Bảo đảm an toàn từ các bếp ăn bán trú trường học

  • 08:04 | Thứ Ba, 29/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho các bữa ăn bán trú của học sinh hết sức quan trọng. Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các cơ sở giáo dục, nhất là cấp tiểu học và mầm non trên địa bàn toàn tỉnh đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề ATVSTP tại các bếp ăn của nhà trường. Với mục tiêu mang đến những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, an toàn cho học sinh, để các em phát triển toàn diện cả về trí lực và thể lực.
 
Ông Hoàng Đình Thi, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TX. Ba Đồn cho biết: Hàng năm, công tác kiểm tra, giám sát thực phẩm, suất ăn bán trú tại các trường trên địa bàn được phòng phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên. Qua đó để nắm bắt tình hình thực hiện các quy định về bảo đảm ATVSTP trong các bếp ăn tập thể, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế để nhắc nhở, yêu cầu các nhà trường khắc phục nhanh chóng, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt vấn đề ATVSTP được Phòng GD-ĐT thị xã đưa vào tiêu chí thi đua xếp loại chung của các nhà trường vào cuối năm học.
 
Cô Trần Thị Minh Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Ba Đồn cho biết: Năm học 2022-2023, nhà trường có 796 học sinh ở các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5, các em đăng ký ăn bán trú tại trường khoảng 65%. Để bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú, nhà trường đã hợp đồng với các đại lý cung cấp thực phẩm có thương hiệu, uy tín trên địa bàn để cung cấp suất ăn cho các em. Đồng thời giao trực tiếp cho y tế trường học kiểm tra các công đoạn thực phẩm trước và sau khi chế biến, lưu mẫu thức ăn hàng ngày; hàng tuần phối hợp cùng phụ huynh học sinh giám sát chất lượng bữa ăn, thực phẩm đầu vào, quy trình chế biến thực phẩm, bảo đảm các suất ăn của học sinh đủ chất, đủ lượng và an toàn.
 
Tại Trường mầm non Phú Hải (TP. Đồng Hới), trong năm học này tiếp nhận chăm sóc và giáo dục cho gần 220 trẻ ở 7 nhóm lớp. Tỷ lệ trẻ ăn bán trú tại trường luôn đạt 100%. Vào giờ ăn trưa, các cô giáo, cô nuôi của trường đều dùng găng tay, đeo khẩu trang gọn gàng trong quá trình chế biến và chia khẩu phần thức ăn cho trẻ. Mọi vật dụng, dụng cụ nấu ăn, đựng thực phẩm đều được rửa sạch, để khô ráo và xếp gọn gàng, ngăn nắp.
Chi cục ATVSTP kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn trường học.
Chi cục ATVSTP kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn trường học.
Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để công tác bán trú đạt hiệu quả, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, chăm sóc, nuôi dưỡng, thực hiện các công tác bán trú theo quy định; công khai thực đơn hàng ngày, hàng tuần. Nhà trường tiến hành ký cam kết hợp đồng với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn thực phẩm đầu vào chất lượng, ATVSTP và luôn lưu mẫu thức ăn hàng ngày. Nhà trường cũng đã thay đổi hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ ăn bằng khay, góp phần nâng cao kỹ năng tự phục vụ và giáo dục văn hóa ăn uống cho trẻ…
 
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 407 cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể, trong đó có 344 bếp ăn tại trường mầm non công lập, 16 bếp ăn trong cơ sở mầm non tư thục, 63 bếp ăn tại trường tiểu học. Thời gian qua, việc bảo đảm ATVSTP trong các bếp ăn bán trú trên địa bàn tỉnh luôn được các nhà trường thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, Chi cục ATVSTP tổ chức kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể trong nhà trường.
 
Ngành GD-ĐT thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn kiến thức về ATVSTP, khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ giáo viên, cô nuôi trong các nhà trường. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc lựa chọn và chế biến thực phẩm, chấp hành đúng các quy định của pháp luật về ATVSTP. 
 
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Lê Minh Tiến cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có bếp ăn tập thể trong trường học trên địa bàn toàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm sử dụng trong chế biến thực phẩm.
 
Đồng thời, kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan, nâng cao kiến thức cho đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể trong trường học, cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh các trường trên địa bàn. Từ đó, phát hiện, kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về ATVSTP; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn nâng cao nhận thức về ATVSTP cho các trường học có bếp ăn bán trú, nội trú ở một số địa bàn còn lại trên toàn tỉnh.
 
Đặc biệt, Sở Y tế cũng đã có công văn gửi các huyện, thị xã, thành phố về tăng cường bảo đảm ATVSTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm năm học 2022-2023; yêu cầu các trường học trên địa bàn triển khai rà soát, tuân thủ đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật về các điều kiện bảo đảm ATVSTP đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ... của người tham gia chế biến thực phẩm; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn và kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào.
 
Cùng với đó, thông tin kịp thời các sản phẩm, cơ sở không bảo đảm ATVSTP để nhà trường và phụ huynh học sinh được biết; giám sát chặt chẽ chất lượng nước uống trực tiếp cho học sinh; các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí hoặc phân phát trong các chương trình giới thiệu sản phẩm, quảng cáo, bán, quà tặng do các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực nhà trường. Trường hợp phát hiện hay nghi ngờ sản phẩm không bảo đảm an toàn, yêu cầu tạm dừng sử dụng sản phẩm và thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương để xác minh, xử lý.
 
Có thể nói, ATVSTP trong các bếp ăn tập thể nói chung và trong trường học nói riêng là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Xác định, để trẻ phát triển toàn diện, những bữa ăn chất lượng, ngon, bảo đảm ATVSTP cho học sinh đang được các trường học trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, bởi làm tốt điều này sẽ góp phần giúp học sinh có thêm sức khỏe để học tập và giúp phụ huynh học sinh yên tâm hơn khi cho con đến trường.
 
Theo các chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện vì thế rất dễ bị ngộ độc thức ăn. Ngộ độc ở trẻ rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Bố mẹ và nhà trường cần chủ động kiểm soát chất lượng bữa ăn và cần hướng dẫn trẻ một số kỹ năng để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, như: Rửa tay trước khi ăn, nhất là khi ăn bốc; dạy con chỉ uống nước đã đun sôi; hạn chế cho trẻ ăn quà vặt khi có những dấu hiệu bất ổn từ hình thức lẫn chất lượng; đặc biệt, hướng dẫn con không ăn quà bánh, thực phẩm có màu khác lạ, quá sặc sỡ, có mùi lạ; dạy con tránh ăn những thực phẩm không được bảo quản cẩn thận, không có tủ kính che đuổi ruồi, bụi; dạy trẻ không ăn nấm, rau, củ, quả lạ...
 
Thành Trung
(CDC Quảng Bình)

tin liên quan

Chị Hoa "bảo hiểm"

(QBĐT) - Tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm với công tác vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình là những gì chúng tôi được giới thiệu về chị Hà Thị Hoa (SN 1972).

Lời cảm tạ

Lời cảm tạ

Gần 2.600 bài dự thi tìm hiểu giá trị về tín ngưỡng, tôn giáo

(QBĐT) - Hưởng ứng cuộc thi "Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã triển khai trong toàn thể cán bộ, đoàn viên, người lao động.