Mạng xã hội và sứ vụ của linh mục

  • 10:24 | Thứ Sáu, 02/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thay vì tận dụng những tính năng, tiện ích của mạng xã hội để loan báo lời Chúa, chia sẻ đức tin, thì một số linh mục lại lợi dụng nhằm công kích, chỉ trích, nói xấu, hạ uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ.
 
Mạng xã hội đem lại những tiện ích vô cùng to lớn và tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với những người theo đạo Công giáo thì các tính năng và tiện ích mà mạng xã hội mang lại là phương tiện thích hợp để rao giảng lời Chúa.
 
Chính Công đồng Vatican II đã thừa nhận: “Giáo hội Công giáo có nhiệm vụ phải rao giảng Tin mừng và do đó nhận thấy mình có bổn phận phải sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để loan truyền sứ điệp cứu độ và hướng dẫn con người biết sử dụng đúng đắn các phương tiện ấy” (Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, số 3).
 
Làm méo mó vai trò của mạng xã hội
 
Dòng trạng thái trên tài khoản Facebook “Vincent Điểm Cao Đông” ngày 9/11/2022 của linh mục Cao Dương Đông.
Dòng trạng thái trên tài khoản Facebook “Vincent Điểm Cao Đông” ngày 9/11/2022 của linh mục Cao Dương Đông.

Sứ mạng của linh mục chính là việc truyền giáo, loan báo tin mừng. Không riêng gì linh mục mà các tín đồ Công giáo đều mang trong mình sứ vụ thiêng liêng và cao cả đó. Việc truyền giáo được thực hiện bằng các phương thức khác nhau, như: Cầu nguyện, truyền giáo bằng lời nói, hành động, truyền giáo bằng chính tấm gương, đời sống thánh hiến của linh mục.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, vai trò của mạng xã hội trong việc truyền giáo và loan báo tin mừng ngày càng giữ vị trí hết sức quan trọng. Đặc biệt, vào thời điểm từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội trong sinh hoạt tôn giáo, tổ chức các thánh lễ, loan báo lời Chúa bằng tính năng tường thuật trực tiếp đã phát huy tác dụng.

Dự báo đây sẽ là một trong những xu hướng hoạt động tôn giáo trong tương lai khi mà các yếu tố an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh… tiềm ẩn nguy cơ đe dọa, thách thức nhân loại.

Giáo hội Công giáo nhìn nhận, đánh giá rất cao vai trò của các phương tiện truyền thông xã hội và được ví là “những quà tặng của Thiên Chúa”. Nếu biết khai thác các tiện ích, mặt tích cực của nó sẽ góp phần quan trọng trong việc thiết lập, gắn kết các mối quan hệ trong xã hội. Chính sự phát triển của mạng xã hội mở ra cơ hội lớn cho các tôn giáo, trong đó giáo hội Công giáo thể hiện đức tin, giáo lý, vị thế của mình trong đời sống xã hội.
 
Với cấu trúc và chức năng truyền thông, mạng xã hội luôn dựa trên nguyên tắc căn bản đó là vì con người. Trong sứ mệnh cao cả đó, những tiện ích của mạng xã hội luôn hướng đến mục tiêu để con người tận hưởng những tiến bộ, văn minh của nhân loại, từ đó phát triển toàn diện tâm sinh lý, nhân cách, trí tuệ, vốn sống. Đối với các tôn giáo, nếu sử dụng đúng mục đích tốt đẹp thì sẽ mang lại những tác động tích cực và hiệu quả cho xã hội. Trái lại, nếu sử dụng vào mục đích xấu sẽ gây ra không ít hệ lụy, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của giáo hội.
 
Thay vì tận dụng những tiện ích do mạng xã hội đem lại để giáo hóa tín đồ tinh thần bác ái, cảm thông, lan tỏa, chia sẻ yêu thương với mục đích hướng thiện (những cách làm thiết thực để rao giảng và loan báo lời Chúa), một số linh mục lại sử dụng mạng xã hội như là công cụ, phương tiện để tiêm nhiễm, đầu độc giáo dân, cộng đồng mạng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
 
Thể hiện rõ nhất là một số linh mục đang mục vụ tại Quảng Bình luôn mang trong mình tư tưởng chống phá nên thường xuyên lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quá trình điều hành phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành, hay các vụ việc nổi cộm, phức tạp… để sử dụng trang thông tin cá nhân trên mạng xã hội facebook nhằm công kích, chỉ trích, nói xấu chế độ, hạ uy tín chính quyền. Điển hình trong số đó là các tài khoản “Anthanh Linhgiang”, “Joseph Hao Nguyen Van”, “Vincent Điểm Cao Đông”….
 
