Học sinh tự điều khiển mô tô đến trường: Đừng nghĩ là chuyện nhỏ

  • 07:54 | Thứ Tư, 07/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vì nhiều lý do, nhiều bậc phụ huynh cho phép con em tự điều khiển mô tô phân khối lớn đến trường không những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) cho bản thân và mọi người xung quanh, mà còn vô tình "dung dưỡng" cho các em thói quen xấu trong văn hóa giao thông và rộng hơn nữa là cách định hướng cho các em về nếp sống văn minh, tinh thần thượng tôn pháp luật.
 
Ẩn họa khôn lường
 
Hiện nay, trên các tuyến đường giao thông, từ nội thị đến các địa phương, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh tự điều khiển mô tô (có dung tích xi lanh trên 50cm3) tới trường, nhất là ở lứa tuổi THPT. Thậm chí, nhiều em còn chạy với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, vượt tín hiệu đèn đỏ... gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông.
 
Năm học bước vào kỳ thi cuối kỳ, N.T.T., học sinh một trường THPT trên địa bàn huyện Bố Trạch gặp tai nạn trên đường đến trường bằng chiếc mô tô của bố. Sau vụ va chạm giao thông, T. và người đi xe máy ngược chiều may mắn chỉ bị xây xước nhẹ nhưng cũng khiến bố mẹ em một phen hú hồn khi hay tin.
 
Chị L., mẹ em T. kể, hai vợ chồng đi làm suốt ngày, nhà cách trường gần 5km và bình thường T. đến trường bằng xe đạp điện. Nhưng hôm đó xe đạp điện bị hỏng, thấy con điện thoại thì chị cũng gật đầu cho con đi xe mô tô của bố cho kịp giờ vào lớp. Khi nghe tin con gặp tai nạn, hai vợ chồng chị cuống cả lên. Vụ va chạm lỗi hoàn toàn do T., chưa kể em chưa đủ tuổi để cấp giấy phép lái xe. May mắn không để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng từ đó chị cấm tiệt con đụng đến xe mô tô của bố mẹ.
 
Trường hợp của T. không phải là hiếm. Từ thực tế cho thấy, rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đau lòng đã xảy do các em học sinh điều khiển mô tô tới trường. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh vẫn vô tư cho phép con em đi mô tô. Trong khi, TNGT không từ một ai, chỉ một khoảnh khắc chủ quan cũng khiến con người phải trả giá bằng cả sinh mạng, sức khỏe và nhiều hệ lụy xã hội khác gây ra cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Nhiều trường hợp vi phạm bỏ chạy khi phát hiện có chốt trạm của lực lượng chức năng.
Nhiều trường hợp vi phạm bỏ chạy khi phát hiện có chốt trạm của lực lượng chức năng.
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lê Văn Thủy, lứa tuổi học sinh mới lớn rất dễ bị kích động và thích thể hiện. Việc nhiều phụ huynh, vì nhiều lý do khác nhau "lơ" cho con em tự đi mô tô đến trường, thậm chí mua hẳn mô tô cho con dù biết con chưa có giấy phép lái xe không chỉ gây mất ATGT, nguy hiểm hơn hành vi này còn có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, nhất là khi các em bị kích động, a dua tụ tập, tham gia đua xe, lạng lách, đánh võng...Và quan trọng hơn, những bậc làm bố làm mẹ đã vô tình tiếp tay, "dung dưỡng" thói quen xấu trong văn hóa tham gia giao thông cũng như cách ứng xử, tinh thần thượng tôn pháp luật.
 
Cần sự chung tay từ nhiều phía
 
Thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã mạnh tay xử lý nhiều trường hợp học sinh vi phạm quy định điều khiển mô tô đến trường. Tại TP. Đồng Hới, cuối tháng 11/2022, lực lượng chức năng đã tổ chức chuyên đề xử lý phương tiện tham gia giao thông vi phạm ATGT tập trung vào các đối tượng là học sinh của các trường THPT trên địa bàn. Cụ thể, lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập các chốt kiểm tra, tuần tra lưu động vào giờ tan trường của các trường học trên, từ đó phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
 
Còn tại TX. Ba Đồn, trung tá Đinh Thanh Tùng, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông-Trật tự, Công an TX. Ba Đồn cho biết, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý gần 250 trường hợp học sinh vi phạm quy định Luật Giao thông đường bộ. Các lỗi chủ yếu của học sinh vi phạm, như: Không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe; không đội mũ bảo hiểm; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Tuy nhiên, nhiều em học sinh khi điều khiển mô tô trên đường, chỉ cần thấy bóng dáng của lực lượng chức năng là rồ ga bỏ chạy, thậm chí chạy ngược chiều, lao lên vỉa hè để trốn tránh rất nguy hiểm.
 
Việc tuyên truyền trật tự ATGT cho các em học sinh được các trường học trên địa bàn tỉnh, phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành, rèn luyện kỹ năng tham gia giao thông. Theo đó, thông qua các buổi nói chuyện, tuyên truyền về ATGT, học sinh khối tiểu học và THCS làm quen với các tình huống giao thông gần gũi, sinh động. Với học sinh THPT, lồng ghép bài học về luật pháp để các em nhận thức rõ hơn về hậu quả của việc điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thực trạng học sinh đến trường bằng mô tô có phân khối lớn so với quy định vẫn diễn ra phức tạp.
 
Qua tìm hiểu, những học sinh vi phạm thường gửi xe mô tô ở các hàng quán, nhà dân ở cổng trường để tránh thầy cô giáo phát hiện. Nhiều trường hợp vi phạm nhiều lần, nhưng vẫn tỏ ra xem thường vì cho rằng việc ngoài cổng trường nằm ngoài quản lý của nhà trường, không sợ bị "đánh" vào hạnh kiểm. Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con em vi phạm vẫn ra sức xin xỏ, trình bày đủ mọi lý do, thậm chí khi đến nộp phạt vi phạm vẫn tỏ ra rất "bình thản". Rõ ràng, nhiều gia đình mặc nhiên chấp nhận, cho con em mình tự điều khiển xe mô tô đi lại, dù biết con em chưa đủ tuổi và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về TNGT.
 
Để giảm thiểu tối đa TNGT, nhất là tai nạn đối với lứa tuổi học sinh, cần có sự kết hợp của cả gia đình-nhà trường-xã hội. Trước hết các bậc phụ huynh phải là chốt chặn quan trọng, đừng nghĩ là việc nhỏ nhưng đã vô tình dung túng cho con em vi phạm pháp luật ngay trên ghế nhà trường.
 
Theo quy định, với học sinh từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên sẽ bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng. Ngoài ra do người điều khiển là học sinh chưa đủ tuổi nên việc phụ huynh giao xe cho con cũng sẽ bị chịu mức phạt tiền từ 800.000-2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ phương tiện.
 
P.Vũ

tin liên quan

Tổ chức phiên tòa giả định tại Trường THPT Trần Hưng Đạo

(QBĐT) - Chiều 30/11, tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, Huyện đoàn Lệ Thủy phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định, nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh, thiếu niên và học sinh.

Chăm lo đời sống cho người nghèo

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống cho người nghèo luôn được Ủy ban MTTQVN các cấp huyện Bố Trạch quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Cùng học sinh, sinh viên đến trường

(QBĐT) - Nhằm giúp những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, chương trình cho học sinh, sinh viên (HSSV) vay tiền theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg đã được triển khai. Sau 20 năm thực hiện, gói vay đã giúp hàng nghìn em được tiếp tục đến trường để thực hiện ước mơ của bản thân.