đồng để bảo vệ rừng (BVR). Triển khai công việc, già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ và người dân bản Ông Tú ngồi lại với nhau xây dựng hương ước. Nội dung hương ước quy định, khi vào rừng đốt ong xong phải dập tắt lửa. Lấy củi không được chặt cây sống, tận thu cành ngọn mà phải lấy củi khô... Bản còn mời cán bộ xã, Kiểm lâm lên tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc và phòng cháy chữa cháy rừng…
 
Từ đó, ý thức BVR của người dân được nâng lên, hàng trăm ha rừng nguyên sinh của bản được bảo vệ, phát triển tốt. Trưởng bản Hồ Hùng tâm sự: “Người Khùa mình tự hào được mang họ Bác Hồ, là con cháu của Bác nên nghe theo lời Bác để BVR. Nhờ giữ được rừng nên cuộc sống của bà con trong bản thêm ấm no. Không những thế, rừng còn cung cấp nguồn nước, che chở cho dân bản vượt qua thiên tai, bão lũ…”.
 Một cây gỗ lớn tại rừng cộng đồng bản Ông Tú.
Một cây gỗ lớn tại rừng cộng đồng bản Ông Tú.
Nói rồi người trưởng bản “9X” dẫn tôi ra xem cây cổ thụ phía sau nhà. Đó là cây sơơng hàng trăm năm tuổi với đường kích gốc gần 2m, cao hàng chục mét, phía trên có hai tổ ong mật. Hồ Hùng nói: “Cây to, gỗ nhiều là thế nhưng không ai dám khai thác. Để cây sơơng che bóng cho dân làng, giữ nguồn nước và cho ong về làm tổ. Hai tổ ong trên đó để vài ngày cho nhiều mật rồi mới lấy chia đều cho bà con”.
 
Theo chân lực lượng Kiểm lâm và bà con dân bản, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào vào khu rừng nguyên sinh bạt ngàn xanh tốt. Không như các nơi khác, rừng gần nhà bị khai thác cạn kiệt, ở bản Ông Tú hàng trăm ha rừng nguyên sinh vẫn được bảo vệ tốt. Trong khu rừng có hàng chục nghìn cây gỗ lớn nhỏ, trong đó có nhiều loại gỗ quý từ nhóm 2 đến nhóm 8, như: Lim, táu, de, sơơng… có đường kính gốc từ 1-2m…
 
Bí thư Chi bộ bản Ông Tú Hồ Thay tâm sự: “Tuy rừng gần như thế nhưng dân không ai dám tự tiện khai thác đâu. Nếu gia đình nào có việc cần dùng tới gỗ thì phải “đăng ký”. Sau đó, bản tổ chức họp dân, thống nhất chọn cho phép chặt cây nào mới được chặt. Còn những cây bản không cho phép mà dân cứ tự ý chặt thì sẽ bị phạt theo hương ước”.
 
Anh Nguyễn Văn Thế, Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Trọng Hóa (thuộc Trạm Kiểm lâm Trọng Hóa) cho biết: “Trước đây, một nhóm lâm tặc gần chục người cũng đem máy cưa, trâu bò lên định khai thác gỗ. Thấy tình hình căng quá, dân bản báo ngay với lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng cùng phối hợp với chính quyền địa phương xử lý. Mới đây là trường hợp một người dân bản khác tự ý vào rừng bản Ông Tú cắt hạ một cây gỗ và cưa thành phẩm thì bị dân bản phát hiện, báo cáo các cơ quan chức năng lập biên bản thu gỗ và cả phương tiện khai thác”…
 
Ông Đinh Tiến Huyền, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Minh Hóa nhận xét: “Chúng tôi đánh giá cao ý thức BVR của người dân bản Ông Tú, xã Trọng Hóa và xem đây là điển hình trong phong trào BVR tại cộng đồng để tuyên truyền, nhân rộng mô hình. Trước đây, có một số chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí cho bà con trồng rừng, nhưng với bà con dân bản Ông Tú, dù nguồn kinh phí BVR không còn nữa, bà con vẫn giữ rừng rất hiệu quả”.
Nhờ BVR tốt, trong rừng có nhiều cây to nên hàng năm có hàng trăm tổ ong mật bay về làm tổ. Bình quân mỗi năm, người làm nghề lấy mật ong bản Ông Tú có thu nhập từ 5-10 triệu đồng.
 
Ông Hồ Đăm, một người dân trong bản phấn khởi: “Năm nay ong mật về làm tổ nhiều lắm, dù chưa hết mùa nhưng tôi cũng đã kiếm được trên 30 lít mật. Nếu thời tiết thuận lợi thì đến hết mùa tôi cũng kiếm được khoảng 50 lít”. Hiện mỗi lít mật ong bán tại bản có giá khoảng 300 nghìn đồng, nếu được khoảng 50 lít mật thì ông Đăm sẽ có nguồn thu khoảng 15 triệu đồng.
 
Ngoài mật ong, các lâm sản phụ trong rừng Ông Tú cũng phát triển rất nhanh, giúp bà con có thêm thu nhập. Hiện 31 hộ dân trong bản đều có nguồn thu nhập khá từ lấy mật ong, măng, đót, lá nón, dược liệu…
 
Chị Hồ Thị Chum, một người dân ở bản Ông Tú phấn khởi: “Rừng của bản nhiều măng, đót và dược liệu lắm. Mùa này thì đi lấy măng, đầu năm thì đi hái đót, còn những tháng còn lại thì đi lấy dược liệu, trồng sắn, trồng lúa… Nhờ khai thác lâm sản phụ từ rừng, gia đình mình có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm”...
 
Không chỉ giữ rừng tốt, bà con bản Ông Tú còn tích cực trồng rừng kinh tế và rừng cây bản địa. Hiện cả bản đã trồng trên 40ha cây keo và 27ha cây lim bản địa. Trong đó, nhiều hộ đã thu nhập được hàng chục triệu đồng từ tiền bán keo.
 
Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hoá, cũng là người con sinh ra và lớn lên từ bản Ông Tú cho biết: “Đối với mỗi người dân bản Ông Tú, khu rừng nguyên sinh là tài sản lớn nhất của bản. Rừng không chỉ cho gỗ để làm nhà, giữ nguồn nước ngầm mà còn là nơi che chở cho dân bản qua những mùa thiên tai, bão lũ. Nhờ giữ rừng, trồng rừng tốt nên rừng đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ dân”.
 
 Xuân Vương

tin liên quan

Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý quỹ tín dụng nhân dân

(QBĐT) - Ngày 30/7, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức lãnh lạo, quản lý cho cán bộ, lãnh đạo của Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh. 

 

Phụ nữ Quảng Trạch phát huy nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi

(QBĐT) - Nhằm giúp chị em phụ nữ có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Trạch đã nhận ủy thác cho vay với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện để triển khai nguồn vốn tín dụng. Thông qua nguồn vốn vay, nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, qua đó, vừa nâng cao thu nhập, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Làm giàu từ trang trại

(QBĐT) - Về thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch), hỏi anh Nguyễn Đức Cường (SN 1981) ai ai cũng biết bởi anh là điển hình vươn lên thoát nghèo ở địa phương.