Tín dụng chính sách xã hội góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước

  • 07:47 | Thứ Hai, 19/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhân tổng kết 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ, phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã phỏng vấn ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)-Chi nhánh Quảng Bình về chủ trương nhân văn này.
Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình.
Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình.
- PV: Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác cũng như mô hình tổ chức của NHCSXH theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ là chủ trương đúng đắn và hoàn toàn phù hợp. Xin ông đánh giá khái quát những kết quả đạt được của hoạt động chính sách tín dụng ưu đãi trong 20 năm qua?
 
 - Ông Trần Văn Tài: NHCSXH được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg, ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Theo đó NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình cũng chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 29/3/2003 theo Quyết định số 46/QĐ-HĐQT, ngày 14/1/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH.
 
Phương thức cho vay chủ yếu tại NHCSXH hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Thông qua các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác cấp tỉnh, huyện, xã, phường đã xây dựng, kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) ở cơ sở.
 
Đến 31/8/2022, toàn tỉnh có 2.204 tổ TK-VV đang hoạt động trên khắp các thôn, bản, tổ dân phố trực thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác. Trong 20 năm qua, tổ TK-VV đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng CSXH, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội.
 
Bên cạnh đó, tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, với cách thức “phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, những điểm giao dịch này đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, các dịch vụ của NHCSXH nhanh chóng, thuận lợi, tiết giảm chi phí. Hiện, toàn tỉnh có 151 điểm giao dịch NHCSXH tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn.
 
Khi mới thành lập, nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh chủ yếu là vốn cân đối từ Trung ương chuyển về. Qua quá trình hoạt động, được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, tổ chức, cá nhân, sự nỗ lực của chi nhánh, đến nay cơ cấu nguồn vốn hoạt động của chi nhánh khá đa dạng, ngày càng tăng, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tổng nguồn vốn tín dụng đến 31/8/2022 đạt 4.247.423 triệu đồng, tăng 4.057.135 triệu đồng, gấp 21,3 lần so với khi mới thành lập.
 
Trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện, thị xã ủy thác qua NHCSXH.
 
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu (hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn) với tổng dư nợ là 190.288 triệu đồng, trong 20 năm qua, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đã giải ngân 26 chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay đạt 13.047.159 triệu đồng; doanh số thu nợ đạt 8.989.766 triệu đồng; tổng dư nợ đến 31/8/2022 đạt 4.233.174 triệu đồng với 22 chương trình tín dụng và 80.085 khách hàng đang còn dư nợ, tăng 4.042.886 triệu đồng và gấp 21,2  lần so với thời điểm nhận bàn giao, bình quân mỗi năm tăng 202,1 tỷ đồng, dư nợ bình quân là 52,8 triệu đồng/khách hàng.
 
- PV: Với những kết quả nổi bật đã đạt được, hoạt động chính sách tín dụng ưu đãi trong 20 năm qua đã có những tác động, đóng góp như thế nào đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, chính trị của địa phương, thưa ông?
 
- Ông Trần Văn Tài: Các chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất. Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách thuận lợi, kịp thời.
 
Trong thời gian qua, có trên 603 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; duy trì việc làm cho gần 62 nghìn lao động; gần 64 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng, cải tạo hơn 227 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng, sửa chữa gần 9,5 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo; 1.017 khách hàng được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; 26 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được vay vốn và 109 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 3.931 lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch...
 
Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống, như: Chế biến nước mắm tại xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới); phát triển bánh tráng xã Quảng Thanh (Quảng Trạch); nuôi cá trắm sông Son (Bố Trạch); chăn nuôi gia súc, gia cầm…
 
Thông qua thực hiện, các chính sách tín dụng ưu đãi đã gắn kết cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể với nhân dân, thu hút các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
 
Các hộ nghèo, hộ chính sách được nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất để tạo thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, bán lúa non; giúp gắn kết người nghèo, gắn kết cộng đồng; từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông nghiệp nông thôn khởi sắc, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng, ổn định chính trị xã hội. Đến cuối năm 2021, có 85/128 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, TP. Đồng Hới và TX. Ba Đồn có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
 
- PV: Trên cơ sở những kết quả nổi bật đã đạt được trong 20 năm qua, hoạt động chính sách tín dụng ưu đãi đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản nào trong thời gian tới, thưa ông?
 
- Ông Trần Văn Tài: Thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ giao và các chương trình tín dụng ủy thác của địa phương bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng và tiếp cận các dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10-12%; trong đó, dư nợ ủy thác từ ngân sách địa phương tăng trưởng bình quân hàng năm trên 30%.
 
Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác và các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp như sau: Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn lực cho NHCSXH thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH.
 
Quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn hàng năm qua NHCSXH theo Đề án “Hỗ trợ tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH giai đoạn 2021-2025” đã ban hành để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
 
Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn, bảo đảm vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn.
 
Tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi và vốn được bổ sung, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được giao hàng năm và tập trung đôn đốc thu hồi dứt điểm nợ đến hạn, nợ quá hạn.
 
Duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng CSXH. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng các tổ TK-VV, điểm giao dịch tại xã, thị trấn...nhằm đưa hoạt động NHCSXH tiếp tục có những đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
 
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
 
Đ.Nguyệt (thực hiện)

tin liên quan

Viếng, dâng hương tưởng niệm 50 năm ngày mất của 16 TNXP tại bến phà Long Đại

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của 16 thanh niên xung phong tại bến phà Long Đại (19/9/1972-19/9/2022), ngày 18/9, huyện Quảng Ninh tổ chức lễ viếng, dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-Bến phà Long Đại và Nhà bia tưởng niệm 16 TNXP tại bến phà Long Đại. 

LỜI CẢM TẠ

Lời cảm tạ!

Prudential đồng hành cùng học sinh nghèo vượt khó tại tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Thông tin từ Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam cho biết, đơn vị vừa tổ chức trao tặng xe đạp cho các học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Minh Hóa.