Giải pháp nào cho câu chuyện "người rơm"?

  • 08:08 | Thứ Năm, 24/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Người rơm” là cách gọi những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh và châu Âu. Khi ký ức về vụ việc 39 công dân tử vong trong vụ nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh năm 2019 vẫn chưa nguôi ngoai, thì tại Quảng Bình, tình trạng người lao động phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã trở nên báo động. Vậy đâu là nguyên nhân và cần giải pháp nào cho câu chuyện “người rơm”?
 
Thực trạng và nguyên nhân
 
Theo thống kê từ Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS), từ năm 2007-tháng 9/2022, toàn tỉnh có 2.442 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, trong số này có 716 lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại nước sở tại. Mới đây nhất, thực hiện chương trình đưa lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc, đã có 34/41 lao động (đợt 1) bỏ trốn. Điều này đã ảnh hưởng đến những lao động được tuyển chọn để xuất cảnh đợt 2 khi chính quyền TP. Yeongju (Hàn Quốc) đã chính thức từ chối nhập cảnh bởi việc người lao động bỏ trốn đợt 1.
 
Những con số nêu trên là cảnh báo nghiêm trọng đối với thị trường lao động các nước nói chung, Hàn Quốc nói riêng. Tuy nhiên điều đáng nói nữa là trên thực tế, số lượng “người rơm” của Quảng Bình còn lớn hơn nhiều khi người dân nhập cảnh trái phép bằng những hình thức khác như đi du lịch rồi bỏ trốn. Điều này đã khiến Quảng Bình trở thành địa phương nằm trong “danh sách đen” của một số nước, đặc biệt là Hàn Quốc.
 
Đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Với Quảng Bình, những năm qua, nguồn ngoại tệ từ lao động ở nước ngoài đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình và địa phương. Tuy nhiên mặt trái của nó là tình trạng nhập cảnh, cư trú và lao động bất hợp pháp, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự của nước sở tại, mà đe dọa đến tính mạng của công dân, uy tín của tỉnh, của đất nước trong thị trường lao động quốc tế.
 
Để hạn chế tình trạng này, các cấp, ngành đã phân tích nguyên nhân, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Tại diễn đàn Quốc hội, ngày 27/10/2022, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề cập đến vấn đề này. Nêu ví dụ về vụ việc 39 người tử vong trên đường nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh và 1.000 lao động được giải cứu tại Campuchia, đại biểu nhấn mạnh, thảm kịch “người rơm” ngày càng diễn biến phức tạp.
 
Với những lợi ích trước mắt và các chiêu thức lừa đảo “việc nhẹ lương cao”, người lao động đã dễ dàng phá vỡ hợp đồng, nhập cư, lao động bất hợp pháp hoặc bị lừa sang nước ngoài. Trong nhiều trường hợp, họ bất đắc dĩ trở thành tội phạm công nghệ cao, lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng, bị đánh đập, tra tấn, bị bán từ casino này sang casino khác, bị đòi trả tiền chuộc… Và điều đáng buồn là sau khi được giải cứu, những cạm bẫy vẫn tiếp tục chực chờ, bài toán việc làm vẫn còn bỏ ngỏ. Lao động thời vụ bỏ trốn đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hợp tác của tỉnh và hành trình mưu sinh của nhiều người.   
 
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này là người lao động “khát” việc làm, đặc biệt là sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm đánh giá và có các giải pháp cụ thể nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề gốc rễ này, đặc biệt là thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình cho vay hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm.
 
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp, tiếp tục siết chặt việc quản lý các công ty môi giới đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc triệt phá các đường dây môi giới mua, bán người; tăng cường xử lý các loại tội phạm lừa đảo qua app…
Lao động phỏng vấn tham gia chương trình đi lao động tại Hàn Quốc.
Lao động phỏng vấn tham gia chương trình đi lao động tại Hàn Quốc.
Cùng với nguyên nhân cốt lõi nêu trên, ý thức tự giác của một số người dân chưa cao, còn vì lợi ích trước mắt mà gây ảnh hưởng đến lợi ích chung; các cơ chế ràng buộc người lao động chưa đủ chặt chẽ; công tác tuyên truyền, vận động chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả… là những nguyên nhân khá phổ biến.
 
Bố Trạch là một trong những địa bàn thực hiện tốt chính sách đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Lợi ích mang lại từ chương trình đã được khẳng định khi đời sống của người dân tăng cao, diện mạo các địa phương có tỷ lệ người lao động ở nước ngoài cao ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên bên cạnh đó, tình trạng lao động phá vỡ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp ở các nước cũng là vấn đề "đau đầu" của địa phương.
 
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, áp lực về việc làm tại địa phương ngày càng gia tăng, nhất là sau dịch Covid-19, toàn huyện có trên 14.000 người về quê, số người trong độ tuổi lao động khoảng 9.000. Đưa người đi lao động ở nước ngoài là một trong những giải pháp rất hiệu quả mà thực tế đã chứng minh, vì vậy, huyện luôn nỗ lực và đạt kết quả cao. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có khoảng 2.300 lao động xuất cảnh (kế hoạch 1.150 lao động). Đến thời điểm này, Bố Trạch chưa có trường hợp lao động bị lừa đảo, tuy nhiên tình trạng bỏ trốn, cư trú và lao động bất hợp pháp đã xảy ra.
 
Cần chế tài đủ mạnh
 
Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên cũng như từng bước ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú và lao động bất hợp pháp, Bố Trạch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, huyện trực tiếp làm việc với các đơn vị tuyển dụng lao động có uy tín, kết nối với các xã, thôn để tránh tình trạng lừa đảo.
 
Huyện cũng tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động, tuyên truyền định hướng để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng. Nhằm giúp người lao động, nhất lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, huyện đã kết nối các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp đỡ bà con vay vốn, đồng thời lồng ghép hoạt động tuyên truyền để người lao động nâng cao ý thức tự giác, vì lợi ích chung.
 
Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lao động phá vỡ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại các nước, thời gian qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng tuyên truyền, vận động, thuyết phục người lao động. Từ câu chuyện 34 trường hợp bỏ trốn trong chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc vừa qua, các sở, ban, ngành liên quan đã và đang rà soát lại các khâu tổ chức, công tác quản lý người lao động, xử lý vi phạm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
 
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cùng với những quyền lợi mà người lao động nhận được, cấp ủy, chính quyền các cấp và sở, ngành cần xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý khi người lao động vi phạm hợp đồng, nhằm bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động ở nước ngoài cũng như uy tín của địa phương. Nếu câu chuyện “người rơm” không được ngăn chặn kịp thời và hiệu quả, những thảm kịch đối với người nhập cư và lao động bất hợp pháp vẫn sẽ luôn rình rập với nhiều hậu quả đau lòng.
 
 Ngọc Mai

tin liên quan

Đường du lịch... không biển chỉ dẫn

(QBĐT) - Đó là tình trạng đã diễn ra nhiều năm nay tại ngã tư Cự Nẫm, xã Cự Nẫm (Bố Trạch), nơi lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá lớn.

Hội thảo phòng, chống tảo hôn và mua bán người

(QBĐT) - Sáng 23/11, Tỉnh đoàn Quảng Bình và Tổ chức quốc tế Plan tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường phối hợp để phòng, chống tảo hôn và phòng, chống mua bán người cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.

Thực hiện 138 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo

(QBĐT) - Từ đầu năm 2022 đến nay, Hội LHPN huyện Minh Hóa đã triển khai thực hiện 138 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo...