Phát triển nuôi trồng thủy sản ở Lệ Thủy

  • 07:51 | Thứ Hai, 21/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa hình, những năm qua, huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
 
Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển NTTS, xã Tân Thủy (Lệ Thủy) hiện có 308ha diện tích nuôi thủy sản, trong đó, diện tích lúa-cá 60ha, diện tích cá vụ ba là 144ha, cá ao hồ là 104ha. Các hộ nông dân ở đây chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống, như: Chép, mè, diếc, lóc, trắm...; sản lượng hàng năm đạt trên 280 tấn với tổng giá trị ước đạt 16,3 tỷ đồng.
 
Chị Dương Thị Thúy, thôn Tân Ninh, xã Tân Thủy là một trong những hộ gia đình NTTS lớn của xã. Hiện gia đình chị có 4 ao cá lớn để ươm cá giống. Hàng năm, chị nhập khoảng 1 tấn cá con từ 3-5 ngày tuổi thả xuống ao ươm. Đến thời điểm người dân gặt xong lúa, chị đấu thầu các diện tích ruộng để thả cá vụ ba. Với diện tích cá vụ ba trên 15ha, mỗi năm gia đình chị cung cấp ra thị trường trên 6 tấn cá giống, chủ yếu cho các hộ trong xã và các xã lân cận để nuôi thành cá thương phẩm.
 
Chị Thúy cho biết, mỗi năm gia đình đầu tư trên 100 triệu đồng mua cá giống các loại như cá trắm, mè, diếc. Để duy trì tỷ lệ cá sống, cần tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật, ao nuôi luôn được vệ sinh sạch sẽ, cá giống có nguồn gốc rõ ràng. Mỗi năm gia đình chị thu lãi hàng trăm triệu đồng, có năm gần 300 triệu đồng từ nghề nuôi cá giống.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thủy Lê Thuận Quynh cho biết: Để người dân phát triển NTTS bền vững, xã đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất, hỗ trợ đấu thầu ruộng đồng để thả cá vụ ba. Ngoài ra, địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn quan tâm hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật NTTS, trang bị các kiến thức về vệ sinh ao hồ, phòng chống dịch bệnh, chọn giống..., góp phần nâng cao sản lượng và thu nhập cho người dân. 
Nuôi trồng thủy sản mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện.
Nuôi trồng thủy sản mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện.
Cũng như xã Tân Thủy, xã Thanh Thủy hiện có trên 70ha diện tích NTTS, trong đó, diện tích ao hồ, bể xi măng là trên 7ha, diện tích nuôi lúa-cá là 63ha. Mỗi năm tổng sản lượng thu được trên 68 tấn, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Để đồng hành hiệu quả cùng các hộ sản xuất, các đoàn thể trên địa bàn xã đã tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ người dân đa dạng hóa các loại thủy sản.
 
Để khuyến khích người dân phát triển NTTS, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Chi cục Thủy sản hỗ trợ con giống và vốn vay cho người dân. Đến nay, toàn huyện Lệ Thủy có tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 2.338ha, trong đó diện tích nuôi cá ao hồ 655ha, cá-lúa, cá vụ ba đạt 1.442ha, nuôi hồ đập, mặt nước lớn 195ha, nuôi tôm 32ha, nuôi khác 13ha. Đến thời điểm này, bà con cơ bản đã thu hoạch xong cá-lúa và một phần cá ao hồ. Tổng sản lượng thủy sản năm 2022 ước đạt 11.184 tấn, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng 4.115 tấn, sản lượng thủy sản khai thác 7.069 tấn.
 
Mặc dù đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nhưng NTTS trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng rất lớn của mưa lũ. Nguy cơ tràn bờ, thất thoát cá là mối lo ngại thường trực của người NTTS.
 
Là hộ gia đình nuôi cá nhiều năm, gia đình ông Ngô Văn Châu, thôn Đăng Lộc 1, xã Cam Thủy có 3 hồ nuôi cá giống, mỗi năm gia đình ông thả trên 1 tạ cá giống đủ loại. Tuy nhiên theo ông, nghề nuôi cá cũng gặp nhiều rủi ro. Như trận lụt tháng 10/2020, gia đình ông mất trắng 50 triệu đồng khi nước lũ lên quá nhanh, không ngăn được nước tràn bờ.
 
Cũng như ông Châu, gia đình chị Thúy đầu tư mua lưới, kéo múi, đắp bờ tránh rủi ro thiên tai cũng như chuột phá hoại. Tuy nhiên, theo chị Thúy, vào mùa mưa bão, nếu nước lên nhanh hay quá lớn thì bao nhiêu lưới cũng chịu. Hoặc thời tiết lạnh quá cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cá, sản lượng nuôi trồng cũng đạt thấp.
 
Để giảm bớt rủi ro cho các hộ NTTS, hàng năm huyện Lệ Thủy đều hướng dẫn người dân thu hoạch toàn bộ diện tích cá-lúa, đối với cá ao hồ, tiến hành thu tỉa hoặc thu hoạch toàn bộ khi đối tượng đạt kích cỡ thương phẩm, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế NTTS trái vụ để tránh bị thiệt hại do mưa lũ, rét đậm, rét hại.
 
UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ NTTS kê khai sản xuất ban đầu theo Nghị định số số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và nắm bắt tình hình NTTS trên địa bàn quản lý để  có cơ sở hỗ trợ cho người dân khi thiên tai, lũ lụt xảy ra.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết: Xác định đây là một trong những hướng đi hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện tăng cường chỉ đạo người dân phát triển NTTS, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về đất đai, mặt nước... Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện tiếp tục hỗ trợ bà con đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, phát triển nuôi thâm canh, bán thâm canh, nuôi các đối tượng có chất lượng và giá trị kinh tế cao, các loài đặc sản như cá chạch, cá chình, tôm càng xanh... để phục vụ và đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhằm tạo hướng đi bền vững, huyện Lệ Thủy khuyến khích các hộ đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị để sơ chế, chế biến thủy sản. Trước mắt, huyện đang triển khai cơ chế hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến đối với sản phẩm cá lóc và ếch thương phẩm.
 
Phạm Hà

tin liên quan

Bế mạc hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29

Sáng 19/11, tại Bangkok (Thái Lan), các Nhà Lãnh đạo APEC tiếp tục họp phiên thứ hai của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 với chủ đề "Thương mại và Đầu tư bền vững".
 

"Sản phẩm xanh" vì sức khỏe người tiêu dùng

(QBĐT) - Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hữu ích từ các nguyên liệu sẵn có tại quê hương, chị Vũ Thị Hoàn, xã Dương Thủy (Lệ Thủy) đã sản xuất các"sản phẩm xanh", như: Nước rửa chén, dầu gội đầu, nước lau sàn nhà, sữa tắm, ngũ cốc dinh dưỡng…

Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Sáng nay, 18/11, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm đã đi kiểm tra tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.