Làm giàu từ nghề chế biến hải sản
(QBĐT) - Tận dụng lợi thế, tiềm năng của địa phương là một xã vùng biển có nguồn lợi hải sản dồi dào, bà Lê Thị Thuần, ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch (Bố Trạch) đã đầu tư mô hình chế biến hải sản. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình bà có thu nhập trên 400 triệu đồng, là một trong những điển hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Bà Lê Thị Thuần chia sẻ: Năm 1982, vợ chồng bà bắt đầu đầu tư chế biến thủy sản. Theo bà, một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm đó chính là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu thu mua về phải được lựa chọn kỹ càng, tính toán tỉ mỉ nhằm cho ra đời những sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, vốn đầu tư ít, trung bình mỗi ngày thu mua 2-3 tạ cá tươi với các sản phẩm chế biến chủ yếu là nước mắm và ruốc, đến năm 2007, vợ chồng bà quyết định mở rộng quy mô kinh doanh chế biến thủy sản bằng cách thuê đất làm nhà xưởng và đầu tư trang thiết bị cần thiết, xây dựng sân phơi, địa điểm chế biến thoáng mát, rộng rãi để tiện lưu chuyển chế biến và thu mua.
Ngoài ra, bà Thuần đã tự tìm hiểu và tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật chế biến thủy hải sản, kỹ năng tìm kiếm thị trường, quản lý doanh nghiệp nhỏ và buôn bán hộ gia đình và học hỏi các mô hình làm kinh tế giỏi ở nhiều địa phương. Bằng kinh nghiệm chắt lọc được qua nhiều năm làm nghề cùng với những kiến thức học tập được, các mặt hàng chế biến của gia đình bà dần được cải thiện cả về chất lượng, lẫn hình thức.
Hiện nay, cơ sở chế biến thủy sản của bà Lê Thị Thuần chế biến chủ yếu các sản phẩm, như: Ruốc, mắm nêm, mắm thín, nước mắm, cá khô và khuyếc khô... Mỗi năm gia đình bà Thuần thu mua thông qua các đầu mối tại xã khoảng 25-30 tấn cá, chủ yếu là cá cơm để sản xuất nước mắm và thu mua khuyếc tươi để làm ruốc với lượng sản phẩm thu được khoảng 10 tấn ruốc quết…
Nhờ mở rộng quy mô sản xuất, chế biến nghiêm ngặt bảo đảm quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm nên các sản phẩm của gia đình bà Lê Thị Thuần được người tiêu thụ đánh giá thơm ngon, sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Nguồn hàng của gia đình bà hiện bỏ mối thường xuyên cho các chợ ở trong tỉnh, trong đó các đầu mối ở TP. Đồng Hới, các huyện Quảng Ninh, Tuyên Hóa… và nhiều thương lái đến thu mua tại cơ sở.
Mỗi năm, cơ sở chế biến thủy sản này đã đem lại cho gia đình bà Lê Thị Thuần nguồn thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Đây là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả ở xã Nhân Trạch, góp phần phát huy và giữ gìn nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Ông Lê Công Khanh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhân Trạch cho biết: Toàn xã có 1.250 hội viên người cao tuổi đang sinh hoạt, trong đó số hội viên người cao tuổi tham gia làm kinh tế giỏi có từ 30-40 hội viên. Hiện trên địa bàn xã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh do hội viên người cao tuổi làm chủ đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó cơ sở sản xuất của bà Lê Thị Thuần đáng được nhân rộng, biểu dương.
Hiền Phương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.