Tích cực đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo
(QBĐT) - Để nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng vay, những năm qua, các tổ chức chính trị-xã hội đã làm tốt vai trò nhận ủy thác cho vay. Nhờ phương thức vay này, nhiều hộ nghèo và gia đình chính sách đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội.
Hiện nay, phương thức cho vay chủ yếu tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.
Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị-xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) trong những năm qua đã góp phần bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời. Thông qua phương thức cho vay này, tổ chức chính trị-xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công..., góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách và thay đổi kinh tế của địa phương.
Là một trong những tổ chức chính trị-xã hội được giao nhiệm vụ đồng hành, sát cánh cùng NHCSXH trong chặng đường 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Hội LHPN tỉnh đã thành công khi trở thành tổ chức có doanh số cho vay cao thứ 2 trong số 4 tổ chức hội.
Bà Châu Thị Định, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hội đã bám sát nội dung các văn bản liên tịch được ký kết giữa Hội LHPN tỉnh và NHCSXH để triển khai thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Để giúp các thành viên nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, Hội LHPN các cấp đã chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề; hướng dẫn xây dựng các ý tưởng, mô hình sản xuất, kinh doanh… Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, mở ra cơ hội cho nhiều chị em phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo; nhiều mô hình trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế của phụ nữ…
Đến ngày 31/8/2022, dư nợ do Hội LHPN tỉnh quản lý đạt 1.476 tỷ đồng với 28.211 hộ vay vốn, chiếm 35,15% tổng dư nợ của NHCSXH. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,04%, trong đó có 123/148 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn; trên 96% hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, trả vốn lãi đúng kỳ hạn.
Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đồng hành cùng hệ thống NHCSXH chuyển tải nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và ổn định xã hội.
Qua 20 năm phối hợp thực hiện ủy thác, dư nợ của hội liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình cho vay. Đến nay (31/8/2022), có 146/150 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội thực hiện ủy thác với NHCSXH, quản lý 824 tổ TK-VV với 29.724 thành viên. Tổng dư nợ của 21 chương trình tín dụng chính sách đạt 1.558 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,11%, là đơn vị có dư nợ ủy thác lớn nhất trong 4 tổ chức chính trị-xã hội.
Tân Ninh (Quảng Ninh) là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nên kinh tế của người dân vẫn còn gặp không ít khó khăn, việc sản xuất của người dân chưa được đầu tư do thiếu vốn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của địa phương.
Bà Phan Thị Hoa Mai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Ninh cho biết: “Trước những khó khăn, thách thức này, Hội Nông dân xã đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện để tổ chức Hội Nông dân được tham gia thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để giúp nông dân phát triển kinh tế. Đồng thời, chủ động ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH về công tác ủy thác vay vốn, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Qua 20 năm thực hiện các nội dung nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã có tác động tích cực đối với tổ chức hội và nhân dân. Thông qua nhận ủy thác, tổ chức hội đã thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ nghèo nhờ được vay vốn đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, thông qua các kênh vốn đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nâng cao thu nhập”.
Có thể nói, phương thức cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị-xã hội đã thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH. Cách vay này đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương để chuyển tải nguồn vốn tín dụng CSXH của Nhà nước đến hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội.
Tính đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị-xã hội của NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình là 4.198 tỷ đồng với 79.942 khách hàng đang vay vốn, chiếm 99,1% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị.
|
Đ.N
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.