Kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
(QBĐT) - Thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) cũng như việc khẳng định thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sở cũng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) trong SXKD trên địa bàn.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng một số cơ sở SXKD thực phẩm và người dân chưa nhận thức đầy đủ về Luật ATTP và các quy định về bảo đảm ATTP, vì lợi nhuận kinh tế chưa tự giác chấp hành các quy định về ATTP...
Để bảo đảm ATTP cho người dân, song song với việc thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý giúp người SXKD phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo đảm chất lượng ATTP, Sở Công thương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi thực hiện không đúng các quy định về ATTP.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, sở đã thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra 40 đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành quản lý trên địa bàn toàn tỉnh.
Qua kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở đều bảo đảm các điều kiện ATTP theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở vi phạm các lỗi nhỏ, như: Bố trí quy trình sản xuất chưa hợp lý; sử dụng bao bì ghi địa chỉ sản xuất không đúng với địa chỉ thực tế; chưa thực hiện việc công bố lại sản phẩm khi có sự thay đổi về địa điểm sản xuất; trang thiết bị dụng cụ dùng chế biến thực phẩm không phù hợp… Các lỗi này đều được đoàn kiểm tra nhắc nhở để thực hiện khắc phục trước ngày 31/12/2022.
Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã hướng dẫn, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 24 cơ sở SXKD; tiếp nhận bản tự công bố của 8 tổ chức, cá nhân với 20 sản phẩm các loại.
Ngoài ra, sở cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATTP thông qua nhiều hình thức, như: Tổ chức lớp tập huấn cho 350 học viên nhằm cung cấp những kiến thức, các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật mới về ATTP trong phạm vi quản lý của ngành đến các cơ sở SXKD thực phẩm; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tới người dân; tuyên truyền qua website của sở, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình…
Tại các chợ truyền thống, sở cũng đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, nâng cao ý thức các hộ tiểu thương kinh doanh trên địa bàn thực hiện đúng quy định vệ sinh ATTP.
Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, công tác bảo đảm ATTP luôn được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm các quy định của pháp luật. Hiện trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều cửa hàng bán nông sản sạch bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, là kênh phân phối hiệu quả về thực phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.
Với hoạt động kiểm tra, kiểm soát kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, quy định pháp luật về thương mại về ATTP đã góp phần nâng cao nhận thức, thực hiện đúng quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP cho tổ chức, cá nhân tham gia SXKD, hướng đến ổn định thị trường, bảo vệ sức khỏe lẫn quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương.
Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP tỉnh triển khai công tác hậu kiểm về ATTP năm 2022, ngày 18/3/2022 Sở Công thương cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về ATTP năm 2022. Kế hoạch nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của ngành Công thương; đánh giá việc chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở SXKD, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; hướng dẫn các cơ sở SXKD thực phẩm thực hiện bảo đảm ATTP đúng theo quy định của pháp luật…
Theo đánh giá của Sở Công thương, đến nay, đa số các cơ sở SXKD đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, bảo hành sản phẩm. Người tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vệ sinh ATTP…
|
Thực hiện kế hoạch, đoàn kiểm tra tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu: Nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản, quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm.
Tiếp đến, hậu kiểm việc chấp hành pháp luật về ATTP; chú trọng hậu kiểm về điều kiện của cơ sở SXKD thực phẩm; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố/tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo; lấy mẫu kiểm nghiệm…
Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm ATTP, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là khâu hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong SXKD; trong đó tập trung vào các dịp lễ Tết, tháng ATTP, Tết Trung thu, lễ hội mùa xuân…
Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức về ATTP, các quy định của Luật ATTP đến các cá nhân, tổ chức SXKD thực phẩm. Đặc biệt, sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết để giúp người dân biết cách lựa chọn những thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Thanh Hoa
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.