Phát huy hệ thống camera giám sát thiên tai

  • 08:18 | Thứ Sáu, 23/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm góp phần bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững, Đồng Hới huy động mọi nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra một cách nhanh nhất; trong đó, sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống camera giám sát thiên tai, lũ lụt trên địa bàn theo kế hoạch…
 
Là địa bàn thuận lợi về giao thông vận tải, từ đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không, nhưng do địa hình dài và hẹp, trải dọc theo bờ biển, nằm trong khu vực thường xuyên gánh chịu hậu quả do thiên tai gây ra, nên trung bình mỗi năm, TP. Đồng Hới chịu ảnh hưởng từ 2-3 cơn bão đổ bộ. Khu vực các xã, phường ven biển, cửa sông, như: Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Thành, Phú Hải… ảnh hưởng trực tiếp khi có bão mạnh, siêu bão.
 
Theo thống kê, thiên tai năm 2021 tuy không khốc liệt bằng năm 2020 nhưng cũng gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và nhân dân: Kè biển Nhật Lệ (TDP 7, phường Hải Thành) bị sóng đánh vỡ 200m, thiệt hại gần 3 tỷ đồng; ngoài ra, diện tích không nhỏ hoa màu của bà con nông dân bị ảnh hưởng, hư hại.
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn chịu ảnh hưởng của 4 đợt gió mùa đông bắc và không khí lạnh tăng cường; 1đợt nắng nóng, đặc biệt có đợt mưa lớn cuối tháng 4 đã làm gãy đổ 285ha lúa đã chín, ảnh hưởng đến năng suất và công sức của bà con trong quá trình thu hoạch...
 
TP. Đồng Hới đã lắp đặt thiết bị cảm biến tại cống xả Hồ Thành và khu vực cầu Phú Vinh 2.
TP. Đồng Hới đã lắp đặt thiết bị cảm biến tại cống xả Hồ Thành và khu vực cầu Phú Vinh 2.
Trưởng phòng Kinh tế TP. Đồng Hới Đoàn Hồng Quân cho biết: Trước tình hình thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường, bão mạnh và siêu bão đã và đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, UBND TP. Đồng Hới đã xây dựng phương án nhằm chủ động nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai của chính quyền và cộng đồng dân cư, bảo đảm an toàn về  người và tài sản, bảo vệ sản xuất.
 
Thành phố tăng cường công tác thông tin dự báo, cảnh báo diễn biến thời tiết và thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Trong đó, để phòng, tránh ứng phó thiên tai hiệu quả và thiết thực, thành phố kêu gọi ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh ngay tại địa bàn dân cư.
 
Quang Phú là một trong những địa phương đặc thù với địa hình ven biển cùng với ngành nghề mưu sinh của người dân là dịch vụ nghề biển và đánh bắt thủy hải sản, vì vậy, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể rất chú trọng công tác phòng, chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN). Toàn xã có 105 tàu, thuyền hoạt động trên biển, hàng chục quán xá buôn bán ven biển…
 
“Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, xã Quang Phú đã tổ chức diễn tập, tập huấn để nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, nâng cao nhận thức trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và TKCN. Đồng thời, xã bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCTT tại địa phương. Khi có thông tin về bão lũ, các lực lượng sẽ thông báo kịp thời, hướng dẫn người dân và tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn”, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Phương Thủy chia sẻ.
 
Đặc biệt, thành phố đã triển khai lắp hệ thống camera giám sát thiên tai, lũ lụt hỗ trợ công tác PCTT-TKCN trên địa bàn. Ngoài hệ thống camera đô thị thông minh, toàn thành phố dự kiến lắp thêm 9 thiết bị cảm biến đo mực nước và lưu lượng nước, 9 camera giám sát ngập lụt tại các điểm trọng yếu các địa bàn: Thuận Đức, Đức Ninh Đông, Bắc Nghĩa, Phú Hải, Đồng Hải... Đến nay, thành phố đã triển khai lắp đặt 2 thiết bị cảm biến tại cống xả Hồ Thành và khu vực cầu Phú Vinh 2… Đây là một trong những phương án mới, kịp thời hỗ trợ, góp phần giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân trước thiên tai, bão lũ năm 2022.
 
Theo Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan, dù chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác PCTT-TKCN nhưng thành phố vẫn còn đó những trăn trở. Hiện nay, trên địa bàn, một số công trình hạ tầng do sở, ban, ngành cấp tỉnh làm chủ đầu tư, như: Đường Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, đường 36m nối cầu Nhật Lệ II, đường Khu Công nghiệp Tây Bắc nối Quang Phú, kè sông Phú Vinh… đang thi công chưa hoàn thiện, hệ thống thoát nước mưa chưa được kết nối đồng bộ về giao thông sẽ dẫn đến gây ngập lụt cục bộ, ách tắc giao thông trong mùa mưa bão và tạo nên những điểm sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trước mùa mưa bão, có phương án cảnh báo, bảo vệ người dân khi đi qua những công trình này.
 
Đồng thời, một số địa phương trên địa bàn còn thiếu phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng để cứu hộ, cứu nạn, như: Ca nô, xuồng cứu hộ… nên chưa đáp ứng được công tác PCTT trước những diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp. Thêm vào đó, khu neo đậu tránh trú bão Cừa Phú (xã Bảo Ninh) đã được đưa vào sử dụng với quy mô 270 tàu có công suất dưới 300CV, nhưng hiện thành phố có nhiều tàu có công suất trên 300CV và 13 tàu vỏ thép trên 800CV chưa có địa điểm phù hợp để neo đậu tránh trú. Thành phố mong tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu có phương án xử lý phù hợp…
 
Hương Trà

tin liên quan

Biển Đông chuẩn bị đón bão số 4, nhiều vùng có mưa lớn

Dự báo Biển Đông có khả năng xuất hiện bão vào ngày 26/9, cường độ bão đạt cấp 9 - 10, giật cấp 12 và còn có thể mạnh hơn.

Nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lệ Thủy thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được các cơ quan liên quan ở địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tế.

 

Hướng đến mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

(QBĐT) - Với sự quan tâm của các cấp, ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành Bảo hiểm xã hội và Giáo dục-Đào tạo, các cơ sở GD và HSSV trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt chính sách BHYT, góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn.