Hỗ trợ nông dân thoát nghèo bền vững

  • 07:56 | Thứ Hai, 14/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, giúp đỡ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
 
Gia đình ông Trần Văn Thanh (SN 1958, xã Đồng Hóa, Tuyên Hóa) là hộ cận nghèo của xã. Hai vợ chồng với 6 đứa con luôn sống trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Năm 2014, ông được HND huyện hỗ trợ vay vốn 70 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và 12 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của xã để phát triển kinh tế.
 
Từ nguồn vốn ưu đãi, gia đình ông nuôi thử nghiệm 5 lợn thịt, 2 lợn nái. Ông Thanh cho biết: Ban đầu, gia đình gặp không ít khó khăn do thiếu kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, đàn lợn phát triển chậm, hiệu quả không cao. Không nản chí, ông tiếp tục học hỏi kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn do HND xã, huyện tổ chức, tham quan các mô hình và tự nghiên cứu thêm trên sách, báo, tivi để có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình.
 
Năm 2018, ông tiếp tục đầu tư nuôi 20 lợn thịt, 3 lợn nái, 100 gà thả vườn và làm đại lý thức ăn chăn nuôi... Nhờ áp dụng hiệu quả kiến thức chăn nuôi thú y nên đàn lợn, gà phát triển, sinh sản tốt, đến năm 2019, gia đình ông đã trả được nợ ngân hàng và vươn lên thoát nghèo. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục đầu tư thêm lợn thịt, lợn nái, gà thả vườn. Đến nay, gia đình ông nuôi 7 lợn nái, 30 lợn thịt mỗi lứa, 4 con lợn đực làm dịch vụ phối giống, 250 con gà thịt. Mỗi năm, mô hình đem đến lãi ròng cho gia đình ông trên 160 triệu đồng. 
Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nông dân các cấp, ông Trần Văn Thanh đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Nông dân các cấp, ông Trần Văn Thanh đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Chị Hồ Thị Hòa, dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh) là hội viên nông dân nghèo, có 4 đứa con, hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình dựa vào nương rẫy. Năm 2014, gia đình chị được HND tỉnh cho vay 15 triệu đồng không lãi suất để mua bò giống, đồng thời được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ cần cù chịu khó, từ con bò giống sinh sản được hỗ trợ vốn ban đầu, sau 5 năm, chị đã có 3 con bò, đây là tài sản lớn mà trước kia chị chưa dám nghĩ tới. Năm 2019, gia đình chị Hồ Thị Hòa đã không còn nằm trong danh sách hộ nghèo.
 
Đây chỉ là 2 trong nhiều hộ nông dân được các cấp HND hỗ trợ "cần câu" để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Quá trình triển khai, tùy theo nhu cầu, điều kiện và khả năng thực tế của mỗi gia đình, HND các cấp sẽ có hình thức hỗ trợ phù hợp.
 
Với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, tương thân tương ái, những năm qua, các cấp HND trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Cùng với đó, các cấp HND còn giúp hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Hội đã đẩy mạnh hoạt động tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối thị trường, quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước, góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống cho nông dân.
 
Năm 2022, các cấp hội đã phối hợp với Trung ương Hội, các sở, ngành tổ chức hơn 2.300 buổi tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề; tổ chức 4 hội thảo “Định hướng nghề nghiệp năm 2022” tại 4 xã: Hưng Trạch, Hạ Trạch (Bố Trạch), Lâm Hóa (Tuyên Hóa), Hàm Ninh (Quảng Ninh) cho hơn 100 lao người lao động trong độ tuổi và có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, du học....
 
Ban Thường vụ các cấp HND còn tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, HĐND các địa phương quan tâm cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho Quỹ HTND. Từ đầu năm đến nay, nguồn quỹ cấp tỉnh tăng 7,2 tỷ đồng, cấp huyện tăng 1,2 tỷ đồng, cấp xã vận động được trên 520 triệu đồng. Đến ngày 31/10/2022, tổng nguồn quỹ trong tỉnh trên 44,9 tỷ đồng. Từ nguồn cấp bổ sung và nguồn quay vòng vốn, Quỹ HTND tỉnh đã hướng dẫn lập dự án, thẩm định và giải ngân 52 dự án cho 368 hộ vay với số tiền 18 tỷ đồng. HND các huyện, thành phố, thị xã giải ngân 174 dự án cho 289 hộ vay với số tiền trên 10,9 tỷ đồng. HND cấp xã giải ngân gần 2,7 tỷ đồng cho 260 hộ vay. Các cấp HND tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hội viên nông dân.
 
Bà Phạm Thị Thanh Phúc, Trưởng ban Kinh tế-Xã hội, HND tỉnh cho biết: Với phương châm “Hỗ trợ cần câu chứ không hỗ trợ con cá”, các cấp HND đã giúp người dân từng bước xác định được vai trò chủ thể của mình trong giảm nghèo và tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, HND các cấp tiếp tục phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT và các tổ chức tín dụng trên địa bàn để hỗ trợ hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND các cấp; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân.
 
Phạm Hà
 
 

tin liên quan

Điểm hẹn Đường 20

(QBĐT) - Đường 20-Quyết Thắng là con đường của ý chí, niềm tin, là minh chứng cho sự hy sinh vĩ đại của nhiều thế hệ thanh niên xung phong trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước.

TP. Đồng Hới: Đầu tư trên 41 tỷ đồng xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch

(QBĐT) - Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan cho biết: Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2020, đến nay, thành phố đã chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư... phục vụ phát triển du lịch.

Người chăn nuôi lao đao vì giá gia súc xuống thấp

(QBĐT) - Giá bán trâu, bò đang xuống thấp chưa từng có thời gian qua, khiến người chăn nuôi trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đang đối mặt với không ít khó khăn.