Quảng Ninh: Tạo nguồn lao động có chất lượng

  • 07:42 | Thứ Tư, 17/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động-XKLĐ) sẽ mở ra cơ hội giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động (NLĐ). Công tác này được huyện Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo thực hiện và có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
 
Trước đây, gia đình anh Mai Bá Lương, chị Trần Thị Mơ ở thôn Lệ Kỳ 3, xã Vĩnh Ninh, thuộc diện hộ nghèo lâu năm của xã. Cuộc sống chủ yếu dựa vào vài sào ruộng khoán và thu nhập từ nghề phụ hồ của ông Lương nên rất khó khăn. Sau khi được tư vấn việc làm, XKLĐ, cuối năm 2018, gia đình anh chị đã quyết định cho người con trai vừa tốt nghiệp cao đẳng nghề sửa chữa ô tô đi XKLĐ tại Đài Loan, với mức thu nhập 20-25 triệu đồng/tháng.
 
Nhờ vậy, anh chị không những làm được ngôi nhà của mình mà còn xây thêm một ngôi nhà khang trang cho con trai. Anh Lương cho biết “Từ ngày con trai đi XKLĐ, gia đình tôi không những thoát nghèo mà cuộc sống ngày càng khấm khá hơn; không những vậy, vợ chồng tôi còn dành dụm, tiết kiệm số tiền con trai gửi về để xây cho con ngôi nhà, sau này về nước có cơ ngơi ổn định, lập gia đình và xây dựng cuộc sống”.
 
Huyện Quảng Ninh hiện có 57.967/91.662 người trong độ tuổi LĐ, chiếm tỷ lệ hơn 63% dân số. Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân cho biết: Nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, những năm qua, huyện Quảng Ninh luôn quan tâm đến việc giải quyết việc làm cho NLĐ, đặc biệt chú trọng chính sách đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực huyện Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có từ 3.000-3.500 người XKLĐ, trong đó LĐ qua đào tạo nghề chiếm 60%.
 
UBND huyện cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện cho các đơn vị tuyển dụng LĐ đến làm việc tại địa phương; theo đó, hàng năm có khoảng 10 đơn vị được giới thiệu về các xã, thị trấn tuyên truyền, tuyển dụng LĐ, với thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2023, huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng/người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng LĐ.
 Huyện Quảng Ninh chú trọng tư vấn việc làm cho thanh niên.
Huyện Quảng Ninh chú trọng tư vấn việc làm cho thanh niên.

Hàng năm, cùng với việc xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn thực hiện XKLĐ, huyện Quảng Ninh đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thông tin sâu rộng về chính sách, quyền lợi nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín, tư cách pháp nhân tuyển XKLĐ và duy trì có hiệu quả mô hình liên kết giữa chính quyền xã, thị trấn với đơn vị tuyển chọn LĐ theo yêu cầu thị trường.

Huyện cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ và LĐ thông qua hội nghị phổ biến triển khai các thông báo tuyển dụng và kế hoạch tuyển chọn LĐ tại các thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết: Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, huyện tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tín dụng chính sách đến toàn thể người dân trên địa bàn, trong đó có chương trình cho vay XKLĐ. Từ đầu năm 2018 đến hết tháng 3/2023, đơn vị đã giải ngân trên 2,2 tỷ đồng cho 35 LĐ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Các LĐ được vay vốn đều chấp hành nghĩa vụ trả nợ theo cam kết.

Công tác giải quyết việc làm nói chung và XKLĐ nói riêng trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện Quảng Ninh có 1.860 người tham gia XKLĐ, với thu nhập bình quân từ 15-30 triệu đồng/người/tháng. Nhiều địa phương có số lượng người đi LĐ ở nước ngoài khá cao, như: Hải Ninh, Vĩnh Ninh, Xuân Ninh...

Theo Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Phạm Văn Liệu, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế biển và các ngành nghề chế biến hải sản, những năm qua, xã đã tuyên truyền, vận động người dân XKLĐ. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 630 người dân XKLĐ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…, hàng năm đưa về từ 170-175 tỷ đồng, đây là nguồn thu nhập lớn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Thực tế cho thấy, việc XKLĐ đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; hơn nữa người XKLĐ sẽ có tác phong làm việc công nghiệp, kỷ luật LĐ, sẵn sàng tham gia thị trường việc làm sau khi trở về nước…Tuy nhiên, công tác XKLĐ trên địa bàn huyện Quảng Ninh vẫn còn một số tồn tại hạn chế, như: Chất lượng nguồn LĐ của huyện chưa cao, thiếu tác phong công nghiệp, trình độ ngoại ngữ, tay nghề chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường cần LĐ; một bộ phận NLĐ vi phạm hợp đồng LĐ, không chấp hành nội quy LĐ và đặc biệt là vấn đề bỏ trốn khỏi nơi làm việc, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài... làm ảnh hưởng đến uy tín hợp tác quốc tế và vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Thời gian tới, huyện Quảng Ninh tiếp tục tuyên truyền để mọi người dân hiểu đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia XKLĐ; nhất là ý thức của LĐ trong việc chấp hành pháp luật, phong tục tập quán của nước tiếp nhận LĐ; tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về đào tạo và giáo dục định hướng nghề nghiệp cho NLĐ, tạo nguồn cung LĐ có chất lượng...

Ng.Khang

tin liên quan

Thiếu hiểu biết pháp luật, vướng vòng lao lý

(QBĐT) - Tỉnh Quảng Bình có 2 nhóm dân tộc thiểu số chính là Bru-Vân Kiều và Chứt với 6.417 hộ, trên 27.000 nhân khẩu (số liệu thống kê tháng 12/2021). Địa bàn cư trú rộng, giao thông cách trở, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao... là những rào cản lớn ảnh hưởng đến việc tiếp cận chuẩn pháp luật của đồng bào. Thời gian qua, nhiều người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật đã bị vướng vào vòng lao lý.

Ấm tình quân dân

(QBĐT) - Năm 2012, bằng sự hỗ trợ từ chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn", Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã khánh thành đưa vào sử dụng Trạm Quân dân y Làng Ho ở bản Trung Đoàn (xã Kim Thủy, Lệ Thủy).

Nhặt được của rơi trả lại cho du khách

(QBĐT) - Chiều 16/5, Công an huyện Minh Hóa đã hoàn tất hồ sơ thủ tục trao trả tài sản cho 1 vị khách du lịch đánh rơi khi lưu thông trên đường Hồ Chí Minh.