Sự thực, trên thánh đường với vai trò của người truyền giáo, các vị linh mục nhân danh Chúa loan báo và rao giảng những lời thánh thiện, tốt đẹp. Thế nhưng, khi tham gia sử dụng mạng xã hội, không ít vị linh mục lại thiếu thiện chí, nhìn nhận cuộc sống với thái độ tiêu cực, phiến diện, lại đăng tải những điều không hay nhằm bôi lem, đầu độc tinh thần người dùng, dần dà khoét sâu mâu thuẫn xã hội. Không ít người dân và tín đồ nghi ngờ về tính khả tín của những sứ điệp mà các vị linh mục này rao giảng. Bởi trong đời sống của các linh mục đã có sự bất nhất giữa lời nói và hành động.
 
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao những người hành đạo, sống đời sống thánh hiến khi hiện diện trên mạng xã hội lại không sử dụng và biến những thành tựu của nhân loại làm cầu nối nhằm giác ngộ tín đồ, dân chúng đến với Chúa mà lại sử dụng vào mục đích đen tối, xấu xa? Bởi tấm gương về nhân cách, phong cách sống, thái độ, cách ứng xử, hoạt động tương tác của các vị linh mục trên mạng xã hội sẽ là cơ hội quý giá để giới thiệu về Chúa một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Thông qua đời sống của những người thánh hiến, những người rao giảng lời Chúa sẽ là tấm gương phản chiếu về đức tin mà họ truyền giảng.
 
Sứ vụ của người truyền giáo
 
Là môi trường được đánh giá là “ảo” nên khi tham gia mạng xã hội, đòi hỏi linh mục, những người có tiếng nói và tầm ảnh hưởng sâu rộng cần phải rao giảng, truyền bá đức tin của mình, luôn trung thành với sứ mạng mà mình theo đuổi.
 
Phải có sự nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề diễn ra trong cuộc sống một cách công tâm, khách quan, khoa học và biện chứng. Cần có sự đồng cảm, chia sẻ cùng với cộng đồng và chính quyền các cấp, không nên bới móc, tô đậm mặt trái của đời sống xã hội.
 
Điều này đòi hỏi linh mục khi đăng tải thông tin hay biểu đạt cảm xúc trước một sự việc, hiện tượng ra sao cũng cần phải cân nhắc, lựa chọn phù hợp. Bởi giờ đây, các vị linh mục không chỉ hiện diện với tư cách cá nhân mà hành động và cách ứng xử được xã hội nhìn nhận, đánh giá với tư cách nhân danh Chúa và là người của giáo hội.
 
Cũng như các môi trường khác, môi trường mạng xã hội luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức đối với người dùng. Với linh mục, nếu phát ngôn hay có những thái độ, cách hành xử phù hợp chuẩn mực với đạo đức xã hội, phong tục, truyền thống và giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc thì sẽ góp phần lan tỏa và tăng thêm vị thế, uy tín của giáo hội cũng như bản thân trước cộng đồng.
 
Nhưng một khi lời nói, cử chỉ thể hiện không đúng mực thì sẽ khiến cho cộng đồng mạng có cái nhìn sai lệch, làm giảm sút uy tín, hình ảnh về Đức Chúa, giáo hội và tin mừng. Thậm chí còn tạo ra gương xấu, kéo theo sự bắt chước học theo của không ít tín đồ, nhất là tín đồ trẻ tuổi.
 
Giáo hội Công giáo hướng đến mục tiêu đưa mạng xã hội trở thành phương tiện để Phúc Âm hóa giáo lý và đường hướng hành đạo. Điều này đòi hỏi mỗi một linh mục phải có cách nhìn nhận vị tha, niềm tin lạc quan vào cuộc sống, chu toàn sự nghiệp tu hành.
 
Có như thế mới nuôi dưỡng, ươm mầm đức tin, phát triển tâm hồn vô tư, lương thiện, trong sáng đối với mỗi tín đồ. Như trong Thông điệp cho ngày truyền thông thế giới lần thứ 48, năm 2014, Đức giáo hoàng Phanxico ước nguyện: “Truyền thông là công cụ diễn tả ơn gọi truyền giáo của cả Giáo hội; ngày nay, các mạng xã hội là một cách trải nghiệm ơn gọi này để khám phá vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Đức Ki tô. Cả trong lĩnh vực truyền thông, chúng ta cần một Giáo hội có khả năng đem lại hơi ấm và khuấy động tâm hồn”.
 
Khánh Hữu

tin liên quan

Nâng niu ký ức

(QBĐT) - Miệt mài lưu giữ những cuốn sách, hình ảnh, câu chuyện về Bố Trạch anh hùng, trong đó có quê hương Cự Nẫm, đến thời điểm này, ông Nguyễn Hữu Phi (SN 1941) đã có một "gia tài" nho nhỏ.

Nâng cao chất lượng thực hiện thỏa ước lao động tập thể

(QBĐT) - Chiều 30/11, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể. 

Cùng học sinh, sinh viên đến trường

(QBĐT) - Nhằm giúp những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, chương trình cho học sinh, sinh viên (HSSV) vay tiền theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg đã được triển khai. Sau 20 năm thực hiện, gói vay đã giúp hàng nghìn em được tiếp tục đến trường để thực hiện ước mơ của bản thân